Sống lại nghề trồng nấm ở Khánh Lộc
- Thứ sáu - 20/01/2017 08:38
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Hồ Sỹ Quang - Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng nấm Thuận Thăng (Khánh Lộc) bên những bịch nấm sò đang mùa thu hoạch
Khánh Lộc là xã thuần nông với diện tích trồng lúa trên 300 ha nên phụ phẩm sau thu hoạch khá lớn. 50% rơm, rạ dùng làm thức ăn cho gia súc, số còn lại đem đốt gây ô nhiễm môi trường. Phụ phẩm này lại là nguyên liệu chính để sản xuất nấm rơm. Bên cạnh đó, có nhiều yếu tố để thúc đẩy việc khôi phục nghề trồng nấm như: dễ trồng, ít dịch bệnh, lại cho giá trị kinh tế cao; hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ, gần chợ Đồng Lộc, chợ Nghèn nên việc đi lại, giao thương hàng hóa rất thuận tiện; đặc biệt là có thể khai thác hiệu quả nguồn lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Trồng nấm không còn là nghề xa lạ ở Khánh Lộc, bởi những năm trước, trên địa bàn đã có một HTX với hàng chục xã viên chuyên sản xuất sản phẩm này. Thế nhưng, sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, HTX dần tan rã. Nắm bắt khó khăn của người dân, đồng thời quyết tâm làm “sống” lại nghề trồng nấm, tháng 9/2016, SRDP triển khai thực hiện dự án “Đầu tư hệ thống phun sương tạo độ ẩm phát triển mô hình sản xuất nấm” tại thôn Thuận Thăng, xã Khánh Lộc với tổng số vốn đầu tư 230 triệu đồng (SRDP đảm nhận 115 triệu đồng, số còn lại do các thành viên tổ hợp tác đóng góp).
Dù mới đưa vào trồng hơn 3 tháng nhưng 3.800 bịch nấm bước đầu đã cho thu hoạch 8 tạ nấm sò, khoảng 6 tạ mộc nhĩ. “Lẽ ra, dự án sẽ triển khai trồng nấm rơm vì SRDP đã trang bị kỹ thuật thông qua các buổi tập huấn. Tuy nhiên, trồng mộc nhĩ và nấm sò trước là bước đi thận trọng của các thành viên. Sắp tới, các thành viên sẽ tự cắt ủ rơm để trồng nấm rơm” - cán bộ dự án SRDP phụ trách huyện Can Lộc Dương Thị Thương cho biết. Theo chị Bùi Thị Hà Phương - thành viên tổ hợp tác: “Bình quân hàng tháng, mỗi người thu nhập 2 triệu đồng từ trồng nấm nên rất yên tâm. Thị trường ổn định nên khi trồng thêm nấm rơm, chắc chắn thu nhập sẽ tăng”.
Từ chỗ 7 thành viên ban đầu, nay “mái nhà chung” tổ hợp tác đã nâng lên 19 người. Ngoài số tài sản ít ỏi ban đầu, tổ hợp tác còn có thêm nhà xưởng trồng nấm của các thành viên mới - những đối tượng rất “đặc biệt”. Họ là những người khuyết tật từng tham gia Tổ hợp tác Mây tre đan Khánh Lộc.
Cán bộ dự án SRDP và ông Hồ Sỹ Quang - Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng nấm Thuận Thăng (Khánh Lộc - Can Lộc) kiểm tra chất lượng mộc nhĩ.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Khánh Lộc Nguyễn Xuân Nhân cho rằng: “Tất cả các thành viên đều có khiếm khuyết về sức khỏe, trí tuệ, về mắt nên khi huyện tìm được đối tác phát triển nghề mây tre, sau đó là chổi đót, xã rất ủng hộ và khuyến khích. Đáng tiếc là chỉ sau khoảng 2 năm các dự án khép lại, người khuyết tật cũng không có cơ hội”. Vì vậy, “khi dự án trồng nấm được triển khai và có nhu cầu mở rộng, tất cả các thành viên rất phấn khởi.
“Chồng tôi - anh Trần Hữu Tuân hưởng trợ cấp người tàn tật. Khả năng nhận thức cũng rất hạn chế, không biết chữ, ai nói gì làm nấy. Do đó, khi dự án trồng nấm được triển khai, cả gia đình đều vui” - chị Bùi Thị Minh - vợ anh Tuân cho biết.
Cùng chung tâm trạng này còn có ông Quý, ông Phúc… Theo tính toán, tới đây, các thành viên sẽ tiến hành trồng thêm nấm rơm, nhập thêm nấm sò, mộc nhĩ. Lợi nhuận cũng sẽ được chia đều. Sự hợp tác giữa hộ nghèo, người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn nhưng chắc chắn sẽ bền chặt. Giữa họ có sự cảm thông, chia sẻ với nhau. Đặc biệt, điều quan trọng là họ có sự đồng hành, hỗ trợ thiết thực của SRDP.
Theo Hoài Nam/baohatinh.vn