Phú Thọ: Muôn vẻ cách làm giàu của những “nữ triệu phú”

Phú Thọ: Muôn vẻ cách làm giàu của những “nữ triệu phú”
Từ những người nông dân chân lấm tay bùn, quanh năm suốt tháng chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng nhờ ý trí, dám nghĩ, dám làm mà những bông hoa trên quê hương đất Tổ (Phú Thọ) đã đưa cả gia đình thoát nghèo bền vững.


Trên con đường nhựa trải dài, uốn lượn quanh đường làng, dẫn chúng tôi đến gia đình chị Lương Thị Thảo, huyện Lâm Thao, một trong những “nữ đại gia” có thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm nhờ vào làm trang trại tổng hợp to nhất nhì xã.


Chị Thảo cho biết: ”Muốn làm giàu mà chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và nuôi răm ba con gà, con lợn thì không bao giờ khá lên được chứ chưa giám nói là giàu có”. Với ý nghĩ đó, chị Thảo đã mạnh dạn cải tạo hơn 6.000m2 đất bạc màu, kém hiệu quả để chuyển sang làm kinh tế trang trại.


Trang trại của chị Thảo khá khang trang, được sắp xếp bên trên là những dãy nhà nuôi lợn, bên dưới là ao thả cá, xen kẽ là những hàng cây có giá trị kinh tế cao. Năm 2002, huyện Lâm Thao triển khai dự án chăn nuôi lợn xuất khẩu, chị bàn với chồng mạnh dạn vay vốn ngân hàng 200 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua 30 con lợn nái ngoại về nuôi theo hướng công nghiệp. Nhờ học hỏi kinh nghiệm qua các lớp tập huấn và các loại sách hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, qua đó áp dụng ngay vào việc xây dựng hệ thống chuồng trại liên hoàn, đều được tự động hóa nhằm giảm tối đa chi phí công lao động; đảm bảo vệ sinh môi trường sạch sẽ. Đàn lợn của gia đình rất chóng lớn, tỷ lệ nạc đạt cao, được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ ổn định.


Ngoài việc chăn nuôi lợn, chị Thảo còn cải tạo và quy hoạch lại diện tích đất vườn hiện có, trồng 500m2 sắn dây, 100 gốc măng Bát độ và đào 600m2 ao để thả cá. Chị Thảo cho biết, với cách làm này, lá sắn dây và vỏ măng chị dùng để làm thức ăn cho cá và làm bóng mát cho hệ thống chuồng nuôi lợn. Đối với nuôi cá, khâu quan trọng nhất vẫn là chọn cá giống. Ao nuôi cá cũng phải vệ sinh thường xuyên. Khi thả cá cũng phải điều chỉnh mật độ nuôi và khoảng cách giữa các lần nuôi sao cho vừa phải, phù hợp với ao… Như vậy, cá sẽ nhanh lớn, không bị chết do ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh. Theo tính toán của chị Thảo, tổng thu nhập mỗi năm đạt từ 600 đến 900 triệu đồng, trừ chi chí gia đình chị Thảo thu lãi trên 200 triệu đồng/năm.


Ở huyện vùng cao Yên Lập, chị Nguyễn Thị Hà cũng là một gương phụ nữ làm kinh tế giỏi của xã Ngọc Đồng với mức thu nhập 100 triệu đồng/năm từ 10 ha rừng trồng cây lấy gỗ và 1,5 ha trồng chè. Chị Hà cho biết: từ nguồn vốn ít ỏi ban đầu, chị đã vay mượn thêm và cải tạo vườn tạp, thuê thêm đất rừng của xã để khai phá đất trống đồi núi trọc, trồng thêm chè… dần dần mở mang khai phá đất trồng rừng trên diện tích 10 ha.

 

Sau thời gian dài lao động vất vả, “đất không phụ công người vun đắp”, rừng của chị Hà trồng tới đâu là lên xanh tốt tới đó. Ngoài trồng rừng, trồng chè, chị Hà còn đầu tư các thiết bị máy móc như: Máy cắt chè, máy đốn chè, mua ô tô để vận chuyển hàng hóa... Hàng năm, trừ chi phí, gia đình chị thu lãi 100 triệu đồng, chưa kể thu nhập từ chăn nuôi gia súc, gia cầm…


Ngoài hộ chị Thảo ở Lâm Thao, chị Hà ở Yên Lập, Phú Thọ còn có hàng nghìn “nữ triệu phú” cũng làm giàu từ việc phát triển rừng, phát triển kinh tế trang trại tổng hợp với thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương ở mỗi mô hình kinh tế.

 

Theo khuyennongvn.gov.vn