Mô hình tưới tiết kiệm ở Đồng Nai
- Thứ ba - 04/02/2014 20:17
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Từ mô hình điểm...
Nằm ở vùng đất khô cằn thuộc huyện miền núi Xuân Lộc, xã Xuân Thọ có những trang trại tiêu, chôm chôm, sầu riêng, cà-phê và nhiều loại cây trồng khác. Mặc dù ở thời điểm này là mùa khô gay gắt ở vùng Đông Nam Bộ nhưng ở đây vẫn một mầu xanh mơn mởn đến mát mắt. Điều làm nên khác biệt của những trang trại này là được trang bị hệ thống tưới tiết kiệm "made in Đồng Nai" -địa phương đầu tiên áp dụng và nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm ra đại trà cho nông dân trên địa bàn tỉnh.
Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn tiêu xanh trĩu quả, mỗi gốc tiêu có đường kính hơn 1 m, cao 4 m đến 5 m, ông Trần Hữu Thắng, ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ kể: "Trong ba năm liền (từ năm 2011 đến 2013), năm nào tôi cũng thấy mấy anh khuyến nông dẫn mấy người nước ngoài đến thăm vườn tiêu của tôi, họ không nói gì chỉ hỏi về năng suất, cách áp dụng kỹ thuật chăm sóc. Lúc đó tôi nghĩ họ đến để tham quan giống như nhiều đoàn khác, nhưng không ngờ, giữa năm 2013, tôi nhận được giấy mời của Hiệp hội Hồ tiêu thế giới đi nhận danh hiệu người trồng tiêu giỏi nhất thế giới, lúc ấy tôi mới biết là họ đến khảo sát vườn tiêu của tôi".
Bây giờ, ông Thắng đã thành tỷ phú với thu nhập hằng năm khoảng một tỷ đồng. Nói về "bí quyết" để trở thành người trồng tiêu giỏi nhất thế giới, ông Thắng tươi cười cho rằng, đó là do mình mạnh dạn áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm kết hợp với bón phân qua đường ống.
Cách đây chín năm, khi Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai có chương trình hỗ trợ kinh phí lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm để làm mô hình điểm nhân rộng, nhiều nông dân từ chối, cho rằng tưới tràn với số lượng nước lớn theo phương pháp truyền thống cây trồng cũng chết vào mùa khô đừng nói là tưới tiết kiệm. Ông Thắng mạnh dạn cùng cán bộ Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho vườn tiêu khoảng một ha của mình. Chỉ một năm sau, năng suất tiêu của ông tăng từ ba tấn lên sáu tấn một ha, năm tiếp theo năng suất tăng lên tám tấn một ha. Từ đó đến nay, năng suất tiêu của ông Thắng luôn giữ ổn định từ tám đến mười tấn một ha, thậm chí có năm vượt hơn 10 tấn một ha. Ông Thắng cho biết: "Nước tưới và bón phân là yếu tố quan trọng nhất đối với cây tiêu. Và không hẳn càng nhiều nước, nhiều phân bón thì cây tiêu càng cho năng suất cao, mà vấn đề là điều tiết nước, phân bón sao cho phù hợp với nhu cầu của cây trong từng giai đoạn phát triển. Thiếu nước, thiếu phân hay thừa nước, thừa phân đều bất lợi cho sự sinh trưởng phát triển của cây trồng. Hệ thống tưới này giúp mình điều chỉnh được lượng phân bón và nước tưới cho cây dễ dàng hấp thụ".
ông Thắng cho biết thêm: "Trước đây chưa lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, cần rất nhiều công lao động để tưới nước, bón phân, giờ đây, chỉ có một mình tôi chăm sóc cho cả vườn này. Hơn nữa, nó còn hạn chế đến mức thấp nhất sâu bệnh gây hại, các vườn tiêu ở khu vực này trước đây thường hay bị bệnh "chết nhanh, chết chậm" - một loại bệnh đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị, nhưng khi áp dụng tưới tiết kiệm, bệnh này gần như đã được ngăn chặn".
... đến cách chuyển giao cho nông dân
Hệ thống tưới tiết kiệm có nhiều ưu điểm nổi trội này gắn liền với nhiều năm trăn trở, tìm tòi của thạc sĩ Huỳnh Thành Vinh, hiện là Phó Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất, trước đây là Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai - người đầu tiên thiết kế hệ thống tưới tiết kiệm tại địa phương. Là một kỹ sư nông nghiệp với hơn 20 năm lăn lộn cùng với nông dân, ông thấu hiểu những khó khăn của nhà nông khi cây trồng thường bị khô hạn vào mùa khô dẫn đến sâu bệnh, năng suất, chất lượng đạt rất thấp. Từ những chuyến công tác đi học hỏi kinh nghiệm nước ngoài và tham khảo trên in-tơ-nét, ông cùng các cán bộ kỹ thuật trung tâm thiết kế mô hình tưới tiết kiệm kết hợp với bón phân qua đường ống. Từ kết quả vườn tiêu của ông Thắng, giờ đây nhiều nhà vườn trồng tiêu ở Đồng Nai triển khai áp dụng, năng suất trung bình của những vườn tiêu này đạt từ năm đến bảy tấn một ha, cao hơn gấp đôi so với các vườn tiêu chưa áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm (từ 2,5 đến ba tấn một ha).
