Thí điểm cổ phần hóa nông - lâm trường quốc doanh: Thiếu đồng bộ

Thí điểm cổ phần hóa nông - lâm trường quốc doanh: Thiếu đồng bộ
Từ khi Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai chương trình thí điểm cổ phần hóa (CPH) nông - lâm trường (NLT) quốc doanh, đến nay đã có 32 đơn vị thực hiện CPH. Tuy phương pháp CPH chưa thống nhất, kết quả đạt được cũng khác nhau nhưng đã khẳng định được chủ trương đúng đắn, đồng thời thể hiện bước đi thận trọng, phù hợp với đặc thù sản xuất kinh doanh của các công ty nông - lâm nghiệp.

Sau cổ phần, các DN sản xuất, kinh doanh cao su có giá trị tài sản vốn tương đối lớn.

Kết quả ban đầu

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), đến nay, cả nước đã thực hiện CPH vườn cây, rừng trồng gắn với CPH cơ sở chế biến tại 32 đơn vị thuộc các ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác nhau ở Trung ương và địa phương. Hầu hết các công ty sau khi CPH, nhất là đối với các đơn vị thực hiện đúng nội dung thí điểm CPH gắn với cơ sở chế biến thì hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn, quản lý sử dụng đất tốt hơn so với trước khi CPH. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã tăng thêm nguồn vốn và vốn điều lệ để đầu tư cho sản xuất kinh doanh như các công ty cao su Tây Ninh, Đồng Phú, Phước Hòa (thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam). Thông qua CPH, Tập đoàn Cao su Việt Nam đã thu hơn 3.000 tỷ đồng từ phần bán bớt nguồn vốn Nhà nước và thặng dư bán cổ phần.

Đến nay, có 6 công ty cao su, 2 công ty chè, 1 công ty bò sữa vẫn nắm giữ phần vốn Nhà nước trên 51%; các đơn vị còn lại thực hiện thoái hết phần vốn Nhà nước theo quy định tại Quyết định số 14/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phân loại danh mục DN Nhà nước.

Đa phần các đơn vị đều dành 10% vốn ưu đãi để bán cho người lao động, có đơn vị còn bán cả cho người trồng nguyên liệu. Ngoài ra, một số đơn vị còn tăng vốn, tài sản DN bằng việc bán cổ phần và phát hành thêm để mở rộng đầu tư sản xuất như các công ty cổ phần ngành cao su, Công ty cổ phần Chè Than Uyên...

Về tổ chức quản trị DN, hầu hết các đơn vị sau khi CPH đã tinh giản, gọn nhẹ bộ máy quản lý, các chức danh về Đảng, Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ đều được bố trí kiêm nhiệm; việc quản trị DN và điều hành sản xuất kinh doanh linh hoạt và hiệu quả hơn; người lao động được bố trí việc làm phù hợp hơn, ngành nghề được mở rộng, bảo đảm thu nhập ngày càng tăng.

Ông Hoàng Kháng, Giám đốc Công ty cổ phần Chè Chiềng Ve chia sẻ: “Nói chung, sau khi CPH, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN có nhiều tiến triển, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước, đời sống của người lao động được cải thiện. Chúng tôi cũng tích cực tuyên truyền cho công nhân, để họ hiểu rằng CPH không phải là sự đóng góp vốn của một bộ phận cán bộ, lãnh đạo mà là quyền lợi của tất cả người lao động và CPH gắn liền với đời sống của công nhân”.

Song song với việc CPH, đất đai của các đơn vị đều được rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc, lập quy hoạch sử dụng đất để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển sang thuê đất. Thực tế chứng minh, ở những đơn vị đã CPH làm tốt việc này đều mang lại hiệu quả sản xuất kinh doanh cao, đất đai được quản lý chặt chẽ như Tập đoàn Cao su Việt Nam, Công ty cổ phần Chè Chiềng Ve, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Đồng Giao… Tình trạng lấn chiếm đất; bỏ hoang hóa đất; cho thuê, cho mượn trái phép, tranh chấp đất được khắc phục đáng kể.

Còn thiếu chặt chẽ

Sau khi thực hiện CPH, bình quân vốn tài sản tại mỗi DN là gần 272 tỷ đồng, nhưng lại có sự khác nhau giữa các DN do đặc điểm ngành nghề sản xuất kinh doanh và chưa thống nhất về phương pháp, nội dung xác định giá trị tài sản vốn tại DN. Ví dụ, đối với DN sản xuất kinh doanh cao su, bình quân vốn tài sản là 1.900 tỷ đồng, nhưng bò sữa chỉ đạt 70 tỷ đồng.

Có tình trạng trên một phần do quá trình triển khai CPH tại các thời điểm khác nhau nên chỉ có 16 đơn vị thực hiện CPH theo nội dung thí điểm CPH vườn cây, rừng trồng, đàn gia súc với CPH cơ sở chế biến. Các đơn vị còn lại thực chất chỉ CPH cơ sở chế biến chứ không xác định giá trị vườn cây, đàn gia súc và không rà soát, cắm mốc quản lý sử dụng đất đai, thậm chí một số đơn vị không có nguyên liệu chế biến như các công ty chè (Quân Chu, Bắc Sơn, Trần Phú…); chỉ có 9 đơn vị xác định hết giá trị vườn cây, rừng trồng, đàn gia súc; 7 đơn vị chỉ tính giá trị khấu hao còn lại nên phản ánh chưa đúng giá trị vốn tài sản tại DN.

Ngoài ra, nhiều đơn vị chưa thực hiện rà soát đất đai trước và sau khi CPH mà có xu hướng chuyển giao đất lại cho địa phương quản lý, dẫn đến tình trạng sau khi CPH không quản lý được đất đai. Đối với quản trị DN, tuy có tiến bộ nhưng việc thực hiện vẫn tồn tại nhiều vướng mắc, lúng túng. Đáng chú ý là hầu hết các đơn vị sau CPH không được hưởng chính sách ưu đãi về thuế, vay vốn…, trong khi lĩnh vực nông - lâm nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, điều này là sự bất bình đẳng.

Ông Phạm Quốc Doanh, Phó trưởng ban chỉ đạo đổi mới DN chia sẻ: “Thực tế thấy, việc thực hiện thí điểm CPH NLT quốc doanh đã đạt được kết quả ban đầu, nhiều đơn vị đã rút ra bài học kinh nghiệm quý báu. Nếu tiếp tục CPH thì phải thực hiện với từng loại cây, con và khu chế biến… Nếu tách chế biến và sản xuất thì quá trình CPH sẽ không mang lại hiệu quả. Cũng phải thừa nhận là chúng ta còn thiếu sự đồng bộ trong quá trình thực hiện CPH”.

Cùng chung ý kiến, nhiều đơn vị đề xuất, CPH phải gắn với quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai; kết hợp hài hòa với lợi ích của người lao động, góp phần khơi dậy và phát huy tối đa năng suất của họ, gắn với lợi ích sản xuất, kinh doanh của đơn vị, đồng thời cần cho thuê đất lâu dài đối với NLT đã CPH.

Hoàng Kim

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn