Nhân rộng mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp ở Hà Tĩnh

Bốn năm qua, tỉnh Hà Tĩnh phát triển được 5.556 mô hình kinh tế (MHKT) hiệu quả cao, đạt doanh thu từ 100 triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng/năm. Các mô hình này đã góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo bền vững và đẩy nhanh tiến trình thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).
Người dân huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) thu hoạch tôm.

 

Phát triển từ biển lên rừng

Dọc theo quốc lộ ven biển, chúng tôi ghé thăm cơ sở nuôi tôm trên cát của chị Nguyễn Thị Hạnh, xã Thạch Trị (Thạch Hà). Ðang kinh doanh hàng ăn ở TP Hà Tĩnh, chị Hạnh thuê lại hạ tầng của một cơ sở nuôi tôm đã kinh doanh thua lỗ để nuôi khát vọng làm giàu. Vùng đất cát bạc màu thấm bao mồ hôi công sức của nữ giám đốc nhỏ nhắn này cùng hàng chục công nhân đã đem lại thành công. Ðến nay, chị Hạnh không hổ danh với danh hiệu "Vua" tôm, với hơn 100 ha, thu hoạch năm 2014 được gần 500 tấn, doanh thu hơn 60 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 25%; giải quyết việc làm cho 50 lao động trong đó có nhiều kỹ sư nuôi trồng...

Ðến vùng rau xanh ở xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên gặp Chủ nhiệm HTX dịch vụ và nuôi trồng Hà Dũng Trần Thị Việt Hà cùng các xã viên đang thu hoạch rau. Chị Hà giơ những chùm củ cải lớn, khoe: "Không ngờ vùng đất cát hoang quê em mà có ngày lại cho thu hoạch được những sản phẩm tốt như ri. Năm ngoái, đi tham quan mô hình trồng rau, củ, quả trên cát ở Thạch Văn về, chị em chúng tôi "bức xúc", họ mần được chẳng lẽ mình không mần được ?!". Nhờ chính sách hỗ trợ, HTX gồm chín xã viên đã khai hoang trồng 10 ha rau, củ, quả các loại. Mỗi ha rau cho thu hoạch 200 đến 250 triệu đồng; lương bình quân xã viên từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng - một khoản thu nhập trong mơ của người dân nơi đây. Hiện, có nhiều gia đình muốn xin vào HTX; thậm chí có trường hợp như ông Trần Bá Ngụ đang làm ăn ở Long Hải (Vũng Tàu) cũng đặt vấn đề xin vào HTX để có điều kiện đưa cả gia đình trở lại quê. Chị Hà tâm tư: "HTX muốn mở rộng diện tích lên 50 ha để vừa trồng rau, nuôi bò vừa giải quyết lao động nhưng sợ hết... cát hoang".

Những bãi cát hoang ven biển Thạch Hà, Cẩm Xuyên... chạy dọc dài theo tuyến quốc lộ ven biển đang được quy hoạch hình thành các vùng nuôi tôm và trồng rau, củ, quả xanh ngút ngàn với công nghệ tưới tiết kiệm nước của I-xra-en rộng hàng trăm ha. Với mô hình mới thành công này, tỉnh Hà Tĩnh đang tạo bước đột phá làm hồi sinh vùng cát hoang ven biển.

Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên Lê Ngọc Hà dẫn chúng tôi đi thăm mô hình nuôi lợn siêu nạc có quy mô lên đến 6.000 con/lứa của Cựu chiến binh Trần Nghệ Tĩnh ở xã Cẩm Thăng, một tổ hợp chăn nuôi rộng gần 5 ha được đầu tư công phu. Ông Tĩnh cho biết, được địa phương tạo điều kiện về đất đai, hỗ trợ vốn, đầu tư đường..., cho nên đã mạnh dạn huy động 15 tỷ đồng đầu tư trang trại lớn nhất huyện này. Tuy đang trong giai đoạn vừa đầu tư vừa sản xuất nhưng doanh nghiệp đã lãi ròng gần một tỷ đồng. Ông Tĩnh cho biết, sẽ tiếp tục đầu tư thêm 300 đến 500 lợn nái để cung cấp cho cả vùng...

