“Nữ hoàng” nấm rơm

“Nữ hoàng” nấm rơm
Tôi muốn gọi chị như vậy. Và hẳn cũng đã có rất nhiều người sau khi gặp chị, đến cơ sở sản xuất nấm rơm của chị đều phải thốt lên như thế. Chị là Đào Thị Thiện, ở thôn Quảng Hội (xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Câu chuyện đưa người phụ nữ ấy từ gian khó rồi trở thành một chủ doanh nghiệp, tạo việc làm thường xuyên cho 70 lao động, lợi nhuận hàng năm lên tới con số 500 triệu đồng như được kể mãi trong mỗi người dân nơi đây.
 
 
Chị Thiện nâng niu cây nấm Linh chi vài tuần tuổi
 
Vốn xuất thân là nông dân từ một miền quê nghèo khó ngoại ở thành Hà Nội, ruộng đồng đất trắng bạc màu, đất cằn sỏi đá, quanh năm lam lũ mà vẫn không đủ sống. Năm 1979, chị Thiện lập gia đình với anh Trần Văn Sơn ở tuổi đôi mươi xuân sắc. Sau 3 tháng kể từ ngày về làm dâu, vợ chồng chưa nói hết câu thì anh phải lên đường vào Nam chiến đấu. 
 
Năm 1981, Anh Sơn phục viên trở về quê hương với giấy chứng nhận thương binh, nhiễm chất độc đioxin. Hai năm chung sống hạnh phúc, song trong ngôi nhà của anh chị vẫn vắng bóng trẻ thơ nô đùa. Anh buồn bã , chị ngậm ngùi. Biết là không thể sinh con, hai anh chị đã tính chuyện xin con nuôi. Năm 1983, anh chị đã nhận một người con gái về làm con nuôi, và đặt tên là Trần Thị Thuận. Năm 1987, anh chị lại đón nhận thêm bé Trần Văn Thành làm con nuôi. Hằng ngày, mình chị vẫn làm 7 sào ruộng, vừa phải chăm sóc sức khỏe của chồng, lại vừa phải lo chuyện học hành con cái. Dù hết sức cố gắng, nhưng gia đình chị vẫn thuộc diện hộ nghèo. 
 
Năm 1996, trong lúc rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan thì chị xem trên truyền hình và biết được có chương trình nghề làm nấm. Nhưng toan tính mãi, năm 2006, chị mới mạnh dạn vay vốn, sản xuất nấm rơm. Lúc đầu, chị chỉ dám làm theo quy mô nhỏ, vừa làm vừa học hỏi ở những cơ sở sản xuất thành công trong vùng. Được các chuyên gia của Viện Di truyền nông nghiệp Hà Nội và Trung tâm Nghiên cứu - Phát triển nấm Văn Giang hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ giống, giúp đỡ xây dựng lán trại, chị quyết tâm học hỏi, sưu tầm sách hướng dẫn kỹ thuật, vay vốn mở rộng sản xuất. Sau hai tháng vừa học vừa làm, chị đã trồng thành công 3 loại nấm sò, rơm, mỡ. Một năm sau, chị quyết định mở rộng diện tích trại trồng nấm lên 650m2, doanh thu từ nấm đạt 250-260 triệu đồng, lợi nhuận lên tới hơn 100 triệu đồng.
 
Gia đình chị đã thực sự thoát nghèo, trở thành hộ có kinh tế khá. Từ đó, việc sản xuất của chị ngày càng phát triển, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ nghèo trong xã. Năm 2010, chị thành lập HTX Sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nấm Sáng Thiện. Đến nay, HTX Sáng Thiện đã tạo việc làm thường xuyên cho 70 lao động, việc làm thời vụ cho gần 100 người, đảm nhiệm hướng dẫn thực hành công nghệ nuôi trồng nấm, hỗ trợ vốn, giống, bao tiêu sản phẩm cho hàng trăm hộ nông dân, phụ nữ nghèo các huyện trong vùng. 
 
Đến ngày 1-7-2011, với những thành công đã đạt được, chị Thiện đã vận động 9 xã viên trong xã Quang Tiến xin thành lập hợp tác xã nuôi trồng nấm, lấy tên là HTX Sản xuất Chế biến và Tiêu thụ Sản phẩm Nấm sáng Thiện Quảng Hội, do chị làm chủ nhiệm. HTX có 21 lán trại với diện tích gần 4.000m2, các loại nấm chủ yếu được nuôi là: Nấm sò, nấm rơm, nấm mỡ, mộc nhĩ, nấm linh chi dược liệu. Thu tổng số 76 tấn, doanh thu đạt 2,5 tỷ đồng, trừ chi phí các loại, HTX thu lãi 800 triệu đồng; giải quyết công ăn việc làm cho 65 lao động trong xã. Chị còn chuyển giao công nghệ nấm cho trên 200 lượt người trên khắp mọi miền đất nước. 
 
Không chỉ làm kinh doanh, chị Thiện còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội; nhiệt tình giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với các hộ kinh doanh, bà con hàng xóm có dự định lập trại nuôi nấm, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
 
 Với sự phấn đấu và nỗ lực của bản thân, từ năm 1996 - 2012 chị Đào Thị Thiện luôn được các cấp có thẩm quyền khen thưởng, nhiều giấy khen, bằng khen về những nỗ lực vượt khó, giúp người, giúp đời của chị. 
 
Một người phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà như chị Thiện chắc chắn sẽ không thiếu cho mình những quan điểm sống giàu nghị lực đến như vậy. Hỏi về điều đó, chị Thiện nghẹn ngào tâm sự : "Suốt đời tôi chỉ tâm niệm điều Bác Hồ dạy, đó là : "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”. Tôi chỉ có mong muốn được đóng góp một phần nhỏ bé của mình cho xã hội”. Chị xứng đáng là một trong những điển hình cần cù, biết phát huy, sáng tạo trong lao động vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình và xã hội, góp phần xây dựng nông thôn ngoại thành Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại.
Phương Phúc
 
Theo daidoanket.vn