Thái Nguyên: Làng hoa đào trên đất thép gang

Thái Nguyên: Làng hoa đào trên đất thép gang
Nghề trồng hoa đào tại phường Cam Giá, TP.Thái Nguyên hình thành từ khoảng hai chục năm trở lại đây. Hiện trong khu vực làng nghề có gần 200 hộ trồng hoa đào với tổng diện tích khoảng 40.800m2. Tháng 3/2012, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra quyết định công nhận Làng nghề Hoa đào Cam Giá, tạo bước chuyển biến mới cho nghề trồng đào tại thành phố thép gang, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân, mở ra hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp. Dự tính, trong dịp Tết Quý Tỵ năm nay, doanh thu của đào Cam Giá đạt khoảng 4 tỷ đồng.


Từ giống đào truyền thống đất Hà Thành


Trước khi được công nhận làng nghề, đào Cam Giá đã được nhiều người ưa chuộng, săn đón từ khoảng chục năm nay vào mỗi dịp Xuân về. Không ít người còn cầu kì gửi hoa về Hà Nội cho người thân như một món quà Tết đầy ý nghĩa.


Không có những thế uốn tỉa quá công phu, đào Cam Giá đẹp bởi vẻ tự nhiên, tươi tắn, đặc biệt là thắm sắc và bền hoa. Thường đào Cam Giá có thể trưng hết tháng Giêng, khi trên cành chi chít quả xanh non xem lẫn những nụ hoa mập mạp, đỏ thẫm, lá lộc vẫn tươi nguyên như vừa được cắt từ vườn.

 

Ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng Ban quản lý Làng nghề Hoa đào Cam Giá, cho biết: "Người trồng đào đầu tiên của làng nghề là cụ Nguyễn Văn Trực, ở tổ 7, phường Cam Giá. Khoảng năm 1983, trong một lần thăm quê tại làng Nhật Tân, cụ Trực có lấy vài cây đào giống Nhật Tân để trồng chơi Tết cho đỡ nhớ quê. Được chăm sóc tốt, lại hợp đất, đào nở đẹp rực rỡ. Những năm sau hàng xóm đăng ký xin cành về trưng Tết, dần dà nhiều người biết tiếng tìm đến mua. Khoảng năm 1990, cụ Trực trồng được 1.000 gốc đào, Tết nào cũng không đủ đào bán nên bà con trong xóm bắt đầu học trồng theo".


Trước đây, đào chủ yếu được trồng xen với nhiều loại cây khác trong vườn, mấy năm nay, do hiệu quả kinh tế vượt trội, người dân trồng đào chuyên canh. Gia đình ông Nguyễn Văn Phương trồng đào được 16 năm, có 2.000m2 đất ruộng, mỗi vụ lãi ròng 250 triệu đồng.

 

Ông Phương chia sẻ thêm: "Trồng đào tuy tỉ mẩn nhưng cây đào cũng là loại cây “dễ tính”. Hiện ở Cam Giá mới có 72 gia đình vào làng nghề, nhưng các vườn đào trải rộng khắp từ tổ 7 đến tổ 22".


Đến hoa đào Thái Nguyên chất lượng cao...


Xác định rõ tiềm năng về một vùng trồng hoa đào hàng hóa chất lượng cao tại Tp. Thái Nguyên, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt dự án xây dựng và chuyển giao một số quy trình kỹ thuật do Viện Nghiên cứu Rau Quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) thực hiện nhằm giúp người dân chủ động trong phát hiện, phòng trừ sâu bệnh, cắt tỉa, tạo tán, khoanh vỏ gốc đào để hạn chế sự sinh trưởng, điều khiển hoa nở vào dịp tết Nguyên Đán, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trồng hoa lên 1,5-2 lần so với hiện nay.


Dự án thực hiện từ tháng 3/2011. Các hộ được hỗ trợ 60% giống hoa và 40% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, được tập huấn kỹ thuật chăm sóc hoa đào và kỹ thuật xử lý ra hoa đúng Tết. Những cây đào ghép khi mang về trồng đã được 6-10 tháng tuổi, nhờ đặc tính thích nghi cao, chịu được thâm canh, sức sống khỏe. Vườn đào dự án của 12 hộ thuộc từ tổ 7 đến tổ 10 có tỷ lệ sống đạt trên 95% năm đầu cho thu hoạch. Tết 2013 dự kiến sẽ cho thu hoạch 85% tổng số gốc đào ghép. Với vốn đầu tư ban đầu và chi phí khấu hao khoảng 1,2 tỷ đồng, năm nay sẽ cho lãi thuần khoảng hơn 600 triệu đồng.


Được công nhận làng nghề, được tỉnh hỗ trợ đầu tư kinh phí và khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, hoa đào Cam Giá có thêm nhiều cơ hội để phô bày nét đẹp vượt trội. Làng nghề đang hướng tới kế hoạch thành lập phiên chợ hoa đào của riêng mình để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và quảng bá thương hiệu. Lợi thế là giao thông thuận lợi, gần trung tâm, quang cảnh đẹp với dòng sông Cầu chảy qua làng và khu công nghiệp Gang thép Thái Nguyên - biểu tượng tự hào của thành phố Thái Nguyên - đây chính là điều kiện để tạo nên một làng du lịch bên sông đỏ thắm sắc hoa đào mỗi độ xuân về giống cũng như làng đào Nhật Tân ven sông Hồng một thuở./.

 
Nguồn: khuyennongvn.gov.vn