“Mỗi làng một sản phẩm”: Đẩy mạnh xuất khẩu và tiêu thụ nội địa

Từ những bài học thành công của hơn 40 nước tham gia phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” của các nước xuất khẩu thủ công mỹ nghệ trên thế giới, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng “Chương trình xúc tiến thương mại “Mỗi làng một sản phẩm” để đẩy mạnh xuất khẩu và tiêu thụ nội địa giai đoạn 2012- 215.
Làng gốm sứ Bát Tràng
CôngThương - Mô hình vẫn dừng ở việc xây dựng đơn lẻ
Chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) là chương trình phát triển vùng của Nhật Bản. Theo đó, cộng đồng lựa chọn sản xuất các loại hàng hóa có giá trị gia tăng cao. Một làng sản xuất một sản phẩm cạnh tranh như một doanh nghiệp để đạt được doanh thu nhằm cải thiện mức sống cho các cư dân của làng đó. Sau sự thành công của OVOP, có hơn 40 quốc gia cũng đang học tập và thực hiện mô hình OVOP.
Từ hiệu quả của phong trào OVOP, nhiều mô hình OVOP đã được xây dựng và phát triển tại Việt Nam nhằm tăng trưởng ngành nghề nông thôn, thu hút lao động làm việc tại các làng nghề. Tuy nhiên, trên thực tế, phong trào OVOP vẫn xây dựng đơn lẻ, kết quả phát triển làng nghề chưa tương xứng với tiềm năng.
Hiện nay, một vài mô hình phát triển sản phẩm làng nghề đang triển khai tại Việt Nam như: các sản phẩm ruột mây, mây song ở xã Yên Tập (Cẩm Khê, Phú Thọ), sản phẩm trang sức từ sừng, trai và gỗ ở xã Hòa Bình (Thường Tín, Hà Nội), sản phẩm từ giấy Dó và giấy thủ công ở xã Hợp Hòa (Lương Sơn, Hòa Bình).
Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm gần 244 làng nghề truyền thống. Một số làng nghề đã bước đầu kết hợp công nghệ truyền thống với công nghệ hiện đại, sản phẩm của làng nghề đã tinh xảo, hiện đại hơn, năng suất lao động được nâng cao. Năm 2011, giá trị sản xuất của làng nghề đạt trên 8.232 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% tổng giá trị sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp của toàn thành phố.
Tuy nhiên, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế về mẫu mã, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều. Đây chính là rào cản hạn chế khả năng xuất khẩu cho sản phẩm cũng như mức tiêu thụ nội địa.
Thúc đẩy OVOP để tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm
Để phục vụ mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu và giúp các làng nghề tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề Hà Nội, hiện nay Sở Công Thương đang triển khai chương trình xúc tiến thương mại “Mỗi làng một sản phẩm” giai đoạn 2012- 2015.
Theo Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng, đối tượng của chương trình xúc tiến thương mại OVOP 2012- 2015 chia làm từng nhóm rõ ràng, có 4 nhóm. Nhóm 1 là nhóm mặt hàng/làng nghề tiêu biểu có giá trị sản xuất hàng năm cao đang xuất khẩu hoặc có tiềm năng xuất khẩu cao. Nhóm 2 là các làng nghề sản xuất các mặt hàng có thể được thiết kế lại phù hợp với nhu cầu tiêu dùng hiện đại của thị trường thế giới và nội đia để nâng cao giá trị sản xuất. Nhóm 3 là nhóm mặt hàng tiềm năng phát triển giá trị sản xuất thông qua phát triển du lịch. Nhóm 4 là nhóm các sản phẩm mới mà thị trường có nhu cầu cao và cần thiết phải nhân cấy tại các làng nghề.
Ông cũng cho biết, chương trình XTTM lần này sẽ chia ra các giai đoạn theo từng năm tương ứng với các hoạt động và lộ trình cụ thể.
Bà Mai Anh- Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Hà Nội chia sẻ: Mục tiêu chính của chương trình trong thời gian tới là lựa chọn được các sản phẩm OVOP Hà Nội đạt chất lượng cao đáp ứng các nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Xây dựng thương hiệu OVOP Hà Nội cho các sản phẩm tham gia chương trình OVOP. Bên cạnh đó sẽ hình thành hệ thống tiêu chí chấm điểm, phân loại xếp sao các sản phẩm.
Đặc biệt, chương trình OVOP Hà Nội này sẽ có đội ngũ doanh nghiệp nòng cốt, giúp mở rộng thị trường, là đầu mối thu gom sản phẩm xuất khẩu các sản phẩm OVOP Hà Nội.
Hà Nội có gần 100 làng nghề đạt doanh thu 10-20 tỷ đồng/năm, 70 làng nghề đạt 20-50 tỷ đồng/năm... đặc biệt một số làng nghề đạt doanh số cao như làng gốm sứ Bát Tràng đạt gần 300 tỷ đồng/năm; làng nghề mộc Vạn Điểm (huyện Thường Tín) đạt trên 100 tỷ đồng...
Thu Phương
baocongthuong.com.vn