Trồng cỏ nuôi nai - mô hình hiệu quả

Trồng cỏ nuôi nai - mô hình hiệu quả
Theo ông Mẫn, nai rất dễ nuôi như nuôi bò. Thức ăn chủ yếu là nguồn cỏ dại và có thể trồng thêm cỏ voi dưới tán rừng, thu gom các phụ phẩm nông nghiệp.
Ông Nguyễn Duy Mẫn ở ấp An Hoà, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên (An Giang) là một trong những người dân nhận khoán chăm sóc rừng cho Hạt Kiểm lâm ở vùng núi Cấm ngay từ những ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. 

Ông Mẫn là người nuôi nai thành công nhất ở An Giang.

 Nhờ có đất rừng mà gia đình ông có điều kiện cải thiện cuộc sống. Từ trồng rau, màu dưới tán cây lúc còn nhỏ, rồi đến trồng xen cây ăn trái khi cây rừng đã vươn cao. Nhiều năm qua, ông Mẫn đã tận dụng đất trống dưới tán cây để trồng cỏ nuôi nai. 

Mô hình này đã giúp gia đình ông có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đây là mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao ở miền núi, góp phần tích cực trong việc xã hội hoá bảo vệ và phát triển rừng. Năm 1999 ông Mẫn được Chi cục Kiểm lâm An Giang hỗ trợ vay vốn bằng cặp nai tơ trị giá 18 triệu đồng. 

Sau 2 năm nuôi dưỡng, ông đã trả được vốn và còn thu lời nhờ bán nai con. Ông tiếp tục giữ lại cặp nai giống bố mẹ để nhân giống phát triển kinh tế gia đình. Ông Mẫn là người nuôi nai thành công nhất trong số 9 hộ nuôi nai theo chương trình chuyển giao giống của Chi cục Kiểm lâm cho những hộ nhận khoán rừng ở 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn. Theo ông Mẫn, nai rất dễ nuôi như nuôi bò. 

Thức ăn chủ yếu là nguồn cỏ dại và có thể trồng thêm cỏ voi dưới tán rừng, thu gom các phụ phẩm nông nghiệp. Nai trưởng thành sau 25 tháng tuổi có thể sinh sản và mỗi năm đẻ 1 con. Còn nai đực nuôi từ 17 - 18 tháng tuổi thì bắt đầu thu hoạch lộc nhung. Mỗi năm thu hoạch lộc nhung 1 đợt. Nai đực trưởng thành sau 5 năm tuổi có thể cho lộc nhung khoảng 2,5 kg mỗi năm. 1 kg lộc nhung bán được từ 14 - 15 triệu đồng. 

Mỗi năm, gia đình ông bán từ 1 - 2 cặp nai tơ. 1 cặp nai 6 tháng tuổi bán được với giá từ 40 - 50 triệu đồng. Hiện nay, gia đình ông Mẫn duy trì thường xuyên đàn nai giống với số lượng 12 con bố mẹ và hậu bị, trong đó có 5 con cái và 7 con đực. Ước tính giá trị đàn nai của gia đình ông trị giá khoảng 1 tỉ đồng. Ông Mẫn cho biết, trong thời gian rừng chưa đến kỳ khai thác thì việc nuôi nai là nguồn thu nhập chính của gia đình để bám lấy rừng.

 Thời gian gần đây, ông đã xin phép khai thác nguồn cây rừng đúng độ tuổi khoảng 4 ha và chuyển sang trồng cây ăn trái, chủ yếu là quýt đường và xoài cát Hòa Lộc. Đây là mô hình mang lại hiệu quả cao cần phổ biến, nhân rộng trong cộng đồng hộ dân nhận khoán rừng, góp phần bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm, bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng. 

Ông đã trồng xen cỏ voi hết diện tích vườn cây ăn trái để làm nguồn thức ăn nuôi nai. 400 gốc xoài cát Hòa Lộc do ông trồng xen dưới tán rừng trước đây đã đến thời kỳ cho trái cao điểm và cho gia đình nguồn thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi vụ. Anh Nguyễn Văn Sơn ở ấp Tân Long, xã Tân Lợi, Tịnh Biên cũng là người nhận nuôi cặp nai tơ đầu tiên do ông Mẫn chuyển giao vào những năm 2000 khi thấy mô hình này cho hiệu quả kinh tế khá cao, gấp 2 lần nuôi bò.

 Từ cặp nai ban đầu, anh đã nhân giống và phát triển đàn giống bố mẹ, giống hậu bị để nuôi thường xuyên khoảng 10 con. Mỗi năm, gia đình anh cũng bán được từ 1 - 2 cặp nai tơ, thu hoạch lộc nhung được từ 8 - 10 kg, ước tổng thu nhập từ nuôi nai hàng năm khoảng 180 - 200 triệu đồng.

 Gia đình anh Sơn chỉ có vài công đất vườn trồng cây ăn trái lâu năm nên có rất ít khoảng trống để trồng xen cỏ. Hàng ngày, anh dành thời gian rảnh khoảng 1 giờ để cắt thêm cỏ và hái lá cây rừng về nuôi nai. 

Do nai ăn tạp nhiều thứ và ăn ít hơn nhiều so với bò nên việc chăm sóc đàn cũng thuận lợi. 4 con nai chỉ ăn nguồn thức ăn bằng 1 con bò trưởng thành. Có thể nói ông Mẫn ở An Hảo và anh Sơn ở Tân Lợi là những hộ duy trì đàn nai thành công nhất ở An Giang hiện nay.
Theo: nongnghiep.vn