Nông dân giỏi làm lúa giống đặc sản
- Thứ ba - 02/04/2013 20:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông đã tạo chọn nhiều giống lúa được nông dân nhiều vùng miền, kể cả ở tận miền Trung, miền Bắc xa xôi cũng tìm đến ông mua giống về trồng. Được sự quan tâm của Hội Nông dân huyện, năm 2006 ông được cử tham dự lớp tập huấn nâng cao, rồi lớp đào tạo “giảng viên nông dân” chuyên đề về “Kỹ thuật chọn tạo giống và sản xuất giống lúa” do Viện Lúa ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức.
Ông Dưỡng đứng trên cánh đồng trồng giống lúa Hồng Ngọc Óc Eo ở huyện Thoại Sơn, An Giang. |
Sau đó về tập huấn lại cho hàng trăm nông dân khác và 3 tổ hợp tác sản xuất lúa giống, trong đó có tổ do ông phụ trách. Ông đã vận dụng những kiến thức mình học được vào việc chọn tạo ra những giống lúa đặc sản cho quê hương. Và ông đã thành công khi đến nay đã tạo được nhiều giống lúa có đặc tính tốt, trồng thử nghiệm vào sản xuất hiệu quả. Có thể kể đến là các giống lúa Óc Eo 2, Óc Eo 3 có đặc tính cứng cây, thích nghi sản xuất cả 3 vụ, cho năng suất 7 - 9 tấn/ha vụ đông xuân và 6 - 6,5 tấn/ha vụ hè thu, hạt gạo trắng, thơm.
Thế nhưng gây ấn tượng nhất là giống lúa mang tên Hồng Ngọc Óc Eo, một giống lúa ngắn ngày nhưng có đặc trưng giống lúa mùa, có gạo lứt màu đỏ tía và hạt gạo trắng hồng, cơm có hương vị ngọt, thơm và dẻo, xốp rất hấp dẫn. Ông Dưỡng cho biết việc tạo ra giống lúa này là kết quả sau nhiều công đoạn ông nghiên cứu thử nghiệm với nhiều tổ hợp giống gốc khác nhau. Hồng Ngọc Óc Eo có các giống gốc “bố mẹ” là những giống “vang bóng một thời” như giống lúa nổi Tàu Binh và giống Jasmine 85 hiện đang có phẩm chất ít giống nào địch lại, hay những giống từ Viện Lúa Ô Môn. Thật tự hào về những sáng tạo của nông dân Việt. Vấn đề còn lại là chính sách của Nhà nước trong việc công nhận giống lúa đối với những người nông dân như ông Dưỡng, sao cho họ có bản quyền giống tác giả như các nhà khoa học trong các viện nghiên cứu về giống lúa.
TS Nguyễn Công Thành
Nguồn:dantri.com.vn