Cũng như các địa phương khác trong tỉnh việc phát triển mô hình trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc, bò chất lượng cao ở vùng núi huyện Cẩm Xuyên đang phát triển nhanh và khá thuận lợi; còn ở vùng không đủ điều kiện phát triển chăn nuôi tập trung thì địa phương khuyến khích thành lập các tổ hợp (quy mô từ 10 đến 20 hộ), huyện hỗ trợ một phần kinh phí làm chuồng (20 đến 50 con/lứa) và bể bi-ô-ga, tổ chức nuôi theo hình thức liên kết với doanh nghiệp. "Nhờ vậy trong quá trình xây dựng NTM, Cẩm Xuyên đã khuyến khích phát triển được 450 MHKT có hiệu quả, cho thu nhập khá", đồng chí Hà nói.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang Bùi Việt Hùng cho biết: Từ chỗ loay hoay trong phát triển MHKT xây dựng NTM, lãnh đạo UBND huyện Vũ Quang đã động viên một số cán bộ, đảng viên (nhất là các bí thư, chủ tịch xã) đi đầu trong phát triển các mô hình sản xuất. Trong đó, mô hình trang trại tổng hợp kết hợp nuôi lợn siêu nạc quy mô lớn của Bí thư Ðảng ủy xã Hương Minh Phạm Văn Ðức, Chủ tịch MTTQ xã Ðức Lĩnh Nguyễn Thị Thọ, Chủ tịch UBND xã Ðức Giang Nguyễn Minh Vinh,... là những điển hình. Ðể hỗ trợ tạo điều kiện cho phát triển các MHKT, huyện cử đoàn công tác xuống cơ sở tìm hiểu, phát hiện các gia đình có điều kiện để động viên họ xây dựng mô hình và đứng ra bảo lãnh vay vốn ngân hàng, hướng dẫn làm thủ tục đất đai, thành lập doanh nghiệp... Ðến nay, huyện miền núi nghèo nhất tỉnh Hà Tĩnh cũng đã phát triển được hơn 550 mô hình KT trồng cây ăn quả và chăn nuôi lợn, bò... cho thu nhập từ 100 triệu đồng lên đến hàng tỷ đồng. Huyện Hương Sơn ưu tiên hỗ trợ hàng trăm trang trại, gia trại trồng rừng, cây ăn quả và nuôi hươu, mô hình từ 10 con trở lên. Ðến nay, đàn hươu ở huyện Hương Sơn đã đạt hơn 40 nghìn con. Huyện Lộc Hà tập trung phát triển các đội tàu đánh bắt xa bờ...

Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự: Những khát vọng làm giàu của người dân ngay trên mảnh đất quê hương được tiếp sức bởi Ðề án tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng NTM. Tỉnh đã xác định 13 sản phẩm sản xuất (cây, con) chủ lực, gắn với điều chỉnh các quy hoạch hợp lý nhất là chủ trương kích cầu phát triển sản xuất của tỉnh và các địa phương. Tuy là tỉnh nghèo nhưng trong bốn năm qua, Hà Tĩnh mạnh dạn trích ngân sách hỗ trợ lãi suất (từ 50 đến 70% lãi vay), hỗ trợ trực tiếp hàng trăm tỷ đồng cho hàng chục nghìn lượt khách hàng vay hàng nghìn tỷ đồng để phát triển sản xuất. Chính sách này vừa hỗ trợ về mặt tài chính vừa có tác dụng dẫn dắt người dân sản xuất các sản phẩm hàng hóa chủ lực có hiệu quả. Các mô hình sản xuất, kinh doanh ngày càng được nhân rộng, riêng năm 2014 đã phát triển được 2.566 mô hình. Các địa phương đã thành lập được gần 2.000 DN, HTX, tổ hợp tác và không còn xã "trắng" về MHKT...

