Người thương binh làm giàu từ chăn nuôi lợn
- Thứ ba - 19/06/2012 04:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo, đông anh em, anh Hoàng Trọng Cường đã phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, lặn lội với con nước mò ngao, bắt hến cùng với gia đình để kiếm kế sinh nhai.
Năm 1976, theo tiếng gọi của tổ quốc về nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Cămphuchia, người thanh niên Hoàng Trọng Cường lên đường nhập ngũ và được biên chế ở Sư đoàn 341, Quân đoàn 4. Trong một trận đánh anh bị thương nặng được đưa về điều trị ở Quân đoàn. Sau lần điều trị đó, anh tiếp tục tham gia chiến đấu nhưng lần này một quả pháo cối xuyên vùng mông, đùi, với tỷ lệ thương tật trên 90% Hoàng Trọng Cường phải giã từ đồng đội để về điều trị, rồi nằm an dưỡng hết bệnh viện quân đoàn, bệnh viện 175, đoàn an dưỡng và cuối cùng là Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng Nghệ An.
Năm 2007 trở về quê hương, nhận thấy quê hương mình đất đai rộng, anh có suy nghĩ đầu tư phát triển chăn nuôi, nhưng với thương binh nặng như anh đi lại còn khó khăn nói gì đến việc phát triển kinh tế. Với nghị lực của anh bộ đội cụ Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, qua nhiều lần tìm hiểu, tham quan học tập anh đã quyết định phát triển chăn nuôi lợn. Khởi đầu đồng vốn ít ỏi, không nắm vững kỹ thuật chăn nuôi nên anh chỉ nuôi 3 con lợn nái Móng cái làm giống để nuôi lợn thịt. Bước đầu mỗi năm gia đình anh xuất chuồng được 2-3 tấn lợn hơi, thu lãi 8-10 triệu đồng. Theo anh Cường để phát triển nuôi lợn bền vững thì con giống rất quan trọng, nếu thu mua từ chợ hoặc từ hộ khác về nuôi thường hay xẩy ra dịch bệnh, lợn tăng trọng chậm, làm cho chăn nuôi bấp bênh, hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2010, được huyện hỗ trợ 10 con lợn nái ngoại và hướng dẫn xây dựng chuồng trại, tổ chức tập huấn kỹ thuật nên anh Cường đã mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi.
Đến nay, trong chuồng lợn của anh thường xuyên có 1 con đực giống, 12 con nái, từ 100-200 con lợn con và lợn thịt. Ngoài chăn nuôi lợn anh còn tận dụng vùng đất đồi để nuôi 30 con dê Bách Thảo, hàng trăm con gà thả vườn. Từ nguồn phân thải của đàn gia súc anh đã xây dựng bể biogas để thắp sáng và đun nấu, tiết kiệm thêm cho gia đình mỗi tháng trên 300 ngàn đồng. Nguồn thu chăn nuôi trong năm 2011 vừa qua doanh thu trên 600 triệu đồng.
Năm 2011 được sự hỗ trợ UBND huyện cùng chính quyền địa phương, anh đã vận động các hộ gia đình thương binh, chính sách để thành lập HTX Thương binh 27-7 với số vốn điều lệ 1 tỷ đồng. 2 ha đất hoang hóa ở xứ đồng Rành Rành, Cửa Chùa đang rộng vòng tay đón 20 xã viên vào đầu tư hệ thống chuồng trại với quy mô đàn nái từ 300 - 400 con, mỗi năm dự kiến xuất chuồng khoảng 1.000 con lợn thịt.
Không dừng lại ở những gì đã đạt được, người thương binh này hôm nay vẫn tiếp tục nghiên cứu, tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập. Với anh, còn sức khỏe thì còn lao động, góp phần vào phong trào phát triển kinh tế ở địa phương./.
Bài, ảnh: Ngô Thắng