Nhiều mô hình “vượt lũ” ở Hà Tĩnh

Nhiều mô hình “vượt lũ” ở Hà Tĩnh
Mưa lũ, ngập nhà, trôi tài sản… không còn là hình ảnh xa lạ với cả nước mỗi khi mùa mưa bão đổ về khúc ruột miền Trung. Tuy nhiên, hiện nay, để thích ứng với sự biến đổi của thời tiết, khí hậu, hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra, bên cạnh sự nỗ lực của người dân, chính quyền một số địa phương đã có sự quy hoạch sáng tạo, giúp người dân “sống chung với lũ”. Hà Tĩnh là một trong những địa phương ở miền Trung đang đi đầu trong lĩnh vực này. Tại đây, các công trình: Trạm xá, trường học, đường giao thông…và ngay cả nhà ở của người dân ở những xã thường xuyên bị ngập lụt mỗi khi mưa bão đến cũng đang được quy hoạch, xây dựng phù hợp để sẵn sàng “vượt lũ”.


Chúng tôi đến các xã: Trường Sơn, Liên Minh, Đức Châu, Đức Quang, Đức La, Đức Tùng, và Đức Vịnh (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) vào những ngày cơn bão số 7 đang tiến vào các tỉnh miền Trung. Khác với những năm trước, mỗi khi mưa bão đến, người dân nơi đây lại nơm nớp lo lắng tìm nơi tránh, trú bão cho người, tài sản, thì nay họ đang tự tin ứng phó với diễn biến xấu của thời tiết.

Ông Trần Hợi, năm nay hơn 70 tuổi, người dân thôn Văn Hội, xã Trường Sơn, cho biết: Trước đây, mỗi khi mưa bão đến, tôi luôn lo lắng về sự an toàn của gia đình mình, nhưng nay đã có các phương án để thích ứng rồi. Từ nhà ở, các công trình phục vụ cuộc sống, các trang bị như: áo phao, thuyền lá…đều được chúng tôi xây dựng, sẵn sàng đối phó với mưa lũ. Mặt khác, từ khi xã có chủ trương quy hoạch, xây dựng các công trình công cộng, hướng dẫn người dân cách xây nhà cửa vượt lũ người dân chúng tôi rất yên tâm…”.

Ông Hợi vui vẻ dẫn chúng tôi đi thăm “công trình vượt lũ” của gia đình mình. Trên diện tích hơn 20m2, ông Hợi đã xây dựng “ngôi nhà chạn tránh lũ” 2 tầng, cao hơn 4m. Tầng một ông dùng để xe máy, máy cày…, tầng 2 dùng để cất giữ các vật dụng  để đối phó khi lũ về như: áo phao, thuốc men, lương thực dự trữ…Và khi cần thiết, đây còn là nơi tránh lũ an toàn cho trâu bò, gia súc, gia cầm…

Ông Hợi cho biết thêm, hiện hầu hết các hộ gia đình trong xã đều đã xây dựng được “nhà chạn tránh lũ”. Những hộ gia đình khá giả hơn, khi xây nhà cũng bố trí một phòng trên cùng, sân thượng, để sẵn sàng giúp người và gia súc, gia cầm tránh lũ.

Ông Trần Hợi với ngôi nhà tránh lũ của gia đình mình.

Trường Sơn, một trong những xã nằm giữa ngã ba sông La, sông Lam (sông Cả), có trên 2.000 hộ dân với hơn 9.000 nhân khẩu. Xã có diện tích tự nhiên 814 ha, trong đó đất nông nghiệp 328 ha. Là một xã thường xuyên bị lũ lụt, thiên tai tàn phá nên chính quyền địa phương đã tổ chức rất tốt công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, xử lý rác thải và quy hoạch khu nghĩa trang phù hợp, để không ảnh hưởng đến đời sống dân sinh khi lũ qua. Bên cạnh việc bảo đảm đủ nguồn nước sạch cho 1.500 hộ dân của 15 thôn, Trường Sơn thành lập tổ vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, quy hoạch 2 bãi rác tập trung. Các thôn, xóm, đường làng luôn sạch sẽ, không có rác hay xác của động vật.

