Những bông hoa làm đẹp cho đời

Những bông hoa làm đẹp cho đời
Họ là những người phụ nữ đầy tâm huyết, sáng tạo đổi mới trong công tác xây dựng nông thôn mới cũng như trong làm ăn kinh tế, góp sức mình làm giàu cho xã hội, như những đóa hoa tỏa ngát hương cho đời.
Chị Vũ Thị Kim Liên với mô hình “5 bước không gây ô nhiễm môi trường”. Ảnh: VGP/Minh Trang
Nữ cựu binh truyền “bí kíp” làm giàu cho phụ nữ nghèo

Đến phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, không ai là không biết tiếng chị Vũ Thị Kim Liên (61 tuổi), một nữ cựu binh có tấm lòng thơm thảo, không chỉ làm giàu cho mình mà truyền nghề cho biết bao phụ nữ neo đơn, nghèo khổ đến từ nhiều nơi trong thành phố.

Từ tuổi thiếu niên, chị Liên đã tham gia du kích, làm giao liên và trở thành đội trưởng "đội diệt ác" của xã. Sau ngày đất nước thống nhất, với thương tích hạng 4/4, chị về công tác tại Quảng Nam-Đà Nẵng rồi nghỉ hưu năm 1989.

Năm 2004, do di dời giải tỏa, gia đình chị chuyển về sống tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà), khai hoang đất ven rừng trồng khoai sắn và các loại cây lâu năm. Thu nhập chủ yếu để nuôi các con cũng chỉ đến từ củ khoai củ sắn và buôn bán nhỏ.

Để hỗ trợ chị em phụ nữ nghèo có cơ hội chuyển đổi ngành nghề, tăng thu nhập, năm 2010, chị được các cấp Hội phụ nữ giới thiệu tham gia học nghề, tập huấn làm nấm, nuôi dế thương phẩm. Chị thấy việc nuôi trồng trên đem lại hiệu quả kinh tế cao nên đã đi tham quan học hỏi từ nhiều mô hình làm nấm, nuôi dế trên địa bàn TP Đà Nẵng và miền Nam để áp dụng cho cơ sở của mình.

Trăn trở rất nhiều và phải thử nghiệm hết lần này đến lần khác, chị sáng tạo nên một mô hình độc đáo. Chị gọi đó là “5 bước sản xuất không gây ô nhiễm môi trường”.

Chị giải thích: “Từ nguyên liệu mùn cưa, trước tiên tôi sử dụng để trồng nấm sò. Xác nấm sò tôi tiếp tục dùng để trồng nấm mèo và từ xác nấm mèo dùng trồng nấm rơm. Sau đó, tôi tiếp tục dùng xác nấm rơm để trồng gừng, làm phân vi sinh bón cho cây lâu năm và trồng rau sạch. Như vậy, cách làm của tôi không chỉ tiết kiệm được lượng nguyên liệu lớn, mà còn không gây ảnh hưởng tới môi trường sau mỗi vụ trồng nấm”.

Chị kể, nhiều lần chị đã tới những cơ sở trồng nấm tại quận Liên Chiểu, Sơn Trà để mang xác nấm về nhà thử nghiệm, mọi người cho rằng chị không hiểu biết. Nhưng chị nghĩ, các cơ sở chỉ sử dụng nguyên liệu trồng nấm một lần không chỉ phí phạm mà rất độc hại. Bởi nếu gặp thời tiết thuận lợi sẽ phát triển thành nấm độc.

Nghĩ thế nên chị vẫn cần cù sử dụng lại. Sau một đợt trồng nấm, chị tăng lượng phụ gia cho xác nấm để tiếp tục dùng cho lứa nấm khác. Kết quả, số xác nấm được sử dụng lại của chị Liên cho sản lượng nấm không thua kém so với nguyên liệu mới, lại bảo đảm an toàn.

Đến nay, cơ sở của chị trồng đủ loại nấm: từ nấm sò (sò xám, sò trắng, sò tím) đến nấm linh chi; nấm rơm… tiêu thụ ở các cơ sở kinh doanh trên địa bàn Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, mỗi năm mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Với cách làm hiệu quả, cơ sở của chị Liên ngày càng phát triển. Bên cạnh trồng nấm, chị đã thực hiện nuôi dế thương phẩm, thực hiện mô hình vườn-ao-chuồng, nuôi cá và giải quyết cho 20-25 lao động/năm, đặc biệt là chị em phụ nữ nghèo neo đơn.

Không chỉ làm giàu cho mình, chị còn tổ chức thường xuyên nhiều buổi hướng dẫn làm nấm cho các chị em có nhu cầu học nghề. Ai ở xa, khó khăn còn được chị lo cho cả chỗ ăn, chỗ ở. Nhờ đó đến nay đã có gần 40 người được chị “truyền nghề”, tự mở cơ sở riêng làm nấm để tạo việc làm thêm thu nhập cho gia đình, thoát được cái khổ cái nghèo.

