No đủ nhờ mô hình “Cánh đồng năng suất, chất lượng cao”

Từ khi có mô hình mới này của Hội ND huyện đưa về, nhiều gia đình ở xã Quang Chiểu, huyện vùng cao, biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) không những đủ thóc ăn, mà còn có dư để bán.

Từ trước đến nay, ND xã Quang Chiểu, huyện vùng cao, biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) luôn thiếu thóc ăn, vì năng suất lúa quá thấp. Từ khi có mô hình “Cánh đồng năng suất, chất lượng cao” của Hội ND huyện đưa về, nhiều gia đìnhkhông những đủ thóc ăn, mà còn có dư để bán.

Thóc đầy bồ

Ông Vi Văn Bòng ở bản Sim, xã Quang Chiểu hồ hởi khoe: “Từ ngày có cái mô hình trồng lúa nước cao sản của Hội ND, nhà ta bây giờ thóc đầy bồ rồi, không lo thiếu đói nữa. Năm ngoái, ta còn bán được hơn 1 tấn thóc nữa cơ đấy”.

Lãnh đạo Hội ND tỉnh Thanh Hóa thăm mô hình trồng lúa năng suất cao ở xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát.

Không chỉ gia đình ông Bòng, mà nhiều hộ ở bản Sim nhờ mô hình “Trình diễn xây dựng cánh đồng năng suất và chất lượng cao” của Hội ND huyện, giờ không còn thiếu thóc quanh năm như trước đây nữa.

Ông Mai Văn Ngọc- Chủ tịch Hội ND huyện Mường Lát cho biết: “Thực hiện chương trình phối hợp với UBND huyện về việc hỗ trợ ND chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, nâng cao năng suất nhằm xóa đói, giảm nghèo theo nguồn vốn khuyến nông của Chương trình 30a, năm 2011, Hội ND huyện xây dựng mô hình này ở xã Quang Chiểu, trên diện tích 15ha (chủ yếu trồng lúa nước), với 120 hộ tham gia.

Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn nước, nên năm ngoái Hội ND mới đưa vào thử nghiệm được 7,5ha. Kết quả cho thấy, năng suất lúa tăng lên trông thấy. Những năm trước, mỗi sào chỉ thu được 80-90kg thóc. Từ khi thực hiện mô hình, năng suất đã vượt lên 270-300 kg/sào. Năm nay, chúng tôi tiếp tục mở rộng thêm 7,5ha nữa để có nhiều hộ tham gia”.

Giúp ND vốn, kiến thức...

Để xây dựng cánh đồng năng suất, chất lượng cao, Hội ND huyện giúp ND xã Quang Chiểu mua giống, phân bón, nylon che phủ và tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ… Cán bộ hội xuống tận bản để chuyển giao công nghệ, kỹ thuật gieo trồng cho ND.

Vụ chiêm năm nay, cũng diện tích 7,5ha, huyện tổ chức cho các hộ khác trong bản tham gia mô hình. Bước đầu, mô hình đã gặt hái được nhiều kết quả đáng mừng, nhiều hộ đã không còn thiếu thóc ăn như trước đây. Tuy nhiên, vụ mùa năm nay gặp một số khó khăn do các công trình giao thông đường biên giới đã làm ảnh hưởng đến mương dẫn nước xuống ruộng, khiến chưa thể sản xuất lúa trên diện tích đất ấy.

“Hội Nông dân huyện giúp nông dân mua giống, phân bón, nylon che phủ và tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ... Cán bộ hội xuống tận bản để chuyển giao công nghệ, kỹ thuật gieo trồng cho nông dân”.

Ông Lương Văn Bường- Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, cho biết: Hệ thống công trình giao thông đường biên giới đi qua xã Quang Chiểu đã làm ảnh hưởng nặng nề đến hệ thống mương nước tưới cho cây lúa ở 5 bản của xã Quang Chiểu, trong đó có bản Sim.

Cuối tháng 7 vừa rồi, hàng trăm thanh niên tình nguyện đã lên đây cùng xúm tay với bà con, chính quyền địa phương khơi thông dòng chảy dẫn nước về chân ruộng cho bà con gieo mạ, sản xuất vụ mùa. Nếu không, hàng chục ha đất canh tác lúa mùa của người dân ở Quang Chiểu sẽ không có nước. “Huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã phối hợp với Hội ND nhân rộng mô hình này. Khi mô hình được nhiều hộ làm, chắc chắn sẽ cải thiện được đời sống của ND”- ông Bường khẳng định.

Theo Danviet