Người đầu tiên mạo hiểm đưa lợn rừng về nuôi trên vùng đất cát ven biển
- Thứ năm - 26/10/2017 23:06
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tận dụng rừng tràm tự nhiên, ông Lương đưa giống lợn rừng về thả |
Sau khi xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp, ông Trương Tiến Lương đã mạnh dạn đưa giống lợn rừng về nuôi ngay tại vùng rừng đước ven biển xã Thạch Hải (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh). Ý tưởng mới cùng với sự táo bạo đã mở ra hướng chăn nuôi hiệu quả, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Trương Tiến Lương sinh ra thôn Liên Hải (xã Thạch Hải), vùng đất miền biển chịu nhiều hệ lụy từ dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Phần lớn diện tích đất đai địa phương đều nằm trong quy hoạch của mỏ sắt, hoang hóa nhiều năm liền, đất đai chủ yếu các loại cây hoang dại phủ kín, đời sống người dân xã Thạch Hải gặp muôn vàn khó khăn. Bởi vậy, bản thân ông luôn đau đáu khát vọng làm giàu ngay trên chính miền quê khắc nghiệt này.
Nhận thấy vùng Bàu Soi nằm cạnh mỏ sắt Thạch Khê có tiềm năng nhưng bị bỏ hoang hóa lâu năm, ông làm đơn xin UBND xã Thạch Hải cho mượn gần 4ha để phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Được chính quyền địa phương đồng ý, tháng 9/2016, HTX Liên Hợp được thành lập với 10 thành viên tham gia do ông Lương làm giám đốc.
“Lúc mới vào đây đường sá không có, toàn bộ khu vực này đều được bao phủ bởi những vườn tràm và các loại cây hoang dại. Anh em xắn tay áo dọn dẹp cả tháng trời mới giải tỏa được mặt bằng. Bước đầu, HTX trồng thử các loại cây ăn quả trên cát như cam, bưởi, ổi… Sau thời gian thấy cây phát triển tốt các thành viên tiếp tục mở rộng sang chăn nuôi dê, gà, bò… với số lượng hàng trăm con nhằm tái đầu tư cho cây ăn quả. Việc chăn nuôi tại HTX Liên Hợp chủ yếu dùng các sản phẩm phụ nông nghiệp như cám gạo, vỏ lạc, bột đậu, ngô… nên được người dân tin dùng”, ông Lương cho biết.
Đàn lợn rừng của HTX Liên Hợp giá trị hơn 1 tỷ đồng |
Với ý tưởng tạo ra bước đột phá ở vùng quê miền biển, ông Lương bàn với các thành viên của HTX đưa giống lợn rừng về nuôi. Cuối năm 2016, ông ra Hải Dương mua 20 con lợn giống và lợn thịt về thả nuôi tại khu rừng tràm bỏ hoang lâu nay.
“Lúc mới đưa về lợn bỏ ăn vì không hợp khẩu vị. Ở ngoài Bắc họ chủ yếu cho ăn loại cám mạch nhưng đưa loại cám này về đây giá thành đội lên rất cao. Các thành viên HTX phải thay nhau ra biển mua cá vụn về chế biến để cho lợn ăn nhằm kích thích khẩu vị. Sau một thời gian, đàn lợn rừng đã thích ứng được, sinh trưởng tốt và tăng đàn nhanh. Ưu điểm của giống lợn này là hầu như không mắc bệnh tật, ăn rất tạp nên dễ nuôi và cho chúng chạy cát nên thịt càng săn, ít mỡ và ngon. Đến nay, đàn lợn rừng đã tăng lên hơn 100 con, trị giá hơn 1 tỷ đồng”, ông Lương phấn khởi.
Để nuôi một con lợn rừng từ khi mới đẻ đến khi xuất chuồng (50 - 60kg) mất khoảng 1 năm, chủ yếu ăn bằng thức ăn tự nhiên như bã đậu, vỏ lạc, cám ngô… Bình quân mỗi con lợn 1 ngày ăn hết khoảng 5.000 đồng, rất ít so với nuôi lợn thịt công nghiệp và lợn thịt truyền thống. Tính đến cuối năm, nếu công việc thuận lợi, đàn lợn rừng của HTX Liên Hợp sẽ có tổng trọng lượng khoảng 6 tấn, dự kiến xuất khoảng 3 tấn lợn thịt ra thị trường với giá 160 triệu đồng/tấn. Trừ các chi phí có thể đem lại lợi nhuận gần 300 triệu đồng.
HTX Liên Hợp có 20 con bò, 800 con gà, 100 con dê… |
Cũng theo ông Lương, việc đưa giống lợn rừng về vùng cát là một cách làm mới và khá mạo hiểm. Ngoài mục đích phát triển kinh tế, việc chăn nuôi này còn mục đích bảo vệ nguồn gen động vật hoang dã ngày càng cạn kiệt, cung cấp nguồn thực phẩm sạch, tránh sự săn bắt động vật hoang dã trên rừng.
Nói về những khó khăn, ông Lương chia sẻ: “Vùng đất cát miền biển chủ yếu bị bạc màu, nghèo dinh dưỡng, chưa nắng đã khô, chưa mưa đã ướt khiến SX gặp nhiều khó khăn. Dần dà, anh em biết cách “điều tiết” nên cũng đỡ hơn. Đến nay, dù lãi ròng chưa đáng kể nhưng việc quay vòng vốn tái SX đã mang lại hiệu quả. Thời gian tới, HTX sẽ mở rộng SX thêm một số giống cây trồng, vật nuôi khác với mục tiêu đưa tiêu chí sạch lên hàng đầu. Chúng tôi mong được chính quyền địa phương và các cấp ban ngành quan tâm, có chính sách hỗ trợ vay vốn để có điều kiện phát triển kinh tế, nhân rộng mô hình...”. |