TP.HCM: Phát triển lan ôn đới

TP.HCM: Phát triển lan ôn đới
Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú – Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Củ Chi (TP.HCM) cho biết, trong năm 2012, nông dân trong huyện đã sử dụng hơn 200.000 gốc lan hồ điệp để nhân giống, phát triển.

 

Đây là giống lan ôn đới, chỉ phát triển được ở vùng có khí hậu mát mẻ, ôn đới, do đó, để giống lan này phát triển được tại Củ Chi, bà con nông dân đã sử dụng chất thải từ chăn nuôi xử lý biogas, lấy năng lượng làm lạnh vườn trồng. Đến nay, số giống lan hồ điệp này phát triển tốt, bắt đầu cho hoa.

Lan hồ điệp chỉ thích hợp với khí hậu ôn đới.

Ông Phú cho biết, việc phát triển được giống lan hồ điệp ôn đới sẽ giúp phong phú hóa các giống lan tại địa phương, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, cũng theo ông Phú, trong thời gian gần đây, do thiếu giống chất lượng cao, bà con phải tự nhân giống khiến giống lan có dấu hiệu thoái hóa, làm giảm chất lượng hoa so với trước.

“Nếu trước đây, một cành Monkara có thể cho hơn 20 bông thì giờ chỉ còn khoảng 12, 13 bông. Hơn nữa, bông hiện nay nhỏ hơn trước, màu sắc cũng không rực rỡ bằng”- ông Phú giải thích.

TP.HCM hiện có khoảng hơn 200ha trồng lan các loại, tập trung tại các quận, huyện như Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức. Tuy nhiên, do sản lượng lớn, thị trường tiêu thụ không ổn định khiến giá lan thời gian gần đây xuống rất thấp, nhiều hộ gia đình phải cắt cành bán lẻ, mong lấy lại vốn.