Thu bạc tỷ từ chăn nuôi tổng hợp

Thu bạc tỷ từ chăn nuôi tổng hợp
Với mô hình chăn nuôi tổng hợp, anh Nguyễn Văn Phòng, ở xóm Bình Sơn, xã Bình Thuận (Đại Từ - Thái Nguyên) đã trở thành triệu phú và là tấm gương về ý chí vượt khó vươn lên, xứng đáng để mọi người học tập.

Vạn sự khởi đầu nan

Dưới cái nắng vàng như rót mật trên vạt lúa xanh mướt đang thì con gái, con đường bê-tông uốn lượn đưa chúng tôi đến trang trại của anh Phòng.

Không hẹn trước nên chúng tôi phải đợi non nửa giờ đồng hồ anh Phòng mới về. Trước mắt tôi là người đàn ông dáng hao hao gày, mặc bộ comple màu tro sang trọng bước xuống từ chiếc ô tô mới coóng. Không ai nghĩ đây là chủ trang trại chăn nuôi, thậm chí anh bạn đi cùng còn gọi chị Vũ Thị Phượng, vợ anh Phòng: “Có người đến mua hàng chị ơi!”. 

Nở cụ cười hiền hậu, phong cách điềm đạm, giản dị, anh bắt tay chúng tôi và giới thiệu mình chính là chủ nhà. Rót ly trà mạn Thái Nguyên, anh bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về hành trình lập nghiệp làm giàu của mình. 

Sinh năm 1967, anh là con thứ 6 trong một gia đình thuần nông, nghèo khó có tới 10 người con. Từ nhỏ, anh đã thích chăm sóc các vật nuôi trong nhà và nuôi mơ ước làm giàu từ trang trại.

Năm 1992, sau khi lập gia đình, ra ở riêng, Phòng được bố mẹ cho 4 sào ruộng, đây cũng chính là cơ hội để anh thực hiện ước mơ của mình. Vợ chồng anh tập trung vào chăn nuôi lợn và làm bún. Ngoài việc giúp vợ chạy chợ, Phòng tranh thủ tìm đến các trang trại chăn nuôi trong và ngoài tỉnh để học tập kinh nghiệm với ý định xây dựng mô hình nuôi lợn nái ngoại. Nhưng do đồng vốn hạn hẹp nên anh chỉ nuôi được gần chục con. 

Khó khăn ập đến do giá lợn giống quá thấp, trong khi chi phí sản xuất cao, không trụ được, gia đình anh đành chịu lỗ bán hết số lợn trên được khoảng 30 triệu đồng. Không nản chí, anh tiếp tục thử sức bằng việc mua trâu, bò về vỗ béo bán nhưng do nhà ở gần cánh đồng nên người dân quanh xóm thường phàn nàn việc trâu, bò ra phá lúa. Lần nữa anh lại thất bại, bán hết trâu, bò chuyển sang nuôi lợn thịt. Lúc này, thị trường lợn thịt bấp bênh, giá thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng trong khi giá lợn thương phẩm lúc lên lúc xuống, lại hay bị dịch bệnh nên anh lại thất bại một lần nữa. “Lúc đó (năm 2003 - PV), giá lợn chỉ khoảng 16.000 -17.000 đồng/kg mà còn khó bán”, Phòng chia sẻ. 

Không chịu khuất phục khó khăn, thời gian này, anh tiếp tục liên hệ với Trường Đại học Nông nghiệp mua đôi nhím với giá 24 triệu đồng về nuôi nhưng cũng không thành công, may mà còn giữ được vốn.

Thành quả xứng đáng

Sau khi thử nghiệm các mô hình không thành công, đã có lúc Phòng nản chí. Nhưng nhìn cảnh vợ con nheo nhóc, anh quyết tâm làm lại từ đầu với nghề nuôi lợn. Nghĩ là làm, cuối năm 2004, sau khi tích cóp được ít vốn, anh mạnh dạn vay thêm ngân hàng cộng với anh em, bạn bè được 160 triệu đồng đầu tư xây chuồng và mua 10 con lợn nái làm giống. 

