Phát triển vùng chuyên canh rau sạch ở Tiền Giang

Ngoài đặc sản vú sữa Lò Rèn - sản phẩm trái ngon nổi tiếng trong, ngoài nước, huyện Châu Thành (Tiền Giang) còn được mệnh danh là "Vương quốc" chuyên canh cây rau màu. Phát huy lợi thế này, Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Châu Thành quyết tâm giữ vững, phát triển và mở rộng diện tích trồng rau màu theo hướng an toàn, chất lượng cao, nhằm nâng cao giá trị cũng như tăng thu nhập cho nông dân trên một đơn vị diện tích.

Cây xóa nghèo

Ðược thiên nhiên ưu đãi, vùng đất Châu Thành nước ngọt quanh năm, phù sa màu mỡ. Ðồng thời, hệ thống ô, đê bao ngăn lũ của huyện được đầu tư khép kín và phát huy tác dụng là điều kiện thuận lợi để huyện phát triển diện tích trồng rau truyền thống. Theo người dân sở tại, nghề trồng rau màu ở Châu Thành hình thành khá lâu đời, nông dân có nhiều kinh nghiệm đối với loại cây trồng này. Nếu trước ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, vùng trồng rau của huyện chỉ tập trung chủ yếu ở các xã Thân Cửu Nghĩa, Tân Lý Tây, Tân Lý Ðông và Tam Hiệp, thì đến nay đã phát triển theo hướng chuyên canh tập trung với số lượng lớn ở hầu hết các xã trong toàn huyện.

Ðến Châu Thành những ngày này, mọi người tận mắt chứng kiến quang cảnh nhộn nhịp của một làng quê trù phú, từ những cánh đồng rau trải dài ngút ngàn, xen trong những ngôi nhà kiên cố, mái ngói đỏ au, từ hình ảnh của những nông dân cần cù chăm sóc những vườn rau, đến sự tấp nập của các xe tải đến tập kết tại các đại lý vận chuyển sản phẩm rau của Châu Thành đến các tỉnh, thành phố khu vực miền Ðông và miền Tây Nam Bộ. Phó Chủ tịch UBND xã Thân Cửu Nghĩa Phạm Văn Luông khẳng định: "Cây rau là cây xóa nghèo nhanh nhất của bà con nông dân. Từ nhà cửa kiên cố, khang trang đến phương tiện đi lại, nghe nhìn... tất cả đều nhờ vào phần thu nhập từ cây rau. Do vậy, xã xác định cây rau là cây kinh tế chủ lực. Nghề trồng rau là nghề chính của bà con". Hiện toàn xã có hơn 900 ha sản xuất nông nghiệp, thì có đến 220 ha chuyên canh cây rau các loại. Diện tích còn lại là lúa và vườn cây ăn trái. Phó Chủ tịch Phạm Văn Luông cho biết thêm: Diện tích cây rau của xã sẽ còn tăng cao vì người dân đã thấy được hiệu quả loại cây này. Toàn xã có gần 20 nghìn dân, hiện chỉ còn dưới 6% hộ nghèo theo chuẩn mới. Chúng tôi đến tham quan mô hình trồng rau đạt hiệu quả kinh tế cao, do nông dân xã Thân Cửu Nghĩa sáng tạo. Tại ấp Hưng Ðạo, nông dân Vưu Tròn, một trong những người áp dụng thành công việc trồng rau, kết hợp với chăn nuôi cá cho thu nhập cao. Ông Vưu Tròn tâm sự: Hộ tôi chỉ có 1,5 công đất chuyên canh tác cây hành lá. Bên dưới những liếp hành tôi thả cá tai tượng thương phẩm. Trong các ao ấy, tôi dành riêng một ao lớn thả ương cá tai tượng giống. Với cách làm này, chỉ trong vòng ba tháng là đủ xuất bán cá giống thu gần cả trăm triệu đồng. Theo đó, hai năm sau nguồn thu có gần cả trăm triệu đồng từ cá tai tượng thịt. Nếu tính bình quân thu nhập của hộ tôi sau khi trừ các chi phí sản xuất từ trồng hành lá, chăn nuôi cá, lợi nhuận mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Còn tại ấp Thân Bình, ai cũng biết nông dân Nguyễn Văn Thương đã sáng tạo và thành công quay vòng đất một cách hợp lý trong việc canh tác các loại rau theo phương pháp lấy ngắn nuôi dài. Anh Thương cho biết: "Nhà có bốn công đất (4.000 m2). Trên diện tích này thu hoạch rau quanh năm, cho nên đạt lợi nhuận khá. Ðó là, đối với loại rau ngò gai có chu kỳ thu hoạch dài nhất là năm tháng thì gieo trồng trước, kế đó là hành lá từ 40 đến 50 ngày, và cây cải, lá tía tô... chu kỳ thu hoạch từ 15 đến 20 ngày". Với cách làm này, vừa tận dụng diện tích đất một cách triệt để, vừa thu hoạch từng loại cây rau quanh năm theo chu kỳ từng loại, cuối cùng là cây ngò gai cho nên lợi nhuận hằng năm của gia đình anh không dưới 150 triệu đồng. Nếu như với diện tích trên mà chỉ trồng chuyên một loại rau thì lợi nhuận như thế nào? Trả lời câu hỏi của chúng tôi, anh Thương cho biết: Nếu chỉ trồng chuyên một loại rau, hoặc thu hoạch loại này rồi trồng loại khác thì lợi nhuận cao nhất chỉ đạt trên dưới 50 triệu đồng. Bởi phương pháp mà anh đang áp dụng có thuận lợi là phụ thuộc vào giá cả thị trường; loại này thời điểm giá không cao thì loại khác bù vào. Từ hiệu quả cách làm của anh Thương, anh Tròn, hiện nông dân xã Thân Cửu Nghĩa đã áp dụng phổ biến phương pháp này. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Huỳnh Hữu Hòa cho biết: Nhiều năm nay, giá rau xanh trên thị trường tương đối ổn định, do đó nông dân trồng yên tâm và phấn khởi. Cây rau thật sự là cây góp phần xóa nghèo nhanh ở huyện, vì trồng rau sẽ cho thu nhập cao hơn gấp từ hai đến ba lần trồng cây ăn trái và từ bảy đến tám lần trồng lúa.

