Nông nghiệp sạch - Lợi đủ đường: Liên kết làm rau an toàn

Nông nghiệp sạch - Lợi đủ đường: Liên kết làm rau an toàn
Cánh đồng rộng mênh mông trồng đủ loại rau, củ theo quy trình VietGAP và khu nhà lưới, nhà kính, khu sơ chế đóng gói của trang trại Phong Thúy, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) được dự án "Xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm" (FAPQDC) hỗ trợ...

>> Nuôi heo an toàn từ A - Z

THU LỜI LỚN

Chúng tôi tìm đến nông trại của hộ ông Lê Công Thôn ở thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), là một trong 6 hộ liên kết trồng rau với trang trại Phong Thúy. Đây là khu vườn rau SX theo quy trình VietGAP đang vào thời điểm thu hoạch.

Cầm trên tay những cây bắp cuộn chắc nịch vừa thu hoạch, ông Thôn hào hứng khoe: “Cây cải bắp (bắp sú ngọt) này là giống mới của Sakata- Nhật Bản. Năm nay chúng tôi đang trồng thử nghiệm, nhưng thấy ăn rất ngon và ngọt hơn nhiều so với giống bắp sú thường (Nova). Chúng tôi vừa tung ra thị trường chào hàng, người tiêu dùng rất ưa chuộng”.

Theo ông Thôn, giống bắp cải này có thời gian sinh trưởng khoảng 60 ngày (ngắn hơn so với giống bắp sú thường Nova khoảng 10 -15 ngày, trồng cũng dày hơn), giá bán khoảng 4.000 - 5.000 đ/kg, cao gấp đôi giống Nova. Gia đình ông Thôn có tổng diện tích trồng rau 30.000 m2, gồm các loại giống rau như bắp cải sú ngọt, sú thường, cải thìa, cà chua, salad… SX hoàn toàn theo quy trình VietGAP.


Một trong những mô hình trồng rau VietGAP được FAPQDC tài trợ

Tại vườn cà chua, ông Thôn dành một nửa diện tích (1.000 m2) trồng giống cà chua Anna theo quy trình VietGAP, sau hơn 3 tháng thu hoạch được 4 đợt cho năng suất đạt 75 tấn/ha. Vườn rau bắp cải cũng cho năng suất khá cao khoảng 80 tấn/ha. Theo ông Thôn, trồng rau áp dụng quy trình VietGAP vừa sử dụng ít phân, không thuốc BVTV nhưng chất lượng sản phẩm rất tốt, đạt hiệu quả kinh tế tăng gấp 3 lần so với trước đây.

Hộ anh Nguyễn Anh Dũng, thôn Lạc Lâm, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng cũng nằm trong Tổ liên kết SX rau an toàn VietGAP, có diện tích trên 4,5 ha trồng khoai tây, bắp cải, cà rốt, salad, ớt… Anh Dũng tâm sự: “Trước khi tham gia vào liên kết, hầu hết các hộ dân chúng tôi đều mạnh ai nấy làm, tự lo đầu vào đầu ra, giá cả bấp bênh, thu nhập không ổn định. Tuy nhiên, đến nay sản phẩm rau của các hộ thành viên đều đa dạng phong phú hơn và được tiêu thụ với giá cao hơn bên ngoài khiến bà con phấn khởi lắm…”.

Ông Trần Văn Hương, nông dân SX rau theo quy trình VietGAP ở xã Phú Hội cũng xác nhận: “Khi được tham gia chương trình này, ngoài việc nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, thì vấn đề thu nhập thực tế của người dân cũng được nâng cao. Từ chỗ thu nhập được cải thiện, nông dân đã tăng cường đầu tư, đổi mới quy trình SX”. Theo ông Hương, SX theo mô hình liên kết là một hình thức mới đang mạng lại hiệu quả thiết thực cho các hộ dân trồng rau. Các sản phẩm rau VietGAP của Tổ liên kết cũng đang dần tạo được thương hiệu riêng trên thị trường và ổn định đầu ra.

GẮN SX VỚI TIÊU THỤ

Là một trong những đơn vị được dự án FAPQDC chọn để triển khai chương trình chuỗi rau quả an toàn từ SX đến tiêu thụ, trang trại Phong Thúy (địa điểm SX tại thôn Lạc Lâm, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng) đang gấp rút triển khai nhiều công đoạn để nhanh chóng đưa các sản phẩm rau đến gần hơn với người tiêu dùng, hạn chế qua các khâu trung gian.

Khi mới thành lập (năm 2005), trang trại Phong Thúy chỉ có 10 ha, trong đó 2 ha trồng theo quy trình VietGAP, với sản lượng bình quân 200 tấn rau thương phẩm/năm. Đến nay trang trại đã phát triển lên 30 ha VietGAP, với trên 100 công nhân. Trên diện tích này được quy hoạch thành từng vùng chuyên canh phù hợp với chất đất, vị trí địa lý, cây, con, khả năng tiếp cận thị trường...


