Thạc sĩ khuyết tật 26 tuổi, thu nhập 600 triệu mỗi năm

Thạc sĩ khuyết tật 26 tuổi, thu nhập 600 triệu mỗi năm
Trần Kim Việt sinh năm 1990, sinh ra và lớn lên ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Sinh ra đã bị khuyết tật bẩm sinh do di chứng chất độc da cam, Việt vượt lên số phận, hoàn thành tấm bằng Thạc sĩ Khoa học cây trồng của ĐH Vinh.


Bằng những kiến thức được học và sự năng động vốn có của mình, chàng trai 26 tuổi phát triển Vườn ươm Việt trở thành một địa chỉ tin cậy của các nhà vườn, thu về 600 triệu/ năm, tạo công ăn việc làm cho cả người khuyết tật và các kỹ sư khác.

Thạc sĩ khuyết tật 26 tuổi, thu nhập 600 triệu mỗi năm
Trần Kim Việt, sinh năm 1990, ông chủ vườn ươm 3,5ha với 52 loại cây giống. Ảnh: NVCC

Khi Việt được 3 tháng tuổi, trong một lần trông cháu, bà cố ngoại phát hiện ra một chân cháu không nâng lên được mà chỉ lết. Đi khám, gia đình mới biết em bị teo cơ chân trái, khiến chân trái ngắn hơn chân phải 5cm do ảnh hưởng của chất độc da cam.

Bố mẹ cũng dốc hết tài sản đưa con trai đi chữa trị khắp nơi nhưng không được.

Chấp nhận số phận của mình, từ nhỏ Việt xác định phải học hành đến nơi đến chốn, nỗ lực hết sức mình từ những việc nhỏ nhất.

Em kể, ngày còn đi học, em vừa mở quán bán hàng tạp hóa, vừa nhận sửa xe đạp cho bà con những lúc không phải đến trường.

Không có vốn, em nhờ một người quen là bạn của đại lý đứng ra bảo lãnh cho em nợ tiền hàng, khi nào bán được mới phải trả vốn.

Thời kỳ chiếc máy tính cầm tay Casio Fx500 đang là hàng “hot” của đám học trò nhưng giá khá đắt, em mua lại máy cũ của hiệu cầm đồ, sửa sang rồi bán lại cho các bạn kiếm lời. Thời sinh viên em đi gia sư, bán sách, sửa máy tính… “Máu” doanh nhân và sự năng động của Việt đã được phát lộ từ những ngày ấy.

Năm 2008, Việt bước vào năm thứ nhất ngành nông nghiệp, Trường ĐH Vinh.

Năm thứ 2, em đề xuất với thầy cho làm đề tài nghiên cứu về quy trình gieo ươm cây trầm hương (hay còn gọi là cây gió bầu).

Thời điểm đó, cây gió bầu rất “sốt”, dân đổ xô vào ươm nhưng rất ít người thành công.

“Nếu gieo ươm trên đất thì tỷ lệ phát sinh, phát triển nấm bệnh là khoảng 80%. Cho nên phải chuyển đổi sang gieo ươm trên cát để có độ ẩm cao và khi nhổ cây mầm cũng dễ hơn”.

Sau một năm triển khai, đề tài của Việt thành công: đưa ra một quy trình gieo ươm cây trầm hương chính xác, tỷ lệ đạt cao.

Việt ghi ra các bước quy trình rất đơn giản để người dân có thể thực hiện được, nhiều người kiếm được hàng chục triệu đồng nhờ đề tài của Việt vào thời điểm năm 2009.

Cũng trong năm này, Việt xin học thêm chuyên ngành 2 là Công nghệ thông tin của ĐH Vinh.

Vừa học ở trường, chàng trai sinh năm 1990 vừa thực hiện gieo ươm cây trầm hương ở vườn nhà Hà Tĩnh.

Quãng đường từ trường về nhà khoảng 80km. Mỗi tuần em về 1, 2 lần. “Em rất cảm ơn bố mẹ, gia đình đã là trợ thủ đắc lực của em trong thời gian này, giúp em thực hiện đúng quy trình và ghi chép lại”.

Thạc sĩ khuyết tật 26 tuổi, thu nhập 600 triệu mỗi năm
Việt thường xuyên tham gia các hội thảo, hội chợ để học hỏi kinh nghiệm, giới thiệu sản phẩm của mình ra thị trường. Ảnh: NVCC

Sau khi đề tài thành công, Việt bán lứa gió bầu đầu tiên 5.000 cây, thời điểm đó là 3 ngàn/ cây, thu về 15 triệu đồng – một số tiền rất lớn với Việt khi đó. Trong khi số tiền khởi nghiệp mà Việt bỏ ra chưa đến 500 nghìn.

Em tiếp tục dùng 15 triệu này tái đầu tư. Năm 2010, vườn ươm của Việt bán ra 3 vạn cây, thu về 75-80 triệu đồng. Lúc này Việt vẫn đang là sinh viên năm 3.

Đến năm cuối đại học, nghe bố mẹ ở Hà Tĩnh nói lại, bà con mua cây trầm hương hỏi có cây cam, cây bưởi không, mà mình không có để bán. Em lên mạng tìm hiểu, ra tận Trâu Qùy, Hà Nội để lấy cây về bán cho bà con.

Năm sau đó, Việt cảm thấy không tự tin khi bán giống cây lấy về, không thể đảm bảo cho người dân về chất lượng, em quyết định vào Nam ra Bắc học hỏi kinh nghiệm ươm cây ăn quả.

