Triệu phú thương binh đất Phủ Quỳ

Triệu phú thương binh đất Phủ Quỳ
Với phẩm chất kiên cường của người lính, thương binh Hoàng Thanh Thục đã vượt qua khó khăn, vươn lên trở thành một trong những tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi ở vùng đất Tây Hiếu - huyện Nghĩa Đàn (nay là thị xã Thái Hòa - Nghệ An)

Ông Thục kiểm tra đàn ong.

Cũng như bao thanh niên khác, năm 1965, ông Thục tình nguyện lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc khi vừa tròn 20 tuổi. Những năm tháng đối diện với đạn bom ác liệt nơi chiến trường đã tôi luyện cho người lính ấy tinh thần “thép” khi đứng trước kẻ thù cũng như trước những khó khăn trong cuộc sống. Năm 1976, sau giải phóng, ông về công tác tại Ty Thủy lợi Nghệ An. Năm 1982, do điều kiện gia đình khó khăn, ông Thục xin nghỉ việc về phụ giúp thêm cho vợ. Khi mới về, ông cảm thấy lạ lẫm với cuộc sống ở đây. Ông tự nhủ, phải làm gì đó để thay đổi kinh tế gia đình.

Những ngày đó, ông Thục đi tìm hiểu về mảnh đất Tây Hiếu. Khi thấy đa số người dân trồng càphê, cao su nên năm 1989, ông mạnh dạn nhận 2ha đất của nông trường Tây Hiếu để trồng càphê. Với tinh thần ham học hỏi cũng như sự trợ giúp đắc lực của vợ là bà Trần Thị Nhu, từng là công nhân nông trường, đến năm 1995, vườn càphê của ông đã cho thu hoạch, thu 80-90 triệu đồng/năm. Có thể nói, việc trồng càphê của gia đình ông tương đối thuận lợi nhờ thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật trồng, chăm sóc.

Một điều không thể không nhắc đến đó chính là tinh thần tương thân tương ái của ông với chính những người lính. Năm 2000, ông Thục đã nhường 0,5ha đất cho một thương binh có hoàn cảnh khó khăn. Với 1,5ha đất còn lại, đến năm 2005, do giá càphê tụt giảm nên ông quyết định chuyển sang trồng cao su. Việc trồng cao su cũng khá suôn sẻ, giờ đây vườn cao su đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu 80 - 90 triệu đồng/năm.

Không chỉ dừng lại ở đó, nhận thấy vùng đất Phủ Quỳ có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc nuôi ong nên ông có ý định quảng bá thương hiệu mật ong Phú Tân ra những huyện khác. Nói là làm, năm 1982, ông chính thức nuôi ong trong vườn nhà. Cùng với việc tiếp thu, tham khảo kinh nghiệm của những người đã có thâm niên trong nghề cũng như tìm hiểu qua báo, đài, mỗi năm ông kiếm được thêm 40 triệu đồng từ tiền bán mật và giống ong. Ngoài ra, ông Thục còn có công vận động nhân dân xóm Phú Tân thành lập câu lạc bộ (CLB) nuôi ong do ông làm chủ nhiệm. Từ khi có CLB, mật ong Phú Tân đã được người tiêu dùng biết đến, thị trường tiêu thụ rộng mở.

Bên cạnh đó, ông Thục còn tích cực phối hợp với địa phương tổ chức các lớp tập huấn, truyền đạt cho người dân những kiến thức về nghề nuôi ong. Nhờ lớp học này, 18 hộ dân ở xã Chiu Liu (Kỳ Sơn) đã giàu lên nhờ nghề nuôi ong.

Về sinh sống trên quê mới, ông Thục được bà con tin tưởng bầu là Bí thư chi bộ 14 năm. Hiện, ông là Xóm trưởng xóm Phú Tân. Từ khi làm xóm trưởng, ông luôn chăm lo cho đời sống của bà con, mọi việc của xóm ông đều đứng ra giải quyết thỏa đáng. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, ông đều đứng ra phản ánh những bức xúc của người dân. Người thương binh này luôn tâm niệm, mình đã được tín nhiệm thì không thể phụ lòng dân, làm được gì thì phải làm hết sức.

Trong tâm niệm của mình, ông luôn nghĩ, người lính không chỉ có nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc mà còn phải biết phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, quê hương. Đó cũng chính là tinh thần cốt lõi trong câu nói “Thương binh tàn nhưng không phế” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hoàng Mai

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn