'Ông vua' cầu treo nông thôn
- Thứ tư - 08/04/2015 04:47
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Về An Giang nhắc đến Sáu Quý (Phạm Ngọc Quý), nhiều người biết đến bởi ông có sáng kiến độc đáo, đó là thay thế các cây cầu khỉ vắt vẻo bằng các công trình cầu treo dây văng kiên cố nhằm giúp bà con lưu thông thuận lợ
Ông Sáu Quý ở xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú; xuất thân trong một gia đình đông anh em, ruộng đất ít ỏi. Ông chỉ mới học lớp 2 trường làng nhưng với nghị lực vươn lên cộng thêm khả năng trời phú nên chỉ cần nhìn thấy và học hỏi bất cứ thứ gì hay là ông có thể làm được. Ông Sáu Quý cho biết, vào năm 1995 những cây cầu ván gỗ đơn sơ trước nhà mình bị dỡ để nạo vét kênh nội đồng xã Thạnh Mỹ Tây phục vụ SXNN. Nhưng khi xáng cạp đi qua thì cây cầu cũ không ai chịu bắc lại. Thấy vậy, ông đi vận động anh em trong xóm đóng góp tiền của để xây thử cây cầu treo vì nghe đâu bên Ðồng Tháp Mười người ta cũng làm thành công. Ði vận động gần một tuần, Sáu Quý có trong tay hơn 3 triệu đồng. Ông cùng anh em trong xóm bắt tay vào làm chiếc cầu treo đầu tiên ở An Giang và rất thành công. Khi cây cầu treo bằng ván đầu tiên ở Thạnh Mỹ Tây ra đời đã giúp người dân qua lại dễ dàng. Từ đó chính quyền, nhân dân quanh vùng đến xem rồi nhờ ông bắc cầu treo để thay thế những cây cầu khỉ. Ông Sáu Quý cho biết, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đồng thời học hỏi qua sách báo nên từng cây cầu đều được cải tiến từng khâu, từ thiết kế cơ bản, cách cân tải trọng, độ tĩnh, thông thuyền... có tiêu chuẩn cụ thể, rõ ràng. Ông Sáu Quý cho biết, ban đầu làm cầu treo dây văng bằng trụ gỗ, khi QL 91 mở rộng, thấy ngành điện di dời và bỏ đi các trụ bê tông cũ, ông đề nghị UBND huyện Châu Phú xin về làm cầu nông thôn, dùng thay thế trụ gỗ. Trụ bê tông cũ nhưng vẫn chắc bền mà không tốn tiền mua. Từ việc sử dụng trụ bê tông làm cầu, các công trình tiếp theo được cải tiến trên quy mô hiện đại hơn. “Tất cả các cây cầu treo do chính tôi thiết kế, kể từ cây cầu đầu tiên đến nay đều là những cây cầu từ nguồn vận động bà con, một ít có hỗ trợ của chính quyền địa phương. Mục đích chủ yếu làm giúp cho bà con nghèo có cây cầu chắc chắn, đi lại dễ dàng, xóm giềng có điều kiện làm ăn phát triển" ông Sáu Quý nói. Từ năm 1995 đến nay, ông đã xây dựng được gần 200 công trình cầu treo cho vùng nông thôn các tỉnh ĐBSCL. Tính trên địa bàn huyện Châu Phú, quê hương của ông, đã làm 40 cầu và cả tỉnh An Giang là 130 cầu. Số còn lại làm ở Kiên Giang và Đồng Tháp. Cây cầu có tải trọng lớn nhất (nặng 20 tấn, dài 27m, rộng 3,5m) xây dựng ở ngã Ba Hòn huyện Kiên Lương (Kiên Giang); cây cầu có quy mô dài nhất thuộc về cầu Phú Vĩnh (dài 110m, tải trọng 3 tấn, độ cao thông thuyền 7m và rộng 55m) bắc qua kênh Rạch Giá - Long Xuyên, nối đôi bờ xã Vĩnh Thành, huyện Châu Thành với thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn). Tiếp theo là cầu Thoại Hà 2 và Thoại Hà 3 bắc qua kênh Rạch Giá - Long Xuyên, có cùng chiều dài 70m và rộng 3m, khả năng chịu tải đến 5 tấn, kinh phí xây dựng mỗi cây cầu là 1,2 tỷ đồng. Đặc biệt, các công trình do ông Sáu Quý thực hiện, kinh phí chỉ bằng 2/3 so với giá thiết kế của các cơ quan chức năng có chuyên môn. Trong năm 2008, ông Quý xây dựng ba công trình tầm cỡ quốc gia là cầu Phú Vĩnh, Thoại Hà 2 và Thoại Hà 3 bắc qua kênh Rạch Giá - Long Xuyên. Sau khi hoàn thành công trình cầu treo dây văng Phú Vĩnh (dài 110m) tầm cỡ cấp quốc gia, ông được Liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam cấp “Chứng nhận điển hình sáng tạo Việt Nam” về thành tích xây dựng cầu treo cho ĐBSCL. Ông Sáu Quý đã được Bộ Công thương tặng Bằng Vinh danh vì đã có công đóng góp xây dựng và phát triển giao thông nông thôn cho các tỉnh vùng ĐBSCL
NongNghiep.vn