Sỏi đá cũng thành... hoa

Sỏi đá cũng thành... hoa
Trong bài thơ "Bài ca vỡ đất", Hoàng Trung Thông đã có hai câu rất hay: "Bàn tay ta làm nên tất cả. Có sức người sỏi đá cũng thành cơm". Tất nhiên ta hiểu chữ "cơm" trong câu này là chỉ sản phẩm nông nghiệp tạo nên từ đất.

Ngày 29/5/2012 vừa qua tôi được tận mắt chứng kiến một thành quả lao động hết sức đáng khâm phục tại một vùng đồi núi thuộc xã Liên Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang (cách Hà Nội khoảng 70 km). Có thể coi đây như một "kỷ lục" ít ai hình dung nổi và có ý nghĩa kinh tế, xã hội thật sự lớn lao.

Tác giả của công trình này là anh Hồ Việt Hoa, 50 tuổi, quê ở làng Nhật Tân, xứ sở hoa đào nổi tiếng ở Hà Nội. Kinh tế thị trường đã biến làng đào Nhật Tân thành một khu toàn biệt thự sang trọng gần Hồ Tây và người trồng đào phải phiêu dạt ra ngoài đê sông Hồng.


Trang trại của anh Hoa

Anh Hoa cho biết cái làng ngoài đê này trong tương lai cũng sẽ biến mất vì hiện nay trên diện tích này chỉ cần làm nhà cấp 4 cho dân ngụ cư thuê cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng hoa đào. Nghề trồng hoa đào để phục vụ Tết Nguyên đán đã phát tán ra nhiều tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng vì đây là một nghề gia truyền nên khó ai học hết được kỹ thuật của các nghệ nhân trồng hoa đào lâu năm ở Nhật Tân.

Với quyết tâm giữ lại nghề truyền thống đáng quý này, nhân cơ hội sốt đất, anh Hoa đã bán nhà và đất của anh và di cư lên vùng trung du Bắc Giang. Anh mua một khu đồi cao với diện tích 4 ha và đang tiếp tục mở rộng hơn nữa. Anh làm túp lều để ở giữa vùng cây cối hoang tàn, rậm rạp.

Anh kể, có sáng ngủ dậy thấy rắn nằm ngay dưới gầm giường. Chỉ một mình anh, sự nghiệp cải tạo bắt đầu với 1 tỷ đồng bỏ ra để thuê nhân công san bằng mọi cây cối, đào ao, làm đất xây nhà... Mới chỉ có 1 năm rưỡi đã làm khu đồi hoang vắng này thành một "thiên đường" mà nếu các bạn lên tham quan chắc chỉ muốn ở lại thêm nhiều ngày để nghỉ ngơi, thư giãn.

Một quang cảnh không thể nào hình dung nổi của một biệt thự khang trang nằm giữa một vườn đào với 2.000 gốc đủ loại: đào bích, đào phai, đào ta, đào bạch, đào Mông Tự, đào Lòng chai, đào Thất thốn... Có những cây mọc xum xuê để sau này lấy cành nhân giống và nếu Tết tới ai muốn mua hay thuê để đặt ngoài vườn cũng được. Phần lớn là các cây trồng để bán trong dịp Tết sắp tới. Để tưới đào anh đã cất công làm một ao thả cá (trắm cỏ, trắm đen, chép, mè, vược, rô ta, rô Phi...).

Với mong ước đây còn là một khu du lịch anh đã cất công xây lên giữa hồ một đôi rồng phun nước thật vô cùng ngoạn mục. Giữa các gốc đào là kê (để nuôi chim yến) và bí ngô (để nuôi nhím). Ngoài ra trên vùng đất cao còn cơ man nào là vải và đang bắt đầu chín đỏ, trông thật đẹp mắt. Anh còn trồng rất nhiều rau để phục vụ cái trại chăn nuôi kỳ thú của anh.

Trại được xây dựng như của một viện nghiên cứu với bao nhiêu là các loài động vật quý hiếm. Ta thấy ở đây gà 9 cựa, gà rừng, gà lôi, sóc, nhím... Trên thềm nhà là các lồng chim quý. Nào là họa mi, khiếu, gáy, chích chòe, chào mào cùng nhiều loại yến. Chim hót vang cả ngày thật vui tai. Anh bắt đầu nuôi sinh sản các loài chim yến (hoàng yến, thanh yến, hồng yến, bạch yến...) với thức ăn chủ yếu là kê. Anh còn có vườn ươm các loại hoa như hoa đồng tiền kép, hoa huệ, hoa hồng, violet... Đặc biệt là anh đang gây giống 4.000 gốc Thiết mộc lan với một lợi nhuận sẽ thật lớn khi gốc đâm ra các lớp lá xanh biếc và chịu râm (để làm cảnh trong và ngoài nhà).

