Tỉ phú cá Lăng
- Chủ nhật - 24/06/2012 07:13
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo anh Tuấn, cá lăng rất khó nuôi lồng, phải biết rõ đặc tính của cá để áp dụng kỹ thuật nuôi phù hợp, chi phí thấp mà hiệu quả cao. Chỉ riêng việc khám phá tập tính ăn đêm của loài cá này cũng đã giải quyết nhiều vấn đề then chốt. Nhiều người nuôi cho cá lăng ăn ban ngày mà không biết rằng phần lớn thức ăn không được cá ăn hết đã chìm xuống đáy hồ, gây lãng phí và cá lại lâu lớn. Anh Tuấn làm ngược lại, cho cá ăn bữa chính ban đêm; cùng cách làm sáng tạo là thiết kế hai tầng lồng, lồng trên nuôi cá lăng, lồng dưới nuôi cá rô phi để tận dụng thức ăn thừa từ lồng trên chìm xuống. Cá rô phi là loài ăn tạp nên sẽ dọn sạch cặn bã ở đáy lưới, làm vệ sinh cho các lồng cá lăng. Năm 2009, với 4 lồng cá lăng nuôi thử đầu tiên, anh Tuấn thu được 2 tấn cá thương phẩm, lãi được 300 triệu đồng, trong khi 20 lồng cá diêu hồng, rô phi chỉ lãi 50 triệu đồng. Từ thành công này, anh chuyển sang tập trung nuôi cá lăng, với 15 lồng cá thương phẩm, 7 lồng cá giống.
Anh Tuấn thu bạc tỉ với cá lăng nuôi lồng trên hồ Ea Kao - Ảnh: Trung Chuyên
Anh Tuấn bảo: “Việc tự sản xuất thức ăn cũng là khâu quan trọng, giúp tôi chủ động gia giảm dinh dưỡng cho cá, bảo đảm cá không nhiễm bệnh từ bên ngoài”. Ngay bên hồ Ea Kao là trang trại nuôi giun quế cùng với dàn máy xay, ép thức ăn khép kín được anh Tuấn tự chế tạo, lắp ráp. Nhờ vậy, chi phí nuôi cá càng giảm, lợi nhuận càng cao. Năm 2010, với giá bán bình quân 170.000 đồng/kg cá lăng, trừ chi phí anh Tuấn thu lãi 700 triệu đồng và năm 2011 đạt tới 1,4 tỉ đồng lợi nhuận từ loài cá lăng có tiếng khó nuôi. Năm nay anh Tuấn dự tính sẽ thu lãi hơn 2 tỉ đồng từ 15 tấn cá lăng thương phẩm, chưa kể một số loại cá khác và giun quế.
Từng trải qua thăng trầm trong nghề, anh Tuấn cho biết sẵn sàng hỗ trợ, cung cấp kinh nghiệm cho những thanh niên muốn lập nghiệp bằng nghề nuôi cá lăng. Anh cũng đã giúp chuyển giao công nghệ nuôi giun quế làm thức ăn, cùng quy trình, kỹ thuật nuôi cá lăng trong lồng ở hồ thủy điện Sêrêpôk 4. Hiện sản phẩm của anh không chỉ tiêu thụ ở các tỉnh Tây nguyên mà còn vươn ra thị trường các tỉnh, thành: Khánh Hòa, Đà Nẵng, Huế… “Sang năm 2013, tôi dự định nâng lên 70 lồng cá lăng với diện tích nuôi 3.000 m2 và tiến tới xây dựng một nhà hàng nổi trên hồ Ea Kao này để khuếch trương thương hiệu đặc sản cá lăng Tây nguyên” - anh Tuấn lạc quan nói.
Theo Báo Thanh Niên
Cá lăng (danh pháp khoa học: Hemibagrus elongatus) là tên gọi một loài cá trong họ Cá lăng, bộ Cá da trơn. Cá lăng là một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất, trong tự nhiên đã bắt được những con từ 40 –50 kg.
Cá lăng nha có kích thước lớn - Ảnh: Q.ThanhỞ Việt Nam chúng chỉ có mặt ở một vài con sông ở miền núi và chỉ có ở những đoạn nhiều ghềnh thác, dòng chảy mạnh, chúng có rất nhiều ở sông Đà, sông Lô vùng Phú Thọ, sông Đồng Nai và các chi lưu. Ở Lâm Đồng có rất nhiều tại sông Đạ Quay, sông Đạ Tẻh, ở Đắk Lắk, cá lăng cũng có phân bố ở một số dòng sông nhưng nhiều nhất vẫn là sông Srêpốk và cá lăng ở vùng này là giống cá lăng đuôi đỏ, cá lăng vàng.
Là một loài cá không có xương dăm, thịt rất ngon nên rất được ưa chuộng. Chả cá Lã Vọng ở Hà Nội trở nên nổi tiếng cũng nhờ làm từ loài cá này. Ở vùng Phú Thọ cá lăng hiện diện ở hầu hết các nhà hàng cá sông, nhiều nhà hàng chỉ bán độc nhất các món ăn chế biến từ cá lăng. Cá lăng nấu với lá giang là một món ăn dân dã rất đáng chú ý khi du khách đến với Tour du lịch Đắk Lắk.
Hiện nay, do tình trạng đánh bắt quá mức và giá cá quá cao 250.000đ- 300.000đ/kg nên ở Đắk lắk cũng như nhiều nơi khác có cá lăng loài cá này còn rất ít ngoài tự nhiên. Điều đáng mừng là hiện nay nó nhân giống thành công và nuôi được trong môi trường nhân tạo như nuôi lồng, nuôi trong ao nước tĩnh.
Ở khu du lịch sinh thái Madaguoi (huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng) rất nổi tiếng nổi tiếng với món cá lăng nướng, tại các nhà hàng ở thị trấn Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) có món chả cá lăng chiên cốm rất ngon.Theo WIKIPEDIA
Ảnh báo Tuổi trẻ