Tăng thu nhập nhờ luân canh lúa-đậu nành

Tăng thu nhập nhờ luân canh lúa-đậu nành
Gần đây, ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã phát triển mô hình luân canh lúa - đậu nành, không chỉ đa dạng hóa cây trồng, giúp giảm sâu bệnh, mà còn tăng thêm được thu nhập cho người nông dân.

 

Nhu cầu lớn, sản xuất còn nhỏ

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), trước năm 2010, đậu nành được trồng tại 28 tỉnh, thành cả nước, trong đó riêng miền Bắc chiếm 80% diện tích. Tuy nhiên, từ cuối năm 2010 và những tháng đầu năm 2011, diện tích trồng bị thu hẹp. Năm 2012, diện tích đậu nành cũng chỉ đạt xấp xỉ 121.000ha, giảm hơn 60.300ha. Sản lượng đậu nành do đó chỉ còn khoảng 175.200 tấn, giảm gần 92.000 tấn so với năm 2011.

Đậu nành trồng trên đất lúa ở Hậu Giang.

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, tổng kim ngạch nhập khẩu đậu nành năm 2012 tăng gần 58% về giá trị. Đây được cho là mặt hàng có tốc độ nhập khẩu tăng cao nhất trong năm qua.

Trong khi đó, thống kê của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, sản xuất đậu nành trong nước hiện tại chỉ mới đáp ứng được 10% nhu cầu. PGS-TS Phạm Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận định, mặc dù nhu cầu tiêu thụ đậu nành trong nước còn rất lớn nhưng diện tích trồng quá nhỏ lẻ, chưa hình thành được vùng nguyên liệu nên chưa có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Việc tiêu thụ đậu nành hiện chỉ thông qua thương lái thu mua nên giá cả bấp bênh, nông dân càng nản chí không muốn mở rộng diện tích.

Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam (VNFA) cho biết, do sản xuất nhỏ lẻ, đậu nành sản xuất trong nước có mức giá bán kém cạnh tranh so với đậu nành nhập khẩu. Cụ thể như đậu nành sản xuất trong nước hiện có giá 15.000 đồng/kg trong khi giá đậu nành nhập khẩu chỉ khoảng từ 12.000 - 13.000 đồng/kg, gây khó khăn cho việc tiêu thụ đậu nành trong nước.

Có thể thu lợi 15,6 triệu đồng/ha

So với miền Bắc, trồng đậu nành ở ĐBSCL đạt năng suất cao hơn, ở mức xấp xỉ 22 tạ/ha, miền Bắc chỉ đạt khoảng 14,5 tạ/ha. Việc luân canh lúa - đậu nành ỏ ĐBSCL vừa giúp hạn chế được dòng đời sâu bệnh phát triển, vừa góp phần làm cho đất thêm màu mỡ, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho cả lúa. Ngoài ra, đậu nành còn giúp cho nông dân tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống và hỗ trợ phát triển cho ngành chăn nuôi, thủy sản trong việc ổn định nguồn nguyên liệu để chế biến thức ăn.

Hiện tại, cây đậu nành được trồng tập trung tại các tỉnh như Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng. Xét về cơ cấu mùa vụ, cây đậu nành có thể trồng được quanh năm. Nông dân sản xuất theo mô hình 2 lúa 1 màu nên trồng đậu nành vào vụ xuân hè, tiếp ngay sau vụ lúa đông xuân.

PGS-TS Lê Huy Hàm - Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cho biết, trồng đậu nành, nông dân có thể thu lợi trên 15,6 triệu đồng/ha. So với cây lúa, lợi nhuận trồng đậu nành cao hơn khoảng 3 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, đây là cây trồng hay bị nhiễm sâu bệnh, không đầu tư thâm canh thì khó có thể tạo thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, cây đậu nành khó tìm được chỗ đứng vững chắc.

Ngoài ra, cái khó của việc phát triển diện tích, sản lượng đậu nành tại ĐBSCL hiện nay là nguồn giống khó kiểm soát, chủ yếu do người dân tự chuyền tay nhau hoặc được luân chuyển từ vùng khác đến theo mùa trồng, khó kiểm soát được độ thuần và chất lượng hạt giống.

"Trong thời gian tới, để mở rộng diện tích đậu nành, ngoài việc phải hoàn thiện hệ thống cơ giới hóa sản xuất, cần phải xây dựng thêm nhà máy chế biến và thu mua sản phẩm cho nông dân với giá hợp lý, tránh tình trạng doanh nghiệp chỉ mua khô dầu đậu nành, không mua đậu nành hạt, gây khó khăn cho nông dân" - bà Phan Thị Yến Nhi - Giám đốc Sở NNPTNT An Giang đặt vấn đề.



Thuận Hải

Nguồn danviet.vn