Trồng nấm và làm chổi đót - hai nghề mới của phụ nữ huyện Triệu Sơn

Trồng nấm và làm chổi đót - hai nghề mới của phụ nữ huyện Triệu Sơn
Để giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho hội viên, thời gian qua, Hội LHPN huyện Triệu Sơn đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật giúp hội viên có thêm kiến thức, ngành nghề để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Chị