Quảng Ngãi: Mô hình nuôi tôm hùm lồng đạt hiệu quả kinh tế cao
- Thứ tư - 12/12/2012 08:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mô hình được bắt đầu triển khai từ đầu tháng 4/2012. Với qui mô là 15 m2/lồng. Đối tượng thả nuôi là tôm hùm bông (Panulirus ornatus). Nguồn tôm giống thu gom từ con giống đánh bắt tự nhiên tại vùng biển Quảng Ngãi. Tổng số tôm giống là 150 con, kích cỡ bình quân là 125g/con, mật độ thả nuôi 10 con/m2 lồng.
Hộ tham gia thực hiện mô hình được hỗ trợ 100% chi phí về con giống và 30% chi phí về thức ăn và thuốc; đồng thời trước khi nuôi, hộ được hướng dẫn kỹ thuật cơ bản về nuôi tôm hùm trong lồng trên biển như cách làm lồng, lắp đặt hệ thống cho tôm ăn, quản lý chăm sóc và phòng trị bệnh cho tôm.
Nhờ thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật, thời tiết năm nay cũng rất thuận lợi nên tôm sinh trưởng và phát triển tốt, không bị dịch bệnh. Sau 8 tháng thả nuôi, tôm đạt trọng lượng bình quân 904 g/con. Sản lượng thu được 125 kg. Do giá tôm vào dịp cuối năm tăng mạnh dao động từ 1.800.000-1.900.000 đồng/kg (tăng bình quân so với 2-3 tháng trước đó từ 800.000-900.000 đồng/kg) nên lợi nhuận mang lại của mô hình đạt ở mức cao trên 85 triệu đồng.
Ông Đỗ Văn Được – chủ mô hình tâm sự, năm nay nhờ sự hỗ trợ một phần kinh phí của nhà nước, ông đã mạnh dạn làm lồng để thả nuôi tôm hùm thương phẩm. Giá tôm thịt đã tăng cách đây 2-3 tháng nhưng cũng không cao như giá tôm như hiện nay. Nếu không thực hiện mô hình thì ông đã bán vào thời điểm đó vì ông sợ giá sẽ giảm trở lại. Tuy nhiên, do làm mô hình trình diễn nên ông phải tuân thủ đúng thời gian như phương án đề ra, cũng may càng về cuối năm giá tôm ngày càng tăng cao nên ông đã trúng giá. Ông mong muốn trong thời gian tới ngành thuỷ sản tiếp tục đầu tư kinh phí xây dựng nhiều mô hình nuôi thuỷ đặc sản có giá trị kinh tế tại địa phương để tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Qua theo dõi, đánh giá việc thực hiện các mô hình nuôi tôm hùm lồng trên biển tại Quảng Ngãi trong trong những năm vừa qua, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Ngãi nhận định, tôm hùm bông là một trong những đối tượng nuôi có khả năng thích nghi tốt với điều kiện thời tiết, môi trường biển tại Quảng Ngãi. Tôm hùm bông có tính ưu việt trội hơn so với các loài tôm khác như: Mau lớn, thịt ngon, thị trường ưa chuộng, đầu ra dễ dàng, hiệu quả kinh tế mang lại cho người nuôi thường đạt ở mức cao. Nhưng do nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn, mặt khác thời gian nuôi lại kéo dài 8-9 tháng, dễ bị rủi ro bởi thời tiết nên người dân chưa mạnh dạn bỏ vốn. Tuy nhiên lợi thế về nguồn thức ăn tươi dồi dào sẵn có và nguồn lao động nhàn rỗi tại địa phương thì rất thuận lợi để phát triển nghề này.
Để nuôi thành công đòi hỏi người nuôi phải tuân thủ đúng qui trình kỹ thuật, trong đó công tác phòng bệnh phải đưa lên vị trí hàng đầu, chú tuyển chọn tôm giống đều cỡ và khoẻ mạnh để thả nuôi, thức ăn cho tôm ăn phải là thức ăn tươi sống giàu chất dinh dưỡng. Do thời gian nuôi kéo dài nên người nuôi phải có kế hoạch dự trữ thức ăn khi biển động. Thiết kế lồng nuôi theo kiểu lồng chìm là phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu tại Quảng Ngãi. Mật độ thả nuôi đối với tôm hùm bông kích cỡ: 50-100g/con từ 7-10 con/m2 khi tôm đạt kích cỡ 500-600g/con nên san thưa với mật độ: 4-5 con/m2 thuận lợi cho việc quản lý, chăm sóc. Để tránh rủi ro trong mùa mưa bão thì cần có kế hoạch thả nuôi sớm bắt đầu từ tháng 01-02 âm lịch.
Thành công bước đầu của mô hình cũng là tiền đề để những người dân Phổ Thạnh, Đức Phổ nói riêng, ở một số vùng ven biển Quảng Ngãi nói chung, tiếp tục và phát huy được tiềm năng sẵn có tại địa phương để nhân rộng mô hình trong những năm tiếp theo. Với giá tôm thịt ổn định và ở mức cao như hiện nay, hy vọng sẽ thúc đẩy nghề nuôi tôm hùm lồng trên biển ngày càng phát triển mạnh hơn nữa./.
Nguyễn Ngọc Tài – TTKNKN Quảng Ngãi |