Phát triển bền vững

Huyện Châu Thành hiện có 1.600 ha diện tích trồng rau màu, mỗi năm cung cấp sản lượng 150 nghìn tấn rau các loại cho thị trường chủ yếu như các tỉnh miền Ðông, miền Tây Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh. Theo đó, tại mỗi địa phương trên địa bàn huyện cũng đã hình thành các vùng chuyên canh tập trung, với diện tích mỗi vùng từ 100 đến 200 ha như: Vùng chuyên canh cây rau má ở Tam Hiệp, Tân Lý Ðông, Thân Cửu Nghĩa; rau diếp cá ở Nhị Bình, Ðông Hòa... Ngoài ra, được sự quan tâm của tỉnh, huyện, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật như thủy lợi, điện, giao thông nông thôn được tập trung đầu tư khá tốt, hỗ trợ đắc lực cho phát triển sản xuất rau. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà chuyên môn, sản xuất rau ở Châu Thành còn nhiều bất cập, tồn tại những nghịch lý. Chất lượng rau chưa cao, thế mạnh chưa phát huy đúng mức, hiệu quả và thu nhập kinh tế còn thấp so với tiềm năng; sản xuất tự phát, manh mún dẫn đến chưa chủ động thị trường để tiêu thụ ổn định. Từ những bất cập nói trên, đồng thời để phát huy hơn nữa lợi thế các vùng trồng rau của huyện theo hướng chuyên canh tập trung với số lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao, an toàn và bền vững trên 13 xã trong toàn huyện, năm 2011 Huyện ủy, UBND huyện Châu Thành đã ban hành Nghị quyết và triển khai kế hoạch phát triển cây rau màu đến năm 2015. Theo đó, dựa trên cơ sở đặc điểm đất đai, mức độ sử dụng đất, triển vọng sản xuất rau màu..., huyện phân chia sản xuất thành ba vùng chính. Theo đó, vùng một tập trung sản xuất rau ăn quả, rau ăn lá, trong đó rau má là chủ lực. Vùng hai sản xuất chủ yếu mô hình hai vụ lúa - một vụ màu. Vùng ba sản xuất chủ yếu rau ăn lá, diếp cá, ngò gai, húng cây. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, diện tích canh tác rau màu đạt 1.800 ha rau các loại. Sản lượng đạt hơn 160 nghìn tấn/năm, giá trị sản lượng trên một ha canh tác tăng từ 131 triệu đồng vào năm 2006 lên 270 triệu đồng vào năm 2015. Ðây là chủ trương đúng đắn, phù hợp, được các cấp chính quyền và nhân dân đồng tình ủng hộ. Một lợi thế khác, Châu Thành là địa phương được tỉnh triển khai mô hình sản xuất rau theo hướng an toàn đầu tiên, với 200 ha, trong đề án 500 ha rau an toàn trong toàn tỉnh. Từ lợi thế này, UBND huyện đã đề ra kế hoạch phấn đấu đến năm 2015, phát triển một nghìn ha rau an toàn. Trước mắt, UBND huyện yêu cầu các xã có diện tích trồng rau phối hợp các đơn vị chuyên môn của tỉnh, huyện tiến hành tập huấn, thành lập tổ sản xuất, xây dựng các mô hình trình diễn theo hướng an toàn.

