Thừa Thiên - Huế: Lợi nhuận 200 triệu đồng/ha trong ao tôm bỏ hoang

Thừa Thiên - Huế: Lợi nhuận 200 triệu đồng/ha trong ao tôm bỏ hoang
Giúp bà con ngư dân phát triển kinh tế gia đình theo hướng bền vững, bằng ngân sách từ khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến Nông Lâm Ngư xây dựng mô hình nuôi cá đối mục trong ao nuôi tôm bỏ hoang, mang lại hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận 200 triệu đồng/ha.

Cải thiện môi trường ao nuôi

Vài năm trở lại, do môi trường ở vùng nuôi bị ô nhiễm nên nhiều ao nuôi tôm bỏ hoang. Trước thực trạng đó, Trung tâm Khuyến Nông Lâm ngư tỉnh xây dựng mô hình thí điểm nuôi cá đối mục trong ao nuôi tôm bỏ hoang với quy mô 1ha, thực hiện ở hộ ông Võ Quý (thị trấn Thuận An) và ông Phan Văn Thanh (xã Phú Diên, huyện Phú Vang); số lượng giống thả 15 ngàn con. Quá trình nuôi cá phát triển tốt, trọng lượng trung bình đạt 0,5 kg/con, tỉ lệ sống 80%, năng suất 6 tấn/ha; lợi nhuận 200 triệu đồng/ha. Cá đối mục là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, chi phí đầu tư thức ăn thấp; sử dụng các loại mùn bả hữu cơ trong ao hạ triều góp phần cải thiện đáng kể môi trường ao nuôi.   

Ông Võ Quý cho biết: “Gia đình tui được chọn để thực hiện mô hình nuôi cá đối mục trong ao nuôi tôm bỏ hoang, tui rất mừng, bởi gia đình tui có 2 ha nuôi tôm bỏ hoang hơn 2 năm nay. Mô hình nuôi với diện tích 0,5 ha, giống thả 7.500 con, mật độ 1,5 con/m2. Thời gian nuôi khoảng 7-8 tháng, nhưng khi nuôi được 6 tháng có thể thu tỉa cá để bán. Thời gian đầu, cá thu hoạch bán 150.000 đồng/kg, khi vào chính vụ cá nơi khác nhập về nhiều nên cá đối mục chỉ bán với giá 70.000 đồng/kg”.

Hộ nuôi và lãnh đạo Trung tâm Khuyến Nông Lâm Ngư kiểm tra mô hình cá đối mục

Cá đối mục dễ nuôi, từ kỹ thuật đến thức ăn đơn giản. So với các loại cá có giá trị, như cá hồng, chẽm thì chi phí thức ăn chiếm trên 50% tổng chi phí đầu tư. Trong khi đó, cá đối mục đầu tư thức ăn chỉ chiếm khoảng 20% tổng chi phí đầu tư. Đến thời điểm này, có 7 xã ở ven biển, đầm phá và UBND huyện Phú Vang đề xuất triển khai nhân rộng mô hình trên diện rộng. 

 

Cần phát triển bền vững

Mô hình nuôi cá đối mục hiệu quả thấy rõ, bà con ngư dân và chính quyền các địa phương đồng tình ủng hộ cao. Ngoài việc nuôi chuyên ở vùng cao triều, đối tượng này cũng đưa vào nuôi xen ghép ở vùng thấp triều. Cá đối mục thích nghi với điều kiện thời tiết ở Thừa Thiên Huế, chịu được nồng độ muối, rét. Thực tế cho thấy trong vụ nuôi vừa rồi, nhiệt độ nước ở 15-17 độ C nhưng cá vẫn phát triển bình thường. Nếu đưa cá đối mục vào nuôi xen ghép thì sẽ làm giảm thiểu cục bộ ở các ao nuôi tôm, khả năng làm sạch môi trường tốt. Ông Phan Văn Thanh, người thực hiện mô hình ở xã Phú Diên nói: “Trong quá trình nuôi cá đối mục tui có thả nuôi thêm 1 kg tôm giống với khoảng 500 con, chỉ sau 1,5 tháng tôm phát triển rất nhanh, thu hoạch 30 con/kg. Vì vậy, tui khuyến khích bà con khi nuôi cá đối mục cần thả thêm một ít tôm, quá trình nuôi tôm, cá đều phát triển tốt, sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Hiện, nguồn giống phải nhập từ Quảng Ninh vào nên chưa chủ động được. Cá giống có giá khá cao, kích cỡ cá 3-5cm có giá 4.000-5.000 ngàn đồng/con; chi phí vận chuyển chiếm gần 50% giá trị.

Để cá đối mục phát triển theo hướng bền vững, đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm để có hướng định hướng, chứ không để người dân thả nuôi đại trà. Mặc dù, cá đối mục có giá trị kinh tế cao nhưng chỉ tiêu thụ nội địa. Nếu phát triển đại trà dẫn đến cung vượt cầu, cá bán mất giá. Bà con ngư dân cần rút kinh nghiệm từ mô hình nuôi cá chẽm trước đây.

Thanh Thuận 
Theo Báo Thừa Thiên - Huế