Anh Thân Công Cường, ấp Hưng Thịnh, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất kiểm tra hệ thống tưới tiết kiệm cho vườn tiêu của mình.
Không chỉ áp dụng đối với cây tiêu, hiện hệ thống tưới tiết kiệm còn được nhiều nông dân ở Đồng Nai và các tỉnh ở Đông Nam Bộ, miền Tây đến học hỏi kinh nghiệm, áp dụng cho các loại cây trồng khác. Ông Phan Văn Phụng, Tổ trưởng Tổ hợp tác cây chôm chôm xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết: "Tổ hợp tác có 33 thành viên với tổng diện tích 30 ha, được hỗ trợ 30% chi phí, toàn bộ diện tích trồng chôm chôm của tổ hợp tác đều lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm". Từ khi có hệ thống tưới tiết kiệm, năng suất chôm chôm được đẩy lên từ 18 tấn lên 25 tấn một ha, chôm chôm loại một chiếm đến 90%. Đặc biệt, với hệ thống này, các thành viên tổ hợp tác dễ dàng xử lý ra hoa trái vụ do chủ động được nước tưới nên giá bán cao hơn so với giá chôm chôm chính vụ hơn 10 nghìn đồng/kg, qua đó, trừ hết chi phí, mỗi ha đem về cho các thành viên tổ hợp tác 150 triệu đồng một năm.
Trong tình hình khó khăn về chi phí, nhân công cũng như thiếu hụt nước tưới trong mùa khô, thì đây là giải pháp công nghệ giúp mang hiệu quả cao, thông qua các ưu điểm nổi trội: phù hợp với mọi địa hình, tiết kiệm 80% công lao động, 40% đến 50% nước tưới, 1/3 lượng phân bón so với cách tưới, bón phân theo kiểu truyền thống, đặc biệt năng suất, chất lượng cây trồng tăng cao. Theo đồng chí Huỳnh Thành Vinh, hiệu quả lớn nhất của hệ thống tưới tiết kiệm là hạn chế phát sinh dịch hại cây trồng, bởi phương pháp này phân bố lượng nước đồng đều cho tất cả các điểm mà không làm xói mòn hoặc nén chặt đất trồng trọt, đồng thời do bón phân cùng với nước tưới nên làm giảm lượng phân thất thoát, vừa không làm tổn thương bộ rễ của cây trồng theo kiểu cuốc lỗ làm bồn tưới nước, bón phân như truyền thống. Đây là yếu tố quan trọng tránh được những vi khuẩn nấm có hại xâm nhập từ những bộ rễ bị tổn thương gây bệnh cho cây.
Tuy hiệu quả kinh tế mang lại từ hệ thống tưới tiết kiệm đã rõ, góp phần mang lại thu nhập ổn định và cải thiện đời sống cho nông dân nhưng việc nhân rộng đại trà không dễ. Nguyên nhân là do kinh phí lắp đặt tương đối cao, khoảng 30 triệu đồng một ha, nên nông dân ngần ngại chưa mạnh dạn đầu tư. Ngoài ra, do sản xuất manh mún, cùng một diện tích nông nghiệp có nhiều loại cây trồng khác nhau và nông dân hiện nay còn mang nặng tư duy sản xuất nhỏ lẻ nên chưa mặn mà áp dụng. Để tháo gỡ những khó khăn này, Đồng Nai ban hành Quyết định về Chương trình Phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, kèm theo các khoản hỗ trợ cho nông dân với mục đích đến năm 2015 phát triển mới thêm gần 2.000 ha cây trồng chủ lực, hướng đến xây dựng các vùng chuyên canh, sản xuất rộng lớn theo hướng GAP.Theo đó, các cây trồng như: cà-phê, tiêu, xoài, sầu riêng và một số cây trồng khác được xác định là cây trồng chủ lực. Khi nông dân tham gia trồng mới, tỉnh Đồng Nai hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống chất lượng cao, 30% kinh phí đầu tư cho ba gói: lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong vòng 5 năm.
Cây ăn quả của Việt Nam có khoảng một triệu ha, nhưng diện tích áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn rất khiêm tốn, năng suất nông sản vừa thấp, chất lượng lại không đồng đều. Bởi vậy, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm chi phí, tăng năng suất sản lượng cây trồng là con đường tất yếu của sản xuất nông nghiệp nước ta trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.
Theo nhandan.com.vn