Qua hơn một năm thực hiện chủ trương phát triển cây rau màu trên địa bàn toàn huyện cho thấy, các xã phối hợp cùng các đơn vị chuyên môn tiến hành tập huấn, tổ chức đưa nông dân đi tập huấn, tham quan các mô hình trồng rau an toàn một cách nghiêm túc. Cụ thể, tại xã Thân Cửu Nghĩa, đến nay có 504 hộ được tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng rau an toàn với diện tích gần 157 ha. UBND xã cũng đã xây dựng quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn trên diện tích 30 ha với 140 hộ thuộc hai ấp Cửu Hòa, Thân Bình nằm trong dự án do QSEAP tài trợ. Còn theo UBND xã Tam Hiệp, ngay từ năm 2011, xã kết hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn cho 150 nông dân về kỹ thuật trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 30 ha ở ấp 1, ấp 2, ấp 5. Ngoài ra, xã còn đưa nông dân tham gia tập huấn ở tỉnh và tham quan thực tế tại Bà Rịa -Vũng Tàu để học hỏi kinh nghiệm. Xã đã tiến hành quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn với diện tích 50 ha ở các ấp 1, 2, 3, 5, 6 và đã có 222 hộ nông dân tham gia. Ngoài ra, còn tổ chức đưa các hộ nông dân đi tập huấn mô hình kỹ thuật rau an toàn, VietGAP.

Phó Trưởng phòng NN và PTNT huyện Huỳnh Hữu Hòa cho biết: Qua kiểm tra bước đầu, các xã đã thực hiện tốt việc quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh rau phù hợp định hướng phát triển của huyện. Ðáng chú ý, các xã chú trọng việc vận động, tập huấn nông dân sản xuất rau theo hướng an toàn, GAP, thành lập các tổ sản xuất. Và khi các mô hình điểm đạt kết quả tốt, huyện sẽ nhân rộng, tiến đến hình thành vùng chuyên sản xuất rau an toàn làm cơ sở để đề nghị ngành chức năng chứng nhận vùng sản xuất rau an toàn cho từng loại rau, đồng thời phối hợp các ngành chức năng xây dựng thương hiệu và tiến đến sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP. Vấn đề hiện nay là huyện rất cần sự hỗ trợ của tỉnh về việc thành lập Trung tâm Kiểm định, chọn lựa sản xuất giống để hỗ trợ nông dân trong việc nâng cao chất lượng giống, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư liên kết hợp tác chế biến từ các loại rau nhằm tăng thêm giá trị thu nhập của nông dân cũng như giữ vững diện tích cây rau của huyện phát triển một cách ổn định, lâu dài.

TẤN VŨ
Nguồn:nhandan.com.vn