Tế Lợi - Thanh Hóa: Mô hình trồng nấm – thoát nghèo cho nông dân

Tế Lợi là một trong những xã thuần nông nghèo của huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa (tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 21%), đời sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn... Phát triển mô hình trồng nấm rơm, nấm sò về xã đã và đang là một trong những liệu pháp tích cực giúp người nông dân từng bước cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.
Mô hình trồng nấm của hộ ông Đồng Văn Dũng
Tìm đến gia đình ông Đồng Văn Dũng (47 tuổi) thôn Hữu Liêm, là một trong những hộ gia đình trồng nấm rơm, nấm sò thành công đầu tiên của cả xã. Ông Dũng chia sẻ, hoàn cảnh gia đình ngày trước hết sức khó khăn, ngoài mấy sào ruộng, gia đình mở thêm xưởng làm gạch nhưng cái nghèo vẫn quẩn quanh, nhất là từ ngày vợ ông bị bệnh, của cải trong nhà cứ đội nón ra đi. Bữa cơm nào cũng chỉ có muối vừng với bát canh rau muống. Mình còn chịu được chứ nhìn lũ trẻ cứ xanh rớt như  dải khoai, mà ứa nước mắt!” –  ông Dũng kể lại.
 
Kể từ khi có cán bộ kỹ thuật về xã triển khai thí điểm mô hình trồng nấm rơm, nấm sò. Qua tìm hiểu, ông nhận thấy đây là mô hình đem lại lợi ích kinh tế cao phù hợp với điều kiện và khả năng kinh tế của gia đình nên mạnh dạn xung phong nhận làm thí điểm. Mọi nguồn rơm rạ của gia đình đều được tận dụng để làm nguyên liệu. Cùng với sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật từ khâu ủ rơm, đóng bịch, cho đến việc giữ nhiệt độ cho nấm... cuối cùng thì "ánh sáng cuối đường hầm” đã le lói trở lại.  "Hiện nay, mỗi ngày tôi thu hoạch từ 30 – 40 kg nấm tươi (với giá 15.000đ/1kg nấm). Với nguồn thu nhập đó gia đình tôi từng bước thoát nghèo, ổn định về kinh tế, con cái được học hành đến nơi đến chốn”. – ông Dũng hồ hởi cho biết thêm.
 
Tìm hiểu thêm từ phía chính quyền địa phương, chúng tôi được biết: Ngoài gia đình ông Dũng còn rất nhiều hộ gia đình khác cũng vươn lên thoát nghèo từ mô hình trồng nấm như gia đình ông Lê Văn Chung, gia đình ông Lê Quang Trường, Thiều Khắc Bảo...
 
Ông Đỗ Khắc Minh, phó chủ tịch UBND xã Tế Lợi cho biết: "Nhận thấy lợi ích kinh tế cao từ cây nấm so với các cây trồng khác, chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm tư vấn chuyển giao KHCN NN và PTNT – Hội giống cây trồng và vật tư Nông nghiệp Thanh Hóa (cơ quan nhận bao tiêu xuất khẩu sản phẩm) tổ chức các lớp học cho tất cả bà con nông dân tiếp cận với kỹ thuật. Ban đầu xã thí điểm ở 10 hộ gia đình, sau đó nhân rộng lên 20 hộ và tiến tới toàn xã. Sắp tới chúng tôi sẽ tiến hành đưa cây nấm ra ngoài đồng ruộng thay thế cho cây hoa màu 1 vụ. Nhờ có mô hình này đời sống của người dân từng bước được cải thiện, bộ mặt nông thôn mới ngày một khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo phấn đấu giảm xuống còn dưới 15% (năm 2013)”.
 
Chung niềm vui với bà con nông dân, ông Đào Xuân Tình – trưởng bộ phận sản xuất và tiêu thụ nấm thuộc Hội giống cây trồng và vật tư tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: Mô hình trồng nấm đã và đang phát triển ở nhiều nơi, sản phẩm từ nấm rất được ưa chuộng trên thị trường cả trong và ngoài nước. Phát triển mô hình trồng nấm với một xã thuần nông nghèo như Tế Lợi là một trong những hướng đi thiết thực nhất cho bà con nông dân nơi đây.
Đình Giang
http://daidoanket.vn