Những bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới
- Thứ bảy - 04/02/2012 10:21
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, phát biểu kết luận tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2012
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Không nên nóng vội trong xây dựng nông thôn mới
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh |
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2012 Chương trình xây dựng nông thôn mới vừa diễn ra tại Hà Nội, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Chương trình xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới cho rằng: Xây dựng nông thôn, điều quan trọng là nhận thức của cả hệ thống chính trị phải đồng bộ, chúng ta triển khai quyết liệt nhưng không thể nóng vội, vì đây là chương trình lâu dài, không chỉ đầu tư hạ tầng nông thôn là xong mà Chương trình đòi hỏi phát huy sức mạnh tổng lực, không chỉ nguồn lực về mặt vật chất mà cả về mặt và tinh thần. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu: Ngay trong năm 2012, các địa phương phải hoàn thành phê duyệt quy hoạch, trong đó đặc biệt chú ý đến quy hoạch đất đai, quy hoạch dân cư và quy hoạch sản xuất; quy hoạch phải dài hạn, ngay cả những quy hoạch đã được phê duyệt cũng cần thường xuyên được rà soát lại để đảm bảo chất lượng, tầm nhìn và sự phù hợp với từng địa bàn, gắn với sự phát triển chung của cả huyện, tỉnh và của cả vùng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát: Xây dựng nông thôn mới để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là nội dung, nhiệm vụ quan trọng để thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chúng ta không nên bàn quá nhiều về tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, mà hãy đi thẳng và nhìn thẳng vào thực tế, nghĩ cách làm sao cho sản xuất phát triển, thu nhập của nhân dân tăng lên, cơ sở hạ tầng nông thôn được cải thiện, đời sống văn hóa được nâng lên, trật tự an toàn xã hội bảo đảm, môi trường xanh - sạch - đẹp… đó mới là điều cần làm.
Hơn thế nữa trong quá trình xây dựng nông thôn mới người dân phải là chủ thể chính, phải là người có vai trò chủ động trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để người dân thực sự hiểu rõ lợi ích to lớn của Chương trình xây dựng nông thôn mới, đòi hỏi phải tăng cường công tác tuyên truyền; triển khai hiệu quả phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới” và “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” ở tất cả các cấp, ngành và địa phương... có như vậy, phong trào mới đem lại hiệu quả cao.
Ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Kinh tế hợp tác (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Kỳ vọng vào việc đổi mới nông thôn
Ông Tăng Minh Lộc (Bộ NN&PTNT) |
Theo đánh giá của ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Kinh tế hợp tác (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sau 3 năm triển khai mô hình thí điểm và 1 năm triển khai mở rộng, thành tựu lớn nhất của Chương trình là tạo được tâm thế xã hội về xây dựng nông thôn mới.
Cũng theo ông Tăng Minh Lộc: Đây là chương trình với mục tiêu chuyển đổi sâu sắc và toàn diện nông thôn. Lần đầu tiên xây dựng nông thôn được làm theo tiêu chí, có quy chuẩn, lấy người dân làm chủ, nội lực là chính, vì thế nhiều cách làm sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới đã được triển khai, ví dụ như việc huy động nguồn lực, tại tỉnh An Giang, với người có tâm huyết đóng góp xây dựng các công trình ở nông thôn (như 1 trường học, 1 cây cầu, đoạn đường có giá trị lớn…), để người đó được mang tên công trình ấy. Trước đây, đó là việc không ai nghĩ đến.
Ngoài ra, nhiều địa phương đã có cách làm, cách hiểu rất sáng tạo, gần gũi để mọi người thấy cần thiết phải thực hiện như: Tuyên truyền bằng cách hát chèo, làm thơ, khơi lại phong trào “sạch làng, tốt ruộng”, xóm xanh, không rác…
Với những cách làm này, Chương trình đã và đang từng bước đem lại hiệu quả thiết thực, đang được cả xã hội quan tâm, kỳ vọng vào việc đổi mới nông thôn, nông nghiệp và đời sống người nông dân.
Ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Cần thay đổi từ nhận thức mỗi người dân
Ông Hồ Xuân Hùng- |
Đánh giá về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, ông Hồ Xuân Hùng cho rằng, với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, thì điều đầu tiên cần làm đó là cần thay đổi nhận thức của mỗi người dân trong việc xây dựng nông thôn mới. Mỗi người nông dân cần lo cho chính mình, nhà mình, vườn tược của mình, đồng ruộng của mình, sạch từ nhà ra đồng, đẹp từ nhà ra vườn… Có như vậy, bộ mặt nông thôn mới từng ngày thay đổi đẹp đẽ hơn.
Còn đối với các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, chúng ta cũng nên xem cái gì không phù hợp thì điều chỉnh và đặc biệt đối với việc đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hơn, góp phần cải thiện được hạ tầng nông thôn và cải thiện lớn đời sống nông dân.
Ông Nguyễn Văn Gặp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam: Quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp là khâu then chốt
Ông Nguyễn Văn Gặp-Sở NN&PTNT Quảng Nam |
Trao đổi về kinh nghiệm trong việc triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Gặp cho biết, xã điểm Tam Phước (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam), sau 3 năm triển khai thực hiện, đến nay xã đã cơ bản đã hoàn thành 18/19 tiêu chí nông thôn mới. Điều đầu tiên được Tam Phước chú trọng là tổ chức lại sản xuất, quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp, khuyến khích tiểu thủ công nghiệp phát triển mạnh, đào tạo nghề, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đến nay, với các kết quả đạt được, điều đáng phấn khởi nhất là người dân rất đồng thuận. Nhiều hoạt động cụ thể đã đem lại lợi ích thiết thực cho người dân như: Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, từ đó người dân yên tâm đầu ra, liên doanh liên kết 4 nhà. Cụ thể là các sản phẩm dưa hấu, lúa chất lượng cao, lúa giống… Từ sản xuất lúa thường, giờ người nông dân sản xuất lúa sạch, nâng cao giá trị lên trên 20%, đưa sản phẩm vào các siêu thị, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp thu mua…
Được biết, trong năm 2012, mục tiêu đặt ra là có trên 90% số xã có quy hoạch chung (trong đó có 30% quy hoạch chi tiết) được phê duyệt. Trên 90% số xã có đề án nông thôn mới được phê duyệt; 50% cán bộ nông thôn mới ở cấp xã được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về xây dựng nông thôn mới. Mong rằng với sự nỗ lực và qua những kinh nghiệm từ thực tế, việc triển khai xây dựng nông thôn mới trong năm 2012 sẽ đạt được mục tiêu đề ra, góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới trên cả nước những năm tiếp theo.
Theo cpv.org.vn