“Em lên Viện Cây ăn quả ở Trâu Qùy nhờ các cô chú, anh chị hướng dẫn kỹ thuật ghép cây ăn quả, song song với sản xuất cây trầm hương. Năm 2012, em sản xuất hơn 20 vạn cây trầm hương và 2-3 vạn cây ăn quả, được thị trường chấp nhận” – Việt chia sẻ.

Năm 2012, Việt tốt nghiệp đại học. Sau đó, em “xin thầy cho theo thêm 2 năm nữa học lên Thạc sĩ”. Em vừa học vừa làm vườn ở quê. Lúc này, Việt đã nâng diện tích vườn nhà lên 1,5ha.

Hai năm học Thạc sĩ đã giúp em có được những mối quan hệ quý giá cho công việc sau này.

Năm 2014, tốt nghiệp cao học, Việt về quê, phân tích điểm mạnh yếu, thách thức, thuận lợi của mình, từ đó quyết định mở vươn ươm lớn hơn.

Em tự hỏi, tại sao ở quê cũng có nhiều người làm vườn ươm và làm từ rất lâu rồi mà không giàu được.

Thạc sĩ Khoa học cây trồng cũng tự tìm ra câu trả lời cho mình: “Người ta chỉ làm thị trường trong huyện, làm manh mún, nhỏ lẻ, năm nay không được thì năm sau không làm, không bảo hành cây giống cho bà con”.

Thạc sĩ khuyết tật 26 tuổi, thu nhập 600 triệu mỗi năm
Việt nhận giải thưởng Lương Định Của lần thứ 11 - giải thưởng biểu dương những gương mặt thanh niên nông thôn khởi nghiệp. Ảnh: NVCC

Với tất cả kiến thức thu nhận được sau 6 năm học, Việt quyết định phải làm khác, có quy mô và chuyên nghiệp hơn.

Sau vài tháng tốt nghiệp Thạc sĩ, em tự tìm tòi quy trình mở công ty để đáp ứng nhu cầu của khách hàng tốt hơn. Việt mất hơn 1 tháng để hoàn thiện website giới thiệu các loại cây giống mà mình đang có, trong đó có cả những kiến thức về quy trình, kỹ thuật trồng, các loại bệnh thường gặp. Hiện đây cũng là một địa chỉ được sinh viên ngành nông nghiệp ở các trường đại học ghé thăm thường xuyên để lấy thông tin viết đề tài.

Nhờ các mối quan hệ đã tạo lập được, Việt được giới thiệu về các xã, các vườn tư vấn, chuyển giao công nghệ cho bà con, từ đó tạo được uy tín, sự tin tưởng. Khác với những nơi cung cấp nhỏ lẻ, manh mún, Việt thường xuyên tìm hiểu, hỏi han tình hình phát triển của cây giống từ lúc bán cho tới lúc thu hoạch.

Không chỉ thế, em còn là cầu nối giữa người nông dân với các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản. Hiện em đang liên kết với 15 tổ hợp tác trên địa bàn để sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGap nhằm đảm bảo tiêu chuẩn xuất vào các siêu thị lớn.

Hiện tại, vườm ươm của Việt rộng 3,5ha, ươm 52 loại cây giống, trong đó cam Canh, cam Bù, bưởi Phúc Trạch là 3 loại cây tiêu thụ mạnh nhất. 50% khách hàng của Việt là trong địa bàn huyện, tỉnh, còn lại ở khắp các tỉnh Nam Bắc. Doanh thu mỗi năm của vườn ươm lên tới 2,5-3 tỷ, trong đó nguồn thu chủ yếu từ giống cây ăn quả, còn lại là trầm hương, sưa đỏ; lợi thuận thu về khoảng 600 triệu đồng/ năm.

Việt tiết lộ, em vừa mới mua thêm 2ha vườn, đã làm xong đường vào. Dự kiến năm nay sẽ cho xây dựng 3 nhà lưới: một để trồng rau sạch, một để trồng hoa và một nhà trồng cây giống. Ngoài ra, em dự định cho xây một nhà điều hành để người dân và sinh viên thực tập ăn ngủ, làm việc thực tế tại vườn.

200 m2 trồng rau mà Việt dự kiến đã có một chuỗi cửa hàng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Ngoài nguồn xuất này, em cũng đã gửi thư mời, giới thiệu nguồn rau sạch của mình cho các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn huyện và bước đầu nhận được sự ủng hộ của mọi người.

Công ty của Việt hiện đang có 10 lao động thường xuyên, trong đó có 2 người tàn tật, 3 kỹ sư, 10 lao động không thường xuyên.

Thạc sĩ khuyết tật 26 tuổi, thu nhập 600 triệu mỗi năm
Việt và người bạn đời của mình. Ảnh: NVCC

Chia sẻ về gia đình riêng, Việt nói, em rất may mắn tìm được người bạn đời giàu tình thương, biết chia sẻ, cảm thông và có thể vượt qua những dị nghị của người đời để đến với em.

“Bọn em làm đám cưới vào tháng 10 năm 2015 và hiện vợ em đang mang bầu một bé trai 7 tháng tuổi. Kết quả siêu âm dự đoán bé hoàn toàn khỏe mạnh bình thường”.

Có lẽ đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của ông bố trẻ năng động và giàu nghị lực này.

  • Theo Nguyễn Thảo/vietnamnet.vn