Ninh Thuận: Trồng rau an toàn, giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu

Ninh Thuận: Trồng rau an toàn, giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu
Với điều kiện đặc thù thiếu mưa, thừa nắng như Ninh Thuận, việc sản xuất nông nghiệp luôn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong trồng rau. Để thích ứng với điều kiện đó, lần đầu tiên tỉnh thực hiện mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới theo VietGAP trên diện tích 40ha.

Mô hình được triển khai ở các địa phương trọng điểm như An Hải (huyện Ninh Phước), Hộ Hải (huyện Ninh Hải) và phường Văn Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm).

Ông Hán Văn Chấn, Giám đốc Trung tâm Thông tin ứng dụng khoa học công nghệ (Sở Khoa học - Công nghệ Ninh Thuận) cho biết: “Một trong những biện pháp sản xuất rau nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu là trồng trong nhà lưới. Từ thực tế đó, Trung tâm triển khai mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới theo quy trình VietGAP, trong đó kinh phí Trung ương hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng, vốn sự nghiệp khoa học tỉnh 1,4 tỷ đồng và nguồn vốn đầu tư của các hộ tham gia. Mô hình có hệ thống che chắn bằng lưới, khung thép và hệ thống tưới phun”.

Các hộ tham gia được tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn trên đồng ruộng, cách phòng trừ dịch bệnh, kiểm tra nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, được cấp phát sổ tay ghi chép thực hành VietGAP; đồng thời được trợ giúp đóng gói bao bì mang thương hiệu rau sạch Ninh Thuận, hỗ trợ tìm thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, bà con còn được hỗ trợ từ 20 - 50% chi phí đầu tư giống, phân bón; hỗ trợ 100% vốn đầu tư xây dựng 7 nhà lưới kiên cố và 1 nhà lưới cố định, mỗi nhà lưới có diện tích 500m2.

Dự án trồng 7 giống rau: cải xanh - cải ăn lá, dưa leo, hành lá, cà chua, cà rốt, cà pháo và súp lơ. Qua đánh giá bước đầu, trồng rau trong nhà lưới ngăn ngừa được côn trùng phá hoại nên giảm tối đa lượng thuốc trừ sâu, chống ô nhiễm môi trường sinh thái, bảo vệ môi trường đất, nước; sản phẩm rau đảm bảo an toàn, góp phần bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng và cộng đồng. So với kiểu trồng thông thường trên cùng một đơn vị diện tích, trồng rau trong nhà lưới theo quy trình VietGAP, sản lượng có thể tăng 3-5%, giảm 2-3 lần phun thuốc trừ sâu/vụ. Không những thế, ưu điểm của mô hình là tăng số vòng quay thời vụ cho rau ăn lá từ 5 lứa/năm lên 10 lứa/năm, có thể trồng quanh năm, ngay cả vào mùa mưa.

Ngoài việc tăng thu nhập, mô hình còn tạo việc làm cho lao động địa phương, thay đổi tập quán sản xuất, phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ, đồng thời cung cấp rau quanh năm cho thị trường, chống thiếu rau trong mùa khô. 

C.T

 

(Kinhtenongthon.com.vn)