Ninh Phước: Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp

Ninh Phước: Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp
Từ những mô hình sản xuất nông nghiệp ban đầu với quy mô nhỏ nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, Ninh Phước đã và đang từng bước nhân rộng các mô hình này và định hình "bức tranh" sản xuất nông nghiệp tại địa phương theo hướng phát triển bền vững, an toàn, hiệu quả.

Người trồng lúa Ninh Phước đang phấn khởi với những kết quả mà mô hình ứng dụng kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” trong thâm canh cây lúa mang lại. Không chỉ giảm chi phí sản xuất (giảm giống, giảm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, giảm công chăm sóc, giảm lượng nước tưới), tăng năng suất (bình quân trên 70 tạ/ha, cá biệt có hộ năng suất đạt trên 90 tạ/ha), mô hình còn giảm đáng kể sự thất thoát sau thu hoạch, thu nhập bình quân cao hơn ruộng ngoài mô hình trên 7 triệu đồng/ha/vụ. Thấy được hiệu quả kinh tế từ cách làm mới, bà con nông dân đã mạnh dạn học tập, nhân rộng mô hình. Nếu như vụ đông - xuân 2011, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai thực hiện thí điểm mô hình này tại thôn Trường Thọ, xã Phước Hậu chỉ với 10 ha/32 hộ dân, thì đến vụ đông - xuân 2013, toàn huyện đã có trên 300 ha lúa áp dụng quy trình kỹ thuật này. Theo kế hoạch, vụ hè – thu 2013, huyện sẽ triển khai thực hiện mô hình “1 phải, 5 giảm” với 568 ha lúa. Các mô hình sản xuất lúa giống, bắp lai giống triển khai tại xã Phước Hậu, Phước Sơn gắn với “liên kết 4 nhà” cũng tạo được uy tín trên thị trường giống, đang tiếp tục duy trì và mở rộng quy mô.

Nông dân Ninh Phước áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” nâng cao năng suất lúa.
Ảnh: Văn Thanh

Ông Thiên Nhàn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Phước cho biết: Qua thực hiện các mô hình trên địa bàn, nhận thức của nông dân đã từng bước thay đổi. Từ chỗ tập quán canh tác lạc hậu, dựa trên kinh nghiệm là chủ yếu, bà con đã biết ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, áp dụng các quy trình kỹ thuật khép kín, mạnh dạn hơn trong thử nghiệm những cách làm mới.

Đơn cử như Dự án “Xây dựng mô hình thâm canh hành tím trên đất cát theo hướng VietGAP tại 2 xã Phước Hải và An Hải” triển khai năm 2009 trên diện tích 1 ha, lợi nhuận trung bình của 2 vụ/năm trên 19 triệu đồng/ha (cao hơn ruộng đối chứng gần 8 triệu đồng/ha). Nông dân địa phương không chỉ đưa khoa học-kỹ thuật vào sản xuất mà còn mạnh dạn thành lập 2 tổ sản xuất rau an toàn ở Tuấn Tú, Nam Cương, với 225 hộ tham gia, hiện tại tổng diện tích canh tác 4 vụ/năm, gần 240 ha.

Thông qua những mô hình thư thế, “sản xuất sạch” đã không còn là khái niệm lạ lẫm với bà con nông dân. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để tiếp tục thử nghiệm những mô hình mới theo hướng an toàn trên những cây trồng khác như nho, táo xanh, rau màu các loại,…

Trong chăn nuôi, nông dân Ninh Phước cũng thực hiện nhiều mô hình mang tính linh hoạt, phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương. Mô hình nuôi heo địa phương tại thôn Tà Dương, xã Phước Thái đã góp phần tăng thu nhập cho các nông hộ, ổn định đời sống, thay đổi tập quán chăn nuôi cũ. Mô hình nuôi heo theo hướng trang trại, với quy mô từ 500 – 2.000 con/trại tại xã Phước Vinh theo hợp đồng giữa nông dân và Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam từng bước hình thành vùng chăn nuôi tập trung, an toàn. Ngoài ra, nông dân cũng chủ động tìm tòi, thử nghiệm mô hình kết hợp trồng táo và nuôi vỗ béo dê, cừu tại hộ gia đình. Mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa tận thu nguồn thức ăn từ lá, trái táo cho vật nuôi, vừa có nguồn phân bón hữu cơ từ gia súc. Các “gia trại” này hiện đang thu hút sự chú ý của nông dân, đặc biệt là các hộ trồng táo xanh, nho.

Có được những kết quả này, bên cạnh tăng cường công tác tuyên truyền thông qua các buổi tập huấn, hội nghị đầu bờ và việc lựa chọn mô hình phù hợp với đặc điểm, điều kiện thổ nhưỡng từng địa bàn thì sự tham gia tích cực, chủ động của nông dân đóng vai trò quan trọng, quyết định trực tiếp đến kết quả của mỗi mô hình.

Quy hoạch phát triển của ngành Nông nghiệp Ninh Phước đến năm 2020 xác định đẩy mạnh thâm canh sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững. Trong tiến trình đó, các mô hình sản xuất hiện tại là phép thử để lựa chọn phương pháp phù hợp, hiệu quả nhất với đặc điểm mỗi loại cây trồng, vật nuôi tại từng khu vực sản xuất nhất định. Trên cơ sở đó nhân rộng, tạo vùng sản xuất chuyên canh, từng bước thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.