"Ðầu kéo" doanh nghiệp

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát đã nhiều lần về làm việc và biểu dương tỉnh Hà Tĩnh có cách làm sáng tạo trong xây dựng NTM, nhất là thu hút được DN cùng vào cuộc, trở thành "đầu kéo", làm động lực phát triển các MHKT nông nghiệp. Các DN làm "bà đỡ" cho người dân từ giống, công nghệ sản xuất, phòng trừ dịch bệnh... đến tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, làm đầu mối quốc tế hóa ứng dụng KHCN vào sản xuất và phát triển các mô hình mẫu để chuyển giao cho nông dân. Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) là một trong số "đầu kéo" đó. Theo Tổng Giám đốc Mitraco Dương Tất Thắng: Vốn chuyên ngành về khoáng sản và thương mại nhưng DN chuyển thêm lĩnh vực mới và trở thành đơn vị tiên phong trong đầu tư vào tam nông. Từ hơn 10 năm trước, trong khi DN đang làm ăn thuận lợi, Tổng Giám đốc lúc đó chính là đồng chí Võ Kim Cự, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh bây giờ lặn lội sang tận Thái-lan để mời chuyên gia về xây dựng trang trại nuôi lợn siêu nạc đầu tiên khu vực Bắc Trung Bộ. Ðến nay, DN đã phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn theo hướng công nghiệp hiện đại, đồng nhất một loại giống với đàn nái lên đến 7.000 con và đang phấn đấu cung cấp từ 60 đến 65% con giống trên địa bàn. Tổng công ty đã thành công trong tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết "vừa tập trung vừa phân tán", tạo ra sản phẩm hàng hóa quy mô lớn, đồng nhất về sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường. Ðến nay, ngoài hai trại nuôi lợn thương phẩm quy mô hàng trăm nghìn con/năm, Mitraco còn phát triển được gần 350 hộ nuôi vệ tinh, liên kết lợn thương phẩm và lợn nái... Ngoài cơ sở sản xuất thức ăn gia súc, Tổng công ty đã đưa vào hoạt động nhà máy chế biến súc sản ở Kỳ Anh có quy mô giết mổ 500 con lợn, bò/ngày...

Năm 2013, Mitraco mời chuyên gia Hồng Công (Trung Quốc) sang triển khai thí điểm Dự án trồng rau, củ, quả trên đất cát bạc màu ven biển với hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương hiện đại. Ðã khảo nghiệm và lựa chọn được một số giống cho hiệu quả kinh tế cao như: măng tây, củ cải các loại, hành, tỏi, dưa chuột, cà rốt, rau... để nhân ra trên diện rộng. Không chỉ liên kết với 30 HTX và tổ hợp tác phát triển được 200 ha ở các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, DN còn là đầu mối chính để bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân. Mitraco cũng đang tích cực phối hợp với các đối tác Thái-lan, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa phát triển chăn nuôi bò Charolaise, lai Zebu... chất lượng cao, quy mô 10 nghìn con cũng nuôi theo chuỗi liên kết vừa tập trung, vừa phân tán. Tổng công ty cũng đã phối hợp với một số nhà khoa học đầu ngành chế biến thành công nhiều loại dược phẩm từ nhung hươu Hương Sơn...

Ngoài Mitraco, đến nay đã có nhiều DN cùng tiếp sức cho nông dân như: Công ty CP (Thái-lan) liên kết nuôi lợn quy mô lớn; Công ty CP Ðầu tư phát triển Công thương miền trung, Công ty TNHH Sao Ðại Dương... trồng rau, củ, quả trên cát bạc màu và tiêu thụ sản phẩm; Công ty Ðại Nam đầu tư nuôi cá mú, cá bơn, bào ngư... Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã kêu gọi được một số DN nước ngoài trong đó có Công ty Fineton (Hồng Công - Trung Quốc) đã đầu tư nhiều chuỗi giá trị của sản phẩm, nhất là rau, củ, quả, cá bơn, cá mú và bào ngư...

Tuy nhiên, để phát triển nhanh và bền vững các MHKT thì công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu, chưa kịp thời, thiếu chiều sâu, điểm nhấn còn hạn chế. Chuyển biến nhận thức về thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM chưa đầy đủ và thiếu sự quyết liệt trong chỉ đạo của cơ sở; nhiều địa phương còn lúng túng trong tổ chức thực hiện. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc liên kết với hộ dân số lượng chưa nhiều. Việc lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều địa phương và ngành chưa quyết liệt, chưa thật sự tâm huyết, thậm chí vẫn còn một số cán bộ chủ chốt cấp xã thờ ơ, thiếu trách nhiệm trước khó khăn của người dân; một số huyện thiếu tập trung... Ðây chính là những công việc mà tỉnh Hà Tĩnh phải tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉ đạo trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ðình Sơn cho biết.

BÀI VÀ ẢNH: THÀNH CHÂU
Theo nhandan.org.vn