Anh Chu Lương Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết: Từ đặc điểm tình hình thực tiễn của xã, trong chương trình xây dựng nông thôn mới, Trường Sơn đã quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích hơn 46 ha tại các vùng: Bàu Sơn, Bói, Rấy, Bàu Sau, Cựa Mương, Đồng Trưa, Nương Vàng… Gần 29 ha vùng trồng lạc và một số cây công nghiệp ngắn ngày như: vùng Cựa Rào, Gát, Cơn Đa… Đây là những vùng đất quy hoạch sản xuất chất lượng cao, thu hoạch trước mùa lũ. Ngoài ra, Trường Sơn còn quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung, những vùng làng nghề phát triển gắn với môi trường sông nước như: làng nghề đóng thuyền Trường Xuân với 170 hộ tham gia, có 8 xưởng đóng thuyền, mỗi xưởng từ 20 đến 30 lao động. Làng nghề truyền thống khai thác Hến bên sông La với hàng trăm hộ khai thác, vừa tạo việc làm cho nguồn lao động ở địa phương, vừa bảo tồn được nét văn hóa của làng nghề truyền thống lâu đời. Hiện tại, Trường Sơn đã đạt 7 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới; trong đó tiêu chí mức thu nhập bình quân đầu người hàng năm đạt 17 triệu đồng. Trường Sơn phấn đấu về đích trong chương trình xây dựng nông thôn mới vào năm 2015.

“Vì Trường Sơn xa trung tâm, xa điểm tập kết cứu hộ cứu nạn, nên xã luôn sẵn sàng ứng phó với lũ bằng phương châm 5 tại chỗ : lực lượng, phương tiện, chỉ huy, hậu cần tại chỗ và bảo vệ tại chỗ”, anh Chu Lương Tâm chia sẻ.

Các xã ngoài đê La Giang của huyện Đức Thọ có tổng diện tích tự nhiên khoảng hơn 5.000 ha, dân số trên 30.000 người. Đời sống nhân dân các xã này còn gặp nhiều khó khăn, các dịch vụ chưa phát triển, sản xuất còn manh mún lại chịu nhiều thiệt hại do thiên tai, lũ lụt. Để giúp nhân dân thích ứng với sự khắc nghiệt của thiên tai, hiện nay chính quyền các địa phương đều động viên nhân dân xây dựng các công trình chống lũ. Mỗi hộ gia đình đều tổ chức xây dựng nhà 2 gác, rộng từ 20m2 đến 60m2; khi nước lũ dâng cao có thể di chuyển đồ đạc, lương thực, thuốc men, thực phẩm và cả gia súc, gia cầm lên trên tránh nước. Mặt khác, khi bước vào xây dựng nông thôn mới, các xã: Trường Sơn, Đức La, Đức Châu, Đức Quang đều quy hoạch từng vùng đất cao có diện tích 3 ha  đến 5ha với các mô đất cao rộng 100m2. Đây là vùng tránh lũ tập trung cho cả người và gia súc, gia cầm khi có lũ đổ về.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Công Hàm, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ cho biết: Huyện đã cử nhiều đoàn cán bộ đi thăm quan, nghiên cứu tại các đơn vị bạn để tìm ra phương án quy hoạch tốt nhất cho các xã thường xuyên phải đối mặt với tình trạng lũ lụt. Nhằm giúp người dân các xã ngoài đê La Giang giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền các địa phương vừa quy hoạch, chỉ đạo nhân dân tổ chức sản xuất mùa vụ bảo đảm xong trước khi lũ về. Mặt khác, các địa phương đã quy hoạch các điểm tránh lũ tập trung cho các đàn gia súc, gia cầm. Huyện đã hỗ trợ xi măng cho các xã ngoài đê La Giang làm nhà tránh lũ cộng đồng, xây dựng các công trình phúc lợi đảm bảo với các yêu cầu chống lũ cao nhất.

Đến nay, 7 xã nằm trong vùng ngập lũ ngoài đê La Giang: Trường Sơn, Liên Minh, Đức Tùng, Đức Quang, Đức Châu, Đức La, Đức Vĩnh của huyện Đức Thọ được đầu tư gần 906 tỷ đồng, để xây dựng 27 hạng mục thuộc các nhóm: lĩnh vực giao thông có giá trị đầu tư 601,7 tỷ đồng (khoảng 50 km đường cấp 2, cấp 4, cấp 5 và hệ thống cầu, cống); thủy lợi có mức đầu tư 47,27 tỷ đồng (kè chống sạt sông Trường Sơn, Đức La và hệ thống mương tưới tiêu); các công trình xây dựng dân dụng có mức đầu tư 108,78 tỷ đồng (hoàn chỉnh trụ sở hai tầng UBND các xã vùng lũ, 59 nhà hội quán hai tầng cho các xóm, bảy trường học mầm non và THCS, sáu trạm y tế, các ụ đất, xuồng máy…).

Với việc quy hoạch, sắp xếp, xây dựng các công trình tránh lũ phù hợp với đặc điểm tình hình, cùng với ý thức tự phòng tránh của nhân dân, các xã ngoài đê La Giang đang từng bước thích ứng nhanh với sự biến đổi của khí hậu, sẵn sàng “vượt lũ” khi mùa mưa bão đến.

Bài, ảnh: Vũ Hạnh
 

Theo qdnd.vn