Người “gieo tương lai” trên vách núi

Người “gieo tương lai” trên vách núi
Tôi gặp ông Nguyễn Đăng Chất, “đại gia su su” Tam Đảo (Vĩnh Phúc) vào một trưa hè nắng chói chang. Căn nhà nằm ven vách núi, phía trước, đằng sau, bên trái, bên phải, nơi nào cũng ngút ngàn màu xanh bất tận của su su. Màu xanh ấy gợi cho tôi ý nghĩa cao cả về sự sống bất diệt từ bàn tay cần mẫn của con người…
mươi năm vun trồng, thu hái

Căn nhà của ông Chất thực ra chỉ là hai mái ngói cũ kỹ, rêu phong, dựa vào một lô cốt hoang phế. Trái với vẻ ngoài tồi tàn, bên trong, chủ nhân của nó ung dung trên bộ bàn ghế làm từ gỗ quý khảm trai cầu kỳ, ngay bên cạnh là chiếc sập với những họa tiết, hoa văn tinh xảo. Căn phòng quá bé nhỏ nên khi kê những đồ đạc ấy vào càng trở nên chật chội. Nhưng có vẻ ông Chất không quan tâm đến việc ấy, ông vẫn ung dung rít thuốc lào trong “lãnh địa” của riêng mình.

Ông Chất lên Tam Đảo đã gần 20 năm, chỗ ở hiện nay cũng phải di chuyển đến 3 lần mới “an cư”. Hiện, 3 người con của ông đều đã lập gia đình, sinh sống gần cha mẹ và tiếp tục vun xới những khoảnh đất mà họ gắn bó từ thuở ấu thơ để gieo hy vọng về một tương lai tươi sáng. “Khi con cái lập gia đình, tôi cho mỗi đứa một quả đồi để làm kế sinh nhai. Mỗi quả đồi đều thấm bao mồ hôi nước mắt và công sức của tôi trong hàng chục năm. Khi trao lại cho các con, có lẽ chúng hiểu được điều đó nên đứa nào cũng chăm chỉ làm ăn, có của ăn của để từ việc trồng rau trên vạt đồi này…”, ông Chất chia sẻ.

 

Ông Chất đang đang trao đổi với phóng viên.

Gần 20 năm trước, nhân một lần lên thăm chị gái lấy chồng ở Tam Đảo, ông Chất quyết định ở lại nơi này với công việc “khởi nghiệp” là vác xi-măng, gạch từ chân núi lên cho các công trình xây dựng. Khi ấy, ở quê ông (Khoái Châu – Hưng Yên), đồng đất vẫn còn nhiều nhưng bao năm làm ăn mà cuộc sống vẫn không hết khốn khó, ông quyết định cùng gia đình làm cuộc di cư lên núi, hết làm thuê lại mua bò về chăn thả. Có lúc đàn bò lên tới hàng chục con, rồi bò ăn rau su su bị người ta bắt đền, ông lại bán bò trả nợ… Lầm lũi bao năm, ông quyết định khai hoang vỡ đất trồng rau. Từ khi hạt giống đầu tiên gieo xuống với bao bỡ ngỡ, nay ông Chất đã có hàng chục hecta su su, là một trong những “đại gia” rau ở đất Tam Đảo này.

Những ngày này, thương lái từ chân núi lên tận ruộng của ông Chất thu mua rau với giá khoảng 7.000 đồng/kg. Rau nhà ông trồng đến đâu được thu mua hết đến đó. Chỉ hợp đồng miệng với nhau vậy mà bao năm nay, hai bên bán – mua chưa bao giờ làm cho nhau phật ý. Tiết lộ này của ông Chất làm tôi thực sự ngạc nhiên. Tôi nghĩ về những vụ “lật kèo” bán buôn nơi phố thị và của thương lái nước ngoài mà báo chí đăng tải gần đây, tự hỏi có phải ở nơi bình yên này, cuộc sống vẫn rất chậm và người ta giữ lại cho mình những điều tốt đẹp của đời sống? Cũng vì làm ăn thuận lợi cộng với sự chắt chiu, chịu thương chịu khó, ông Chất và các con đều mua được đất đai, nhà cửa dưới thành phố Vĩnh Yên. Riêng ông Chất đang xây cất biệt thự và sẽ chuyển về đó sinh sống trong nay mai. Chẳng bao lâu nữa, ông Chất sẽ đưa tất cả những thứ vật dụng đắt tiền trong căn nhà lụp xụp ấy về xuôi, đặt trong căn nhà được xây bằng mồ hôi nước mắt của cả cuộc đời…

“Nghỉ hưu”

Sau gần 20 năm gắn bó với những vạt đồi, mồ hôi đổ đầy trên đá, sỏi, hơn ai hết, ông Chất quý trọng vô cùng từng tấc đất. Nhưng cái ngày bàn tay ngơi nghỉ cũng cần phải đến. “Tôi đã mệt thực sự rồi. Đời mình sống vì những vạt đồi này, giàu có cũng nhờ những vạt đồi này, khi đi bảo không nhớ là không đúng. Nhưng cái gì cũng có thời thôi. Để lại cho con cháu làm còn vui hơn là bán đứt cho thiên hạ”, ông Chất trầm ngâm nói.

 

Nhân công thu hái su su trên vạt đồi ông Chất.

Ông Chất bảo, ông đã được chứng kiến đất Tam Đảo thay đổi từng ngày: từ khi còn những con đường gập ghềnh sỏi đá vắt ngang lưng chừng núi đến khi thành điểm du lịch thu hút đông đảo khách thập phương. Cũng nhờ khách đến đông mà giá ngọn, quả su su đắt hơn trước, đời sống người trồng rau được nâng cao từng ngày. Cái khó nhất bây giờ là thuê nhân công thu hái, tiền công lên tới 100.000 đồng/người/ngày nhưng vẫn khó tìm, vì bây giờ người ta thích xuống thành phố, người trẻ thì làm công nhân, trung tuổi thì bán hàng, giúp việc, không mấy ai còn mặn mà với những vạt đồi này. Giống rau su su cũng có thay đổi, xưa người ta gieo hạt, mỗi lứa thu hái được dăm ba năm, nay chỉ hai năm phải thay giống mới. Thật may rau su su trông yếu ớt nhưng lại có sức sống mãnh liệt. Có bận cả vạt đồi bị gió bão quật tơi bời, một tuần sau ngọn lại đua nhau lên mơn mởn. Trước bà con thường gieo hạt rồi để ngọn rau bò lan khắp mặt đất, nay có giàn nên ngọn ngoi lên cao, việc thu hái nhàn hơn rất nhiều.

Ông Chất bảo, su su ngon nhất là dịp tháng 8 âm lịch, khi ấy ngọn rau nhỏ, đặc và giòn. Rau su su Tam Đảo ngon hơn hẳn Sa Pa (Lào Cai) và Mộc Châu (Sơn La) vì khí hậu và chất đất đặc trưng, hơn nữa, Tam Đảo gần Hà Nội nhất nên khi về thành phố, rau vẫn tươi ngon mà không phải bảo quản, tẩm ướp gì.

Chúng tôi chia tay ông Chất bằng cái bắt tay thật chặt dưới giàn su su mát rượi. Chẳng có lời hẹn nào cho ngày trở lại, bởi ít lâu nữa, ông Chất đã về ở căn biệt thự hoành tráng dưới thành phố. Căn nhà tồi tàn này có thể các con ông vẫn ở, để tiếp tục gieo vào đá bao nhiêu ước mơ tươi sáng...

Quỳnh Chi
Nguồn:kinhtenonghton.com.vn