Ông chủ vườn rau tiền tỷ nuôi quyết tâm... "hâm" đến cùng

Đang làm chủ một xưởng cơ khí có thu nhập ổn định, anh Tô Quang Dũng (phường 8, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) quyết định đóng xưởng để đi làm… rau. Ai cũng bảo anh “hâm”, còn anh thì quyết tâm “hâm” đến cùng.

Lý do là cách đây 4 năm, anh Dũng gặp lại một người bạn cũ: “Bạn mình ngày xưa nghèo lắm nhưng lúc đó đã là tỷ phú. Anh ấy chỉ trồng rau. Còn mình, làm cơ khí chỉ thu nhập ổn định chứ không thể giàu. Nhà mình có tới 4ha đất nông nghiệp bỏ trống lâu nay nghĩ mà phí quá. Vậy là tôi quyết tâm đóng xưởng...”.


 Anh Dũng bên vườn rau tiền tỷ của mình.    
Anh Dũng kể, lúc mới về làm nông, chẳng có một chút kinh nghiệm, lại chỉ biết làm nông nghiệp thuần túy nên mấy vụ đầu năng suất cây trồng kém, hàng trăm triệu đồng của gia đình “đội nón” ra đi. Vốn gần như “cụt”, nhiều người đã nghĩ anh Dũng sẽ phải quay lại nghề cũ. Nhưng anh ấy lại quyết tâm làm đến cùng, và là làm nông nghiệp công nghệ cao. Anh chạy vạy khắp nơi vay mượn tiền bạc, đầu tư nhà kính, rồi tham gia các lớp tập huấn trồng rau VietGAP, mời chuyên gia từ Hà Lan về hướng dẫn kỹ thuật trồng các loại rau quả... 
 
Nhờ được học bài bản, anh Dũng đã bắt đầu có những vụ rau, quả bội thu cả về năng suất lẫn chất lượng. Thế nhưng, anh lại đối mặt với khó khăn khác là đầu ra, sản phẩm rớt giá. “Đấy lại thêm một bài học cho tôi. Làm nông nghiệp không chỉ sản xuất ra sản phẩm là đủ mà phải biết lựa chọn cây trồng thích hợp với từng thời điểm nhất định; đồng thời phải biết tạo thương hiệu, tìm cho mình một thị trường tiêu thụ ổn định thì mới có thể phát triển bền vững”- anh Dũng chia sẻ. Và đấy cũng là lý do mà anh Dũng thành lập cơ sở sản xuất rau sạch Trường Phúc Farm, rồi tự quảng bá và tìm thị trường riêng cho mình.

Chẳng bao lâu sản phẩm rau sạch Trường Phúc Farm được nhiều người biết đến. Bằng cách luôn giữ chữ tín, luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, Trường Phúc Farm đã nhanh chóng được nhiều cửa hàng rau VietGap ở TP.Hồ Chí Minh biết đến, tín nhiệm và đặt hàng ngày càng nhiều. Có lúc sản xuất không kịp để cung ứng cho các cửa hàng.

Với quỹ đất 4ha, ban đầu Trường Phúc Farm cho ra các loại rau ăn lá như cải các loại, bó xôi, xà lách… cho hiệu quả 400-500 triệu/ha/năm. Bên cạnh đó, cơ sở còn trồng giống cà chua cao cấp (giống cà chua sinh trưởng vô hạn, có tuổi thọ gần 1 năm và cho trái liên tục nên đạt năng suất cao). Chỉ với 1ha cà chua này, mỗi năm anh Dũng có khoảng 25 tấn quả, thu về khoảng 500 triệu đồng.

Năm 2011, Trường Phúc Farm liên kết với Công ty Đà Lạt G.A.P, sản xuất ớt sừng trâu xuất khẩu sang Nhật Bản. Từ năm 2011-2013, cơ sở đã ký kết với Nhật Bản sản xuất trên diện tích 500m2, năng suất trung bình 70 tấn vụ/năm, với giá niêm yết 16.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi năm Trường Phúc Farm đã thu về cả tỷ đồng chỉ từ 5 sào ớt sừng trâu. Đầu năm nay, phía Nhật Bản đã ký kết tăng gấp đôi diện tích trồng ớt với anh Dũng. Ước tính vụ ớt này anh Dũng sẽ bỏ túi khoảng hơn 2 tỷ đồng.

Theo danviet.vn