Nuôi bò sinh sản - Mô hình nhiều triển vọng
- Thứ sáu - 20/03/2015 03:33
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đầu năm 2014, toàn xã Phú Thuận B có 534 hộ nghèo, riêng ấp Phú Trung có hơn 200 hộ nghèo sống bằng nghề trồng rẫy, chủ yếu là rau muống, bắp... đây là nguồn thức ăn phong phú cho bò. Chính vì thế, xã đã xây dựng và phát triển mô hình này. Bò giống sinh sản khoảng 7 tháng tuổi có giá từ 20 - 25 triệu đồng/con, sau khi chăm sóc khoảng 6 tháng sẽ tiến hành cho phối giống, 9 tháng sau bò sẽ sinh sản. Như vậy tiếp tục nuôi 6 tháng sau có thể bán hoặc để nhân giống.
Là hộ nghèo của địa phương, ông Bùi Văn Quang ở ấp Phú Trung được Hội Nông dân huyện hỗ trợ nguồn vốn vay mua bò, sau khi chăm sóc và phối giống, đến nay đã cho thu nhập khá. Ông Quang cho biết: Tôi mua 2 con bò, tận dụng thức ăn có sẵn, trồng thêm cỏ, đến nay được 9 con bò sinh sản. Lúc trước, gia đình tôi làm rẫy không khá, chuyển sang nuôi bò thu nhập ổn định hơn.
Ngoài việc tận dụng thức ăn sẵn có, nhiều hộ dân ở đây còn trồng thêm cỏ voi để tạo nguồn thức ăn cho bò sinh sản. Cỏ không phải trồng lại thường xuyên, sau khi thu hoạch khoảng 20 đến 30 ngày phần gốc sẽ tự tái sinh.
Các hộ dân ở địa phương cũng được tập huấn kỹ thuật, chăm sóc, phối giống, phòng trừ dịch bệnh cho bò và được cán bộ thú y theo dõi, tiêm phòng cho đàn bò theo kế hoạch. Anh Phạm Ngọc Oai ngụ ấp Phú Trung chia sẻ: “Nuôi bò đẻ tương đối dễ nhưng cũng phải học hỏi kinh nghiệm những người nuôi trước. Nếu trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho bò thì lợi nhuận nhiều hơn”.
Ấp Phú Trung có hơn 70 hộ nuôi bò sinh sản với hơn 200 con bò. Sau khi trừ các khoản đầu tư về chuồng trại, con giống, thức ăn và các chi phí khác, mô hình chăn nuôi bò sinh sản đã giúp cho các hộ tham gia mỗi năm lãi từ 9-10 triệu đồng/con, tạo điều kiện cho hộ nghèo chủ động sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Bên cạnh đó, mô hình nuôi bò thịt cũng cho lợi nhuận 10 - 12 triệu đồng/con/năm.
Ông Nguyễn Hồng Điểm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thuận B cho biết: “Nuôi bò là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế ổn định vì nông dân tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn từ cây bắp, bả rau muống tại địa phương. Mô hình có thể nhân rộng trong thời gian tới”.