Những triệu phú nhà nông trẻ tuổi
- Thứ ba - 09/04/2013 03:27
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Xưởng sản xuất gạch của đoàn viên Châu Văn Chung cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. |
Sinh ra trong gia đình thuần nông ở vùng quê nghèo Cốc Hạ, xã Bản Xen (Mường Khương), đoàn viên Lý Văn Dầu đành bỏ dở việc học tập vào năm 1998, ở nhà lao động phụ giúp gia đình lo cho các em ăn học. Cuộc sống vốn đã khó khăn, lại càng thiếu thốn khi Lý Văn Dầu lập gia đình và được bố mẹ cho ở riêng. Chỉ tay vào khoảnh đồi trước nhà, anh Dầu nói: Ngày ấy, khó khăn chồng chất, ngoài 3 ha đất mà bố mẹ cho, 2 vợ chồng không có gì trong tay. Cái khó không dừng lại ở việc thiếu vốn sản xuất, anh còn thiếu cả kiến thức, kỹ thuật nông nghiệp, phương tiện lao động. Vậy nên, dù có cố gắng, 2 vợ chồng anh Dầu cũng chỉ đủ ăn.
Đang lấn bấn chưa tìm được lối ra thì đúng lúc đó, Dầu được xã tạo điều kiện cho vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Anh kể: Có tiền trong tay, mừng thì mừng thật, nhưng cũng thêm lo lắng, bởi chưa biết sử dụng đồng vốn như thế nào để có hiệu quả cao nhất. Vậy là một lần nữa, chàng thanh niên dân tộc Giáy lại phân vân, suy đi, tính lại phương thức làm ăn. Bản tính con nhà nông, anh bắt đầu ngay với việc chăn nuôi. Do đồng vốn có hạn, bước đầu anh chỉ nuôi với số lượng ít. Những năm đầu thử nghiệm, chưa có kinh nghiệm thực tế, nên hiệu quả từ chăn nuôi không cao, anh không nản chí mà kiên trì theo các lớp tập huấn sản xuất, học từ các hộ chăn nuôi ở địa phương, dần dần các lứa lợn, lứa trâu cũng cho thêm những khoản thu nhập để trang trải cuộc sống.
Cuộc sống ổn định, cái nghèo đã tạm lui, nhưng làm giàu thì vẫn trong mơ ước của anh Dầu. Sẵn có trong tay đất sản xuất, anh mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng việc trồng cây ngô lai, diện tích đất bạc màu còn lại anh chuyển sang trồng chè theo dự án. Đất không phụ công người, hiện người thanh niên sinh năm 1980 đã có 1 ha chè với thu nhập bình quân 20 triệu đồng/năm, 2 ha ngô lai cho thu nhập khoảng 45 triệu đồng/năm. Giờ đây, đoàn viên Lý Văn Dầu đã phần nào thực hiện được ước mơ của mình, nhưng chắc chắn anh sẽ không dừng lại, bởi vẫn còn đó bao dự định về mở rộng chăn nuôi, sản xuất. Sức người bền bỉ đã khiến vùng đất khô cằn sinh trái ngọt. Vượt khó làm giàu cho bản thân, gia đình và giúp cho cả cộng đồng là điều mà Lý Văn Dầu luôn trăn trở và quyết tâm thực hiện.
Ông chủ xưởng gạch 9X
24 tuổi đời, đoàn viên Châu Văn Chung (Quang Kim, Bát Xát) đã là chủ một xưởng sản xuất gạch bê tông với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Do gia đình đông anh em, nên Chung đành “lỗi hẹn” với con đường đại học khi đang theo học chuyên ngành quản trị kinh doanh được 2 tháng. Anh trở về quê hương, sản xuất cùng gia đình và tham gia công tác Đoàn. Quãng thời gian ở nhà, anh luôn trăn trở tìm cách làm giàu ngay trên mảnh đất nơi mình sinh ra.
Với bao lần suy tính và thử nghiệm các cách làm, anh đều thất bại, hoặc hiệu quả không như mong muốn. Trước đây, trong xã có nghề làm gạch nung truyền thống, do ô nhiễm môi trường nên không được khuyến khích, Châu Văn Chung đã kịp thời nắm bắt và đề xuất với gia đình ý tưởng xây dựng xưởng sản xuất gạch bê tông phục vụ nhu cầu của nhân dân trong vùng. Ngay lần đầu bàn cùng gia đình, Chung phải chịu nhiều sự nghi ngờ về khả năng thành công hơn là ủng hộ. Không nản, anh vừa thuyết phục gia đình bằng các dự định cụ thể, vừa dành thời gian đi nhiều tỉnh, thành phố để học nghề, tham quan các mô hình sản xuất. Ròng rã gần một năm trời để học hỏi kinh nghiệm và kiên trì thuyết phục, năm 2011, xưởng sản xuất gạch bê tông do anh làm chủ đã ra đời từ sự hỗ trợ của gia đình và số tiền 100 triệu đồng vay ngân hàng. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, thời gian đầu, sản phẩm do cơ sở làm ra không nhận được sự tin dùng của người dân, sản xuất thua lỗ, Châu Văn Chung một lần nữa đối mặt với khó khăn. “Bao tâm huyết, công sức và toàn bộ tiền đã bỏ vào xưởng, nên không thể thất bại” - anh tâm sự. Với ý nghĩ đó, Chung vẫn duy trì hoạt động của xưởng, trưng cầu ý kiến của khách hàng, từ đó rút kinh nghiệm, khắc phục những nhược điểm của sản phẩm. Đến nay, gạch bê tông của cơ sở đã có chỗ đứng trên thị trường địa phương với công suất 3.000 viên/ngày. Hiện, cơ sở sản xuất của anh tạo việc làm thường xuyên cho 7 - 10 lao động, có mức thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng. Khi sản xuất gạch đã dần đi vào ổn định, với sự nhanh nhạy, anh Chung còn kinh doanh thêm một số mặt hàng vật liệu xây dựng để tăng doanh thu. Sau những nỗ lực không mệt mỏi, mỗi năm, trừ chi phí, anh Chung thu khoảng 200 - 300 triệu đồng.
Những thanh niên có tuổi đời rất trẻ nhưng mang trong mình khát vọng làm giàu chính đáng, họ đã nỗ lực bằng chính tri thức và sự lao động nghiêm túc của bản thân để trở thành triệu phú. Những gian nan trên bước đường lập nghiệp khiến họ càng “vững tay chèo” để tiếp tục phấn đấu thực hiện ước mơ. Họ bước tới thành công từ nhiều cách làm khác nhau, nhưng chung nhau ở ý chí, quyết tâm, sự ham học hỏi của tuổi trẻ.
Lan Hương
Theo baolaocai.vn
Theo baolaocai.vn