Không những thế, các hoạt động thiện nguyện của Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Khuyến học tại địa phương đều có dấu ấn của chị. Trở về từ chiến tranh, chị mong muốn san bớt khó khăn cho con em các đồng đội còn khó khăn hơn mình. Vì thế, hàng năm chị trao tặng hàng chục suất học bổng hỗ trợ các em học sinh sinh viên nghèo đến trường. 

Ghi nhận đóng góp của chị, TP Đà Nẵng đã tuyên dương chị là người có công với cách mạng tiêu biểu, đạt thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất; nông dân sản xuất giỏi qua nhiều năm liên tiếp.

Nữ bí thư chi bộ tâm huyết với thôn nghèo

Tại 1 địa bàn miền núi xa xôi, khó khăn bậc nhất của TP Đà Nẵng, chị Dương Thị Lệ (35 tuổi), bí thư chi bộ thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), đã từng bước hợp sức người, hợp lòng dân đoàn kết cùng nhau xây dựng phát triển kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi.

Những ngày đầu đảm nhận nhiệm vụ mới, nơi đây còn rất đỗi khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 20%, tập quán sản xuất và canh tác còn lạc hậu, đất đai kém màu mỡ. Trong khi đó, trình độ dân trí còn thấp; tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị còn lỏng lẻo, chưa thu hút được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân.

Từ khi được giao trọng trách bí thư chi bộ của thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc, chị Lệ trăn trở nhiều cách làm mới sáng tạo để giúp thôn, xã đi lên.

 

Chị Dương Thị Lệ. Ảnh: VGP/Minh Trang

Chị cho hay, năm 2012, thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tập thể chi bộ thôn Phò Nam đã cùng cam kết đặt mục tiêu thay đổi bộ mặt nông thôn, phát triển kinh tế địa phương; đồng thời tập trung lãnh đạo xây dựng, củng cố hệ thống chính trị của thôn vững mạnh toàn diện.

“Đã đề ra mục tiêu, các cán bộ và nhân dân đều thể hiện khí thế hăng say quyết tâm thực hiện. Bản thân chị và các cán bộ Đảng viên gương mẫu đi đầu đóng góp tiền của, ngày công xây dựng. Nhiều người còn hiến đất, phá tường rào, tự giác chặt hạ cây cối trong vườn nhà nơi con đường đi qua để bàn giao mặt bằng cho công trình xây dựng kịp tiến độ. Mọi người và chị cùng xắn tay áo tham gia vận chuyển vật liệu xây dựng, trộn vôi vữa, đổ bê tông”, chị Lệ nói.

Kết quả đáng mừng, chỉ sau hơn 2 tháng vừa vận động triển khai, cán bộ Đảng viên và nhân dân thôn Phò Nam đã tự nguyện chặt hạ cây, hiến hàng ngàn mét vuông đất thổ cư; vận động quyên góp hơn 123 triệu đồng, xây dựng được 595 mét đường bê tông khang trang với bề rộng 3,5m (vượt 95m so với dự kiến ban đầu).

 

Chị Dương Thị Lệ tại lễ tuyên dương của Ban Bí thư TW Đảng. Ảnh: NVCC

Tăng cường trách nhiệm của Đảng viên, Chi bộ đã phân công từng đồng chí theo dõi, lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp 1 ban, ngành, đoàn thể cụ thể của thôn. Hằng tháng, thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ của chi bộ, mỗi Đảng viên phải có trách nhiệm báo cáo kết quả hoạt động của ban ngành, đoàn thể mình phụ trách. Đây là 1 trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng, xếp loại Đảng viên vào cuối năm.

Để “Nói dân nghe, làm dân hay”, chị Lệ đã chọn 1.000 m2 trong vườn nhà mình làm nơi thí điểm trồng nhiều loại cây trồng cho năng suất cao, có hiệu quả kinh tế. Từ đó chị đã thuyết phục được bà con làm theo.

Sau đó, thôn đã thành lập được tổ nông dân đăng ký trồng cây mít Thái với 21 thành viên và trồng được 795 cây mít. Hiện nay, mít đang phát triển khá tốt và cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt. Không những thế, hiện có gần 10 hộ cũng đang thực hiện mô hình làm nấm tuyết khá hiệu quả. Việc chăn nuôi trâu, bò theo mô hình hộ gia đình cũng phát triển mạnh mẽ.

Thôn Phò Nam còn là 1 trong những thôn trong huyện tiên phong thí điểm mô hình “Thôn không rác”. Qua bước đầu triển khai, nhân dân đã dần bắt nhịp với thói quen tập kết rác vào nơi cố định để thu gom và xử lý. Việc này đã hạn chế được rất nhiều tình trạng vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm cảnh quan môi trường.

Với sự nỗ lực, sáng tạo của tập thể đảng viên trong Chi bộ cùng sự ủng hộ, đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân, từ một thôn miền núi nghèo lạc hậu, Phò Nam đã trở thành 1 trong những đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và về đích sớm nhất các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng.

Đóng góp lớn trong phong trào thi đua của thành phố, năm 2013, nữ bí thư chi bộ Dương Thị Lệ là đại diện duy nhất của TP Đà Nẵng được Ban Bí thư Trung ương Đảng khen thưởng tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

 Minh Trang
Nguồn baodientu.chinhphu.vn