Căn biệt thự của anh tuy chỉ vừa khánh thành sau 1 năm vất vả dựng một móng kiên cố bên đồi dốc là cả một công trình kiến trúc tự sáng tác mà lại thật đẹp. Có một sân rộng, có lưới che sáng để ươm trồng hàng trăm giò phong lan rừng đang bắt đầu nở hoa. Anh nói chưa nơi nào ở nước ta thành công với phong lan nuôi cấy mô (!), nên toàn phải nhập từ Thái Lan và Vân Nam (Trung Quốc).

Những cây này sau một đợt ra hoa thường rất khó nuôi và nếu nuôi được cũng cho hoa rất nhỏ. Anh đã tận dụng các gốc vải mà người dân chặt bỏ (vì đầu ra quá rẻ vào chính vụ - chỉ hơn 1 tháng thôi) để gây trồng phong lan. Anh cho biết nếu dùng các loại gỗ chóng mục như nhiều người lầm tưởng sẽ dẫn đến thất bại (!).

Anh có đủ mọi tiện nghi trong ngôi nhà của mình với một đường điện tự mắc riêng vào nhà, một chảo ăng ten lắp trên gác và một con đường hai bên là đào và mơ hy vọng sẽ khép tán trong tương lai để tạo ra một lối đi cực kỳ nên thơ. Con đường dẫn đến trang trại này do anh bỏ công sức tự xây dựng, cùng lúc với 1 bức tường bằng gạch ba-banh (anh gọi là Cay) dài hơn 1km bao quanh trang trại.

Anh có một phòng khách với bộ bàn ghế bằng gỗ quý mà tôi chưa nhìn thấy ở đâu có, các thiết bị vô tuyến truyền hình và âm nhạc điện tử thật tối tân, bên cạnh một bàn thờ bố mẹ rất trang nghiêm. Anh có một tư duy tâm linh rất lạ. Vì thương nhớ người mẹ già mới khuất bóng (bố anh đã mất từ lâu) anh làm riêng một phòng lưu niệm mẹ với một tủ đựng quần áo và đồ dùng của mẹ, những bức chân dung có đính trang sức thật bằng vàng, chăn gối cũ và thật ngạc nhiên là một màn hình vô tuyến mà anh nói tối nào cũng bật để...mẹ xem (!).

Còn phải kể thêm một miếu thờ tốn hàng trăm triệu đồng với bức tranh cổ truyền thống của làng hoa Nhật Tân mà anh được phép lưu giữ. Phòng ngủ của anh thật đẹp nhưng để lại trong tôi một câu hỏi không sao trả lời nổi: Anh vẫn chỉ sống một mình với đúng nghĩa... một trai tân (!). Tôi đưa ra thắc mắc này và được anh cười hồn nhiên: "GS giới thiệu đi, nhưng nhất định phải... đẹp và ngoài 30 tuổi nhé!". Tôi thì chịu rồi, chắc phải nhờ đến bà con ở huyện Tân Yên tìm giúp hộ.

Tôi ngỏ ý mời bà con nông dân quen biết lên thăm ngay trong vụ vải rất ngon này để ngắm trang trại hoa đào của anh. Anh vui vẻ nhận lời và bảo: "Bao nhiêu bạn của GS xin cứ mời tất lên đây. Nhớ báo trước cho tôi qua điện thoại số 0168246 1458 nhé!" .

Thật vui khi biết chính quyền xã nơi đây rất ủng hộ anh và bắt đầu nhờ anh bắt tay giúp đỡ để cả vùng này sẽ là vườn đào Nhật Tân mới trong một tương lai không xa.

Phải chăng nông thôn mới sẽ là các khu dân cư di chuyển lên đồi để có nhiều hơn đất lúa (đã bị nhẫn tâm san phẳng trong những năm qua ven rất nhiều quốc lộ, tỉnh lộ... để xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất, sân golf...). Đây là những đất có cấu tượng mà vi sinh vật phải qua hàng trăm năm mới tạo ra được chất mùn để gắn kết các hòn đất lại, tạo ra những khe nhỏ chứa không khí, nước, và thức ăn cho cây trồng. Không nước nào họ sử dụng phí phạm như vậy đối với các loại đất có độ phì nhiêu cao chuyên dùng để thâm canh nông nghiệp.

Mời các bạn hãy dành kỳ nghỉ cuối tuần để lên thăm một mô hình chỉ mới xuất hiện sau 1 năm rưỡi cần cù lao động và sáng tạo của chàng trai tân Hà Nội có tên là Hồ Việt Hoa.