Rong ruổi theo mật ngọt của đời…

Rong ruổi theo mật ngọt của đời…
Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa hoa là những người thợ nuôi ong lại di chuyển đàn ong của mình rong ruổi qua hàng trăm cánh rừng, bất kể mưa hay nắng, ngày hay đêm. Cuộc sống thường nhật của họ chẳng khác gì những con ong du mục, luôn cần mẫn, lặng lẽ dâng cho đời hương thơm mật ngọt, thứ quà tặng tinh khiết nhất của tự nhiên...

Đời du mục

Trên Tỉnh lộ 746 chạy dài hun hút dưới những tán cao su xanh ngát đang mùa thay lá ở Tân Uyên (Bình Dương), chúng tôi gặp rất nhiều cầu ong đặt rải rác bên đường, dưới những gốc cao su thẳng đều tăm tắp. Anh Phan Văn Kiên, người nuôi ong lâu năm cho biết: “Dịp đầu năm thường được coi là mùa của hàng trăm loài hoa đua nở nên cũng là thời cơ tuyệt vời đối với cánh nuôi ong chuyên nghiệp. Từ những bông hoa dại, vườn cây ăn trái cho tới những chùm hoa cao su li ti đều là nguồn thức ăn ngọt ngào của ong”. 

Kể về quãng thời gian hơn 15 năm gắn bó với nghề, anh Kiên cười lặng lẽ: “Quê tôi ở tận Hưng Yên, hồi trẻ từng làm công nhân chở ong của một doanh nghiệp, sau đó tự bỏ tiền ra mua giống ong (nhập về từ Italia) rồi tách ra làm riêng. Nghề này gian khổ lắm, chẳng khác nào dân du mục. Có năm, đoàn chúng tôi gồm 4 người, đều là anh em cùng quê phải di chuyển đàn ong qua tới mười mấy tỉnh, khắp Bắc - Trung - Nam, chiều dài mấy ngàn cây số để tìm hoa cho ong hút mật. Thông thường, mỗi tháng đàn ong trú ở một tỉnh, rồi lại rong ruổi từ huyện này sang huyện khác. Như hồi cuối tháng trước, bọn tôi còn ở Vĩnh Cửu (Đồng Nai), tới đây, sau khi hết mùa hoa cao su ở Tân Uyên thì lại ngược lên mạn Bình Phước, rồi vòng qua Đắk Nông, Lâm Đồng, Kon Tum… để đón mùa hoa càphê.

Vừa quan sát hơn 200 cầu ong đóng bằng gỗ của gia đình anh Kiên, chúng tôi vừa lắng tai nghe những tiếng ong thợ bay vo ve trên bầu trời xanh màu lá và lấp lánh màu nắng vàng như rót mật. Những cánh ong ấy, theo “lệnh” của ong chúa, đã bay đi khắp nơi tìm hoa thơm để hút lấy tinh chất của trời đất, núi rừng, rồi lại cần mẫn mang những giọt mật ngọt nhỏ bé về tổ, để từ đó, những người như anh Kiên sẽ chế biến thành mật ong, thành phấn hoa, sữa ong chúa… 

Nghề gian nan…

Tạm biệt anh Kiên, chúng tôi gặp anh Trần Tuấn Vinh, một chủ nuôi ong ở Chơn Thành (Bình Phước). Anh Vinh tâm sự: Nuôi ong là nghề gian nan và khá nhiều bất trắc, nhưng hễ cái nghiệp đã gắn vào rồi thì khó bỏ. Mấy tháng đầu năm, vùng nào cũng có nhiều hoa nên chúng tôi phải tính toán sao cho hợp lý để đàn ong có thể sản xuất được nhiều mật nhất. Ngoài việc ngày ngày chăm sóc, di chuyển và quan sát đàn ong nhả mật, chúng tôi còn phải theo dõi thời tiết, quan sát khu vườn đặt cầu ong. Nếu chẳng may nơi đó người dân vừa phun thuốc bảo vệ thực vật mà đưa ong vào thì coi như mất hết. 

“Năm ngoái, tôi và mấy anh em đưa ong tới vùng Dầu Tiếng (Bình Dương) đặt cầu. Mới được nửa ngày thì thấy ong chết lác đác, đoán có chuyện chẳng lành bèn thu hết đàn ong lại. Tuy nhiên, nhiều ong đã đậu hoa nên không cứu hết được, thiệt hại mấy chục triệu đồng. Hiện, ở miền Đông đang là mùa nắng, không có mưa nên thuốc bảo vệ thực vật lâu tan, có khi phun cả tuần nhưng ong ăn phải vẫn chết như thường. Vì thế, việc tìm hiểu vùng hoa trước khi đặt cầu ong là vô cùng quan trọng, quyết định đến sự thành bại của cả mùa nuôi ong”, anh Vinh cho biết.

Giống như đàn ong, cuộc sống của những người nuôi ong cũng luôn phải di chuyển nhiều, không bao giờ dừng chân ở đâu quá 2 tháng. Do đó, nơi ở của họ, ngoài một chiếc bạt được dựng sơ sài để tránh mưa gió, thú hoang, chỉ có chiếc giường tạm bợ với mấy cái chăn mỏng, mấy chiếc nồi, bát đũa để nấu ăn. Mà việc nấu ăn cũng phải kín đáo, bởi nếu gặp khói, đàn ong có thể vỡ đàn bay mất. Thú vui duy nhất của người nuôi ong du mục mà chúng tôi tiếp xúc chỉ là chiếc radio cũ kỹ để nghe tin tức, ca nhạc vào lúc rảnh rỗi…

Công việc chăm sóc ong đã vô cùng tỉ mỉ, công phu, nhưng quá trình lấy mật còn kỳ công hơn, đó cũng gần như là công đoạn cuối cùng trước khi người nuôi ong có thể thu về thành quả lao động của mình. Theo đó, trung bình mỗi cầu ong nếu có đủ hoa thì khoảng 30 ngày là thu hoạch mật. Khi lấy mật, cần phải làm thật nhanh nên những người nuôi ong thường phải thuê thêm nhân công để việc lấy mật không làm ảnh hưởng đến quá trình làm việc của đàn ong. Nghĩa là khi chúng bắt đầu bay đi tìm hoa, người ta sẽ phải quay mật, để khi chúng trở về, những cầu ong vẫn là ngôi nhà bình yên, tránh trường hợp ong bị vỡ đàn do lấy mật chậm. 

Hiện, giá mật ong rừng trên thị trường dao động từ 60.000 - 80.000 đồng/lít. Với mức giá này, một cầu ong người nuôi có thể thu về vài trăm ngàn đồng tiền lời. 

Chúng tôi chia tay những người nuôi ong du mục khi những giọt mật vàng ươm sóng sánh đã được cho vào những chiếc bình chắc chắn để mang đi tiêu thụ, trong khi trên ngọn cây cao vút, những chú ong thợ sau một vòng đi tìm hương hoa cũng chuẩn bị trở về ngôi nhà thân thuộc của mình. Nhìn những người nuôi ong đang tất tả thu xếp đồ đạc, gói ghém hành lý để chuẩn bị cho những chuyến đi băng rừng vượt suối sắp tới, chúng tôi bỗng thấy nghẹn ngào, bởi nhờ sự chăm chỉ, siêng năng của họ, cuộc đời này mới có những giọt mật thơm ngon ngào ngạt không gì sánh được…

Đại Trí
Theo:kinhtenongthon.com.vn