Tham quan mô hình trồng rau cải bắp (sú ngọt) theo quy trình VietGAP

Cụ thể, tại thôn K’Nai, Phú Hội với 8 ha cà phê (sản lượng hàng năm 30 tấn), 15 ha SX rau, củ, quả thương phẩm (sản lượng trên 2.500 tấn/năm), 4,5 ha cỏ (phục vụ chăn nuôi 150 con bò thịt). Tại KP 2, thị trấn Liên Nghĩa và xã NThôn Hạ có vườn ươm 3 ha với sản lượng 150-200 triệu cây giống/năm; hình thành 1 nhà máy sơ chế, bảo quản hàng cung cấp cho hệ thống nhà hàng, siêu thị, các đầu mối xuất khẩu rau quả. Đến cuối năm 2009, trang trại Phong Thúy bắt đầu triển khai mô hình liên kết với 5 hộ SX rau trong huyện, trên diện tích 15 ha, với tinh thần đôi bên cùng có lợi.

Ông Nguyễn Hồng Phong, chủ trang trại Phong Thúy cho biết: “Tổ liên kết đã trồng khoảng 30 loại sản phẩm rau củ được cấp chứng nhận VietGAP như cà chua, ớt ngọt, ớt cay, đậu, su su, bí, dưa chuột, bắp cải, salad, hành lá, cần tây, khoai tây, chanh dây, chuối, cà tím… Tuy nhiên, còn nhiều loại rau, củ giống mới chúng tôi vẫn tiếp tục cho trồng thử nghiệm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ”.

Để đảm bảo hiệu quả, các hộ được chọn tham gia vào chương trình chuỗi rau quả an toàn phải có kinh nghiệm thực tế, SX, tiêu thụ nông sản với quy mô tương đối lớn, có khả năng liên kết với các nông hộ SX đơn lẻ để xây dựng các liên kết SX, tạo “đầu tàu” kéo những mô hình canh tác nhỏ lẻ cùng phát triển.

Do hướng đầu tư bài bản, bình quân mỗi năm trang trại Phong Thúy cung ứng cho thị trường khoảng 5.000 tấn rau an toàn, trong đó 3.000 tấn do các hộ liên kết cung cấp (70 - 80% sản lượng rau đưa vào các siêu thị tại TP HCM). Chia sẻ về những bất cập trong chuỗi cung ứng các mặt hàng nông sản hàng hóa nội địa, ông Phong tâm sự: “Qua những lần được đi tham quan học tập thực tế các mô hình SX nông nghiệp tại một số nước phát triển, tôi thấy sản phẩm nông nghiệp Việt Nam không thiếu, nhưng cái thiếu và yếu nhất của ta chính là chất lượng và mẫu mã; đồng thời chưa biết cách tiếp cận những thị trường khó tính”.

Cũng theo ông Phong, thực tế làm VietGAP vẫn đang trong vòng luẩn quẩn, khi người trồng rau thì quan tâm đến đầu ra cho sản phẩm VietGAP ở đâu, như thế nào? Còn thị trường và người tiêu dùng thì chỉ quan tâm là sản phẩm gì, chưa phân biệt nhiều về giá cả? Từ nay đến cuối năm, Phong Thúy sẽ tiếp tục liên kết với 10 nông hộ ở địa phương, đầu tư thêm 10 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất, nhằm tham gia hiệu quả chương trình chuỗi rau quả an toàn từ sản xuất đến lưu thông”.

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó GĐ Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết, thông qua việc triển khai chương trình chuỗi liên kết SX đã tạo điều kiện cho các hộ đơn lẻ có thể liên kết với các đơn vị có quy mô SX lớn, cùng nhau xây dựng vùng nguyên liệu ổn định cung ứng cho thị trường. Đây chính là cơ sở để đưa nông sản đến gần hơn với nhu cầu thực tế của thị trường, hạn chế qua các khâu trung gian gây thất thoát cho người SX…

ÔNG NGUYỄN NHƯ TIỆP, CỤC TRƯỞNG CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NLS & TS, GĐ DỰ ÁN FAPQDC:
Nằm trong khuôn khổ của dự án FAPQDC do CIDA tài trợ, trang trại Phong Thúy được chọn để triển khai mô hình thí điểm liên kết SX rau VietGAP. Tại đây, dự án đã tổ chức tập huấn nâng cao về thanh tra, kiểm tra lấy mẫu, thực hành chế biến tốt trong cơ chế và vận chuyển rau tươi; nâng cấp các điều kiện sơ chế, điều kiện vùng SX đảm bảo ATVSTP; hỗ trợ kinh phí nâng cấp khu vực SX; hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng; đánh giá mức độ cải thiện điều kiện đảm bảo ATVSTP sau khi thực hiện SX tốt…

Nguồn: nongnghiep.vn