Tổ hợp tác lúa - tôm - màu: Điểm nhấn liên kết hộ
- Thứ sáu - 29/05/2015 03:41
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Những ngày này, ở khóm 2, không khí lao động, sản xuất trên đồng ruộng khá nhộn nhịp dù giữa cái nắng gay gắt. Đây là khóm điển hình thực hiện Dân vận khéo từ năm 2010 đến nay với mô hình THT lúa - tôm kết hợp trồng màu. Từ thu nhập mỗi hộ vài chục triệu đồng, nay tăng lên trên 100 triệu đồng.
Điểm nhấn liên kết hộ
Mô hình điểm Dân vận khéo lúa - tôm - màu của thị trấn U Minh hình thành từ năm 2008, với 40 hộ tham gia. Qua nhiều năm thực hiện, đa số các hộ dân đều cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập.
Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Tổ trưởng THT lúa - tôm kết hợp trồng màu, nhận đinh: “THT lúa - tôm - màu có 9 hội viên. Do hình thành từ mô hình Dân vận khéo nên ý thức xây dựng mô hình của các hội viên rất cao. Các khâu sản xuất như thả tôm, cua và trồng lúa luôn thực hiện đồng loạt nên tiết kiệm chi phí”.
Qua quá trình sản xuất, các tổ viên trong THT đã nhận thấy được lợi ích của việc liên kết, hợp tác sản xuất so với sản xuất riêng lẻ. Khi thực hiện xuống giống đồng loạt sẽ hạn chế được sâu bệnh, chủ động nguồn nước. Nông dân tham gia THT được tập huấn khoa học kỹ thuật, sản phẩm làm ra với số lượng lớn, dễ tiêu thụ hơn, ít bị thương lái ép giá…
Nếu trung bình mỗi hộ thu nhập từ trồng màu 40-50 triệu đồng/năm thì khi thành lập THT, được Chi cục Bảo vệ thực vật tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn, sử dụng chế phẩm sinh học nên năng suất tăng lên, thu nhập cũng tăng lên từ 80-100 triệu đồng/năm.
Để sản phẩm được giá, THT đưa ra tiêu chuẩn rau màu phải thật sự an toàn để bà con trong khóm thấy và bạn hàng nhìn nhận. Từ đó, tổ viên sản xuất theo phương châm “vừa trồng, vừa ăn”, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế sử dụng chế phẩm sinh học mà lấy công làm lời bằng cách tận dụng thời gian rảnh bắt sâu, kể cả ban đêm. Nhờ đó, sản phẩm sản xuất ra bán được giá và đạt chất lượng vệ sinh an toàn.
Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn U Minh Đỗ Minh Chong cho biết: "Nhờ ý thức cao của từng tổ viên trong việc liên kết xây dựng mô hình chặt chẽ nên hiện nay mô hình trồng rau của THT khá hiệu quả. Chi phí chỉ từ 1-1,2 triệu đồng/vụ mà thu nhập từ 20-30 triệu đồng/vụ. Mỗi năm mỗi tổ viên thu nhập không dưới 100 triệu đồng từ tôm, cua, lúa. Đây là việc mà chưa có THT nào trên địa bàn thị trấn làm được”.
Hình mẫu cho nông dân
Qua 3 năm thành lập, THT lúa - tôm kết hợp trồng màu khóm 2 thật sự trở thành hình mẫu cho nông dân trong khóm nói riêng và trong toàn thị trấn U Minh nói chung làm theo.
Anh Lê Văn Đề, tổ viên THT, cho biết: “Mô hình đạt được hiệu quả một phần do nằm ven rừng, có đê ngăn mặn nên tiếp cận được nguồn nước ngọt không những phục vụ cho trồng màu trong mùa nắng mà còn giúp nuôi tôm trên đất trồng lúa rất thuận lợi”.
Với sự vận động của Hội Nông dân huyện, UBND thị trấn U Minh thành lập quỹ hùn vốn, mỗi hộ bỏ vào quỹ 500.000 đồng/tháng. Số tiền này sẽ giải quyết cho 2 hộ mượn xoay vòng.
Ông Nguyễn Hoàng Lâm phấn khởi: “Từ cách làm trên cùng hiệu quả mang lại, nhiều nông dân trong khóm, nhất là những hộ trồng màu mong muốn xin gia nhập tổ nhưng anh em chưa thống nhất và tiếp tục kiện toàn hơn nữa cho tổ hoạt động ngày càng hiệu quả, để tổ thật sự phát triển bền vững hơn”.
Hiệu quả từ THT đã lan toả đến các hộ dân lân cận. Nông dân trong khóm đã mạnh dạn đầu tư, nhân rộng, nhiều mô hình hiệu quả mang lại thu nhập từ 70-80 triệu đồng/năm/hộ.
“Chúng tôi đang tuyên truyền để bà con đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, từ đó nhân rộng cách làm hay mà THT lúa - tôm - màu khóm 2 đã thực hiện, giúp nông dân từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu cho hội viên mình”, ông Chong nói.
Hoàng Diệu
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn