Nuôi thâm canh cá rô phi thương phẩm, hiệu quả vượt trội

Nuôi thâm canh cá rô phi thương phẩm, hiệu quả vượt trội
Là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt nên thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai xây dựng mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo hướng thâm canh sản xuất hàng hoá, bước đầu thu được kết quả khả quan.

Vĩnh Phúc hiện có 7.025ha mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, sản lượng khai thác hàng năm đạt 18.750 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng 17.200 tấn, khai thác 1.550 tấn. Trong khi đó, tỉnh vẫn còn hàng ngàn hecta vùng trũng có thể cải tạo thành vùng nuôi trồng thuỷ sản.

Tiềm năng thủy sản lớn như vậy, song lâu nay bà con vẫn nuôi theo kiểu quảng canh và quảng canh cải tiến, chất lượng con giống chưa đảm bảo, chủ yếu là giống truyền thống, ít đầu tư, kỹ thuật thâm canh hạn chế, dẫn đến năng suất bình quân thấp, chỉ đạt 2,2 tấn/ha/năm. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai xây dựng mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo hướng thâm canh sản xuất hàng hoá.

Theo đó, Chi cục Thuỷ sản tỉnh đã lựa chọn 44 hộ ở 6 huyện tham gia mô hình, thời gian thực hiện từ 26/4 đến tháng 11/2012. Các hộ nuôi phải ký cam kết thực hiện đúng hợp đồng, tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho cá. Về phía Chi cục, đơn vị cũng thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật theo dõi chỉ đạo mô hình sát sao, từ đó có biện pháp phòng, trị bệnh kịp thời cho cá.

Sau 6 tháng nuôi, tỷ lệ cá sống trung bình trong các hộ thực hiện mô hình đạt 75,7%; trọng lượng cá bình quân 607 g/con (hộ thấp nhất: 520 g/con, do mật độ thả cao, thiếu khả năng đầu tư, nguồn nước không chủ động; hộ cao nhất: 750 gam/con, do mật độ thả hợp lý, chăm sóc đúng kỹ thuật). Năng suất bình quân đạt 15,44 tấn/ha.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Xuân Công, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: “Giống cá thả trong mô hình là rô phi đơn tính Đường Nghiệp, có khả năng nuôi thâm canh, năng suất đạt trên 15 tấn/ha, tiêu tốn thức ăn thấp, cá nhanh lớn, thời gian nuôi ngắn, chỉ 5-6 tháng là cho thu hoạch. Thực tế cho thấy, lợi nhuận của các mô hình đều cao hơn so với nuôi cá truyền thống, thậm chí có thể đạt trên 100 triệu đồng/ha/6 tháng”.

Ông Nguyễn Văn Thu ở xã Hoàng Lâu (huyện Tam Dương) cho biết: “Tôi đã nuôi cá 18 năm, nhưng phải tới khi tham gia mô hình nuôi cá rô phi thâm canh, tôi mới học được cách nuôi khoa học, bài bản, từ khâu chọn giống, chăm sóc đến khâu phòng trị bệnh cho cá..., nhờ đó tránh được nhiều rủi ro. Đúng là có học có khác!”.

Ông Thu cho biết thêm, tháng 11/2012, gia đình ông thu hoạch lứa cá đầu tiên, tổng sản lượng 8 tấn, cho thấy cá lớn khá nhanh, sạch bệnh, chất lượng tốt, thịt thơm và ngon. Với giá bán tại ao 28.000 đồng/kg, thu 224 triệu đồng/vụ/6 tháng.

“Hiện tôi có 23,5ha đầm nuôi cá truyền thống, tới đây tôi sẽ mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi cá thương phẩm thêm 7-10ha”, ông Thu vui vẻ nói.

Mặc dù kết quả bước đầu của mô hình rất đáng khích lệ, song cán bộ khuyến nông cũng khuyến cáo bà con phải thả nuôi trong điều kiện chủ động tưới tiêu, không bị ngập úng. Ngoài ra, kết quả thu hoạch của mô hình còn phụ thuộc vào nguồn nước, độ sâu của ao nuôi, lượng thức ăn tiêu tốn và vấn đề kiểm soát dịch bệnh, do đó bà con cần nắm vững kỹ thuật trước khi quyết định thả nuôi thâm canh.

Dương Thu Hiên

Nguồn:kinhtenongthong.com.vn