Thay đổi trong phát triển kinh tế ở xã Cẩm Lĩnh

Thay đổi trong phát triển kinh tế ở xã Cẩm Lĩnh
Lâu nay người dân Cẩm Lĩnh vốn chỉ quen với đánh bắt và trồng rừng nhưng từ khi thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM, với sự tuyên truyên, vận động và định hướng đúng đắn của chính quyền địa phương, người dân ở đây đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế tổng hợp, đưa nhiều đối tượng nuôi mới vào địa bàn nhằm tận dụng lợi thế về đất đai và lao động nhàn rỗi.
 
Trước đây để lo cuộc sống, anh Kiều Văn Bình ở thôn 4, xã Cẩm Lĩnh chạy xe thuê và vợ đi làm muối. Công việc không ổn định nên thu nhập cũng rất bấp bênh. Đầu năm 2012, hưởng ứng chủ trương xây dựng NTM, anh đã nhận gần 1 ha đất ở khu vực đập Khe Dinh phát triển mô hình gia trại tổng hợp lúa, cá, vịt. Cùng với đó, tháng 2 năm 2012 tận dụng lợi thế mặt nước khu vực đập Khe Dinh, liền kề với mô hình chăn nuôi của gia đình mình nên anh Bình đã đầu tư 50 triệu đồng mua 5 lồng bè và con giống để nuôi cá vược. Thức ăn của cá hoàn toàn có thể tận dụng được từ nguồn cá con và bèo trên sông. Đến nay cá đang phát triển rất tốt, trung bình mỗi con đạt gần 1 kg. Qua khảo sát, mô hình của anh đã được hỗ trợ 50 triệu đồng theo quyết định 24 của UBND tỉnh. Anh Kiều Văn Bình – Thôn 4, xã Cẩm Lĩnh phấn khởi nói: “Khi đứng ra thực hiện mô hình chăn nuôi tổng hợp này mới thấy rằng địa phương còn có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế. Khi đã có một công việc cố định để lo lắng, để chuyên tâm vào thì ý chí làm ăn cũng khác hẳn. Và ở đây mô hình của gia đình tôi được hình thành trong quá trình phát động xây dựng NTM nên cũng đã nhận được sự hỗ trợ về nguồn vốn, ưu tiên về cơ chế chính sách, được tập huấn về khoa học kỉ thuật nên chúng tôi rất vững vàng và quyết tâm cao”.

Mô hình nuôi cá vược của gia đình anh Kiều Văn Bình, thôn 4, Cẩm Lĩnh

 Đối với gia đình anh Phạm Văn Phụ và Trần Thị Hiền ở thôn 1, xã Cẩm Lĩnh  đã sớm có ý thức phát triển kinh tế khi mà cách đây 10 năm anh chị đã nhận 8 ha đất rừng trồng cây nguyên liệu. Tuy nhiên, những năm trước đây chỉ duy nhất trồng rừng, không biết khai thác tổng hợp lợi thế đất đai. Từ năm 2011 đến nay khi xã nhà phát động chương trình xây dựng NTM, với sự khích lệ của chính quyền địa phương gia đình anh chị đã xây dựng chuồng trại,  tận dụng khu vực đất dưới tán cây rừng nuôi thêm 30 con bò nái, hàng trăm con gà và lợn. Trồng thêm chuối làm thức ăn cho gia súc. Nhờ chăm chỉ lại chủ động được thức ăn trong rừng cho cho vật nuôi nên thu nhập nhanh chóng tăng lên. Trước đây, mỗi năm trồng rừng đưa lại 100 triệu đồng thì nay chỉ có chăn nuôi, thu nhập đã tăng lên gần 200 triệu đồng. Thời gian tới, gia đình anh chị đang có dự định quy hoạch nuôi thêm lợn nít.
 
Đối với gia đình anh Kiều Văn Tân ở thôn 4, xã Cẩm Lĩnh thời gian qua đã tận dụng lợi thế về đất vườn rộng quy hoạch ao, chuồng tăng cường đầu tư cho mô hình chăn nuôi cá, vịt, đưa lại thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Đáng nói là khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, với sự chuyển động tích cực các địa phương xung quanh, anh Tân đã mạnh dạn bỏ ra hơn 1 trăm triệu đồng  để phát triển chăn nuôi hươu. Đây là mô hình nuôi hươu đầu tiên trên đất Cẩm Lĩnh. Anh Tân cho biết: “Phải mạnh dạn mới biết thành công hay không, nếu cứ sợ thất bại thì sẽ không làm được gì cả. Tôi đã đi tham quan việc nuôi hươu ở nhiều nơi và cũng đúc rút cho mình được nhiều kinh nghiệm nên tôi tin sẽ phát triển tốt được đàn hươu”. Đặc biệt, trên địa bàn của một xã bãi ngang còn nhiều khó khăn nhưng đã xuất hiện mô hình đầu tư lớn. Đó là gia đình ông Trần Minh Khánh ở thôn 1 đã đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống chuồng trại trên khuôn viên 2 ha để nuôi lợn nái.

 

Bò đã được chăn nuôi kết hợp với trồng rừng tại gia đình anh Phạm Văn Phụ, thôn 1, Cẩm Lĩnh
 
Thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM là xã nghèo nên Cẩm Lĩnh xác định phải thực hiện tốt Đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn. Bởi vì chỉ khi đời sống kinh tế khấm khá việc huy động nội lực và sự chung tay, góp sức của người dân mới phát huy được hiệu quả. Với định hướng đúng đắn, nhiều đối tượng vật nuôi mới đã được du nhập vào địa bàn và đã có hộ dân đầu tư hàng tỷ đồng cho việc xây dựng mô hình lợn nái 100 con. Đến nay đã hình thành được hơn 10 mô hình chăn nuôi, trồng rừng, nuôi trồng thủy hải sản cho thu nhập bình quân từ 50 đến trên 100 triệu đồng/năm. Đặc biệt, do nhu cầu thực tế trong quá trình phát triển kinh tế, người dân của xã Cẩm Lĩnh đã thành lập được các tổ hợp để cùng giúp đỡ, tương trợ nhau về kiến thức khoa học kỹ thuật, giúp nhau về vốn, đầu mối tiêu thụ sản xuất như: tổ hợp nuôi trồng thủy sản, tổ hợp chế biến nước mắm, tổ hợp đoàn kết trên biển. Ông Trần Quốc Lựu – Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh cho biết thêm: “Trước đây, ngoài làm ruộng, người dân Cẩm Lĩnh chủ yếu đánh bắt và trồng rừng, làm thêm muối vào mùa hè nhưng kể từ khi thực hiện Đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn, chúng tôi đã định hướng, vận động người dân xây dựng các mô hình kinh tế tổng hợp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Nhận thức của người dân được nâng cao, cùng với các chính sách động viên, kích cầu của cấp trên nên nhiều người, nhiều gia đình đã tìm tòi, năng động trong phát triển chăn nuôi, trồng trọt tạo nên thay đổi trong cơ cấu về sản phẩm chủ lực của xã. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích người dân, xây dựng và tìm ra những bài học kinh nghiệm để nhân rộng các mô hình điểm của xã”
 
Sự thay đổi về nhận thức trong phát triển kinh tế ở vùng bãi ngang xã Cẩm Lĩnh là những tín hiệu đáng mừng, chuẩn bị điều kiện căn bản làm nên thành công trong việc hình thành các mô hình kinh tế tổng hợp nhằm nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích và tận dụng nguồn lao động đang rất dư thừa tại địa phương nhằm hiện thực hóa đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn trong triển khai chương trình xây dựng NTM.
 
                                      Bài, ảnh: Nguyễn Tâm
Đài PT-TH Hà Tĩnh