Thành công bắt đầu mở ra từ đây. Năm 2007, giá lợn tăng vọt, từ 17.000 đồng/kg lên 34.000 đồng/kg, nhờ đó gia đình trả bớt được nợ nần. 

Phòng chia sẻ: “Hiện, trang trại có 40 nái hậu bị, 10 nái thịt. Lợn con sau khi sinh 10 ngày cho tập ăn; mùa rét 28 ngày, mùa hè 25 ngày thì tách mẹ; lợn mẹ bình quân 8 lứa phải thay. Trước đây, do vốn kiến thức ít nên việc chăm sóc khá vất vả, có hôm phải trông lợn đẻ cả đêm, giờ đã có kiến thức, chỉ cần tiêm thuốc chọn thời gian sinh cho lợn nên chủ động được và khỏe hơn nhiều”.

Không dừng lại ở đó, anh tiếp tục đầu tư nuôi ba ba. Phòng quyết định gom toàn bộ vốn liếng mua 2 sào ruộng úng, xây tường bao xung quanh nuôi ba ba; sau đó lên Yên Bái mua 5 cặp ba ba gai bố mẹ về thả. Lúc đầu anh gặp chút khó khăn do đây là mô hình mới ở địa phương nên việc học tập, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm còn hạn chế, phải tự mày mò, nghiên cứu qua sách báo. 

Phòng tiết lộ, ba ba là loài ăn tạp, thức ăn của chúng chủ yếu là tôm, cá, giun đất… Để tiết kiệm chi phí, mỗi khi gặp lô cá giá rẻ anh lại thu mua hết hoặc mỗi khi trời mưa, anh mua hàng tạ giun đất về làm thức ăn cho ba ba. 

Anh đang sở hữu khối tài sản bạc tỷ ­từ mô hình chăn nuôi tổng hợp này. Đàn ba ba đã đạt trọng lượng 5-6 kg/con. Mỗi lứa 1 con ba ba mẹ đẻ khoảng 10 quả trứng, tỷ lệ nở đạt 70%. Vừa nuôi vừa bán giống, sau 3 năm, anh xuất bán khoảng 1.000 con giống. Hiện, trang trại có gần 200 con ba ba bố mẹ, trong đó có 60 con ba ba gai. Dự kiến cuối năm nay xuất bán ba ba thịt, theo giá thị trường hiện nay là 350.000 đồng/kg ba ba trơn và 1,1 triệu đồng/kg ba ba gai, anh có trong tay hàng trăm triệu đồng. 

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi ba ba, Phòng cho biết: “Phải xây chuồng ở độ sâu khoảng 1,2m, phần bờ xây tường đứng, có gờ ngang ở trên để ngăn ba ba không bò ra khỏi ao; đổ cát làm tổ cho ba ba lên sinh sản, mật độ thả khoảng 200 con/sào. Cho ăn 1 bữa trong ngày vào sáng hoặc chiều. Đồng thời phải thường xuyên kiểm tra bể thức ăn để tránh tình trạng gây ô nhiễm, dẫn đến bệnh nấm, bục bụng. Vào dịp cuối và đầu năm phải dùng thuốc xử lý ô nhiễm nước, khi xuất ba ba thì tát cạn ao, thả vôi bột phơi khô khoảng 1 tuần. Đối với trứng khi chuyển phải để nguyên không được đảo lộn; để bát nước bên cạnh để con nào nở thì bò vào, thông thường hai tháng trứng sẽ nở”. 

Với mô hình trang trại tổng hợp này, gia đình Phòng có thu 500-700 triệu đồng/năm. Anh có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang với đầy đủ tiện nghi, nuôi hai con ăn học đến nơi đến chốn.

Chia tay anh khi trời gần đứng bóng, chúng tôi vẫn không hết khâm phục ý chí vươn lên của một con người giản dị, điềm đạm nhưng đầy nghị lực, không chịu khuất phục trước bất cứ hoàn cảnh, khó khăn nào.

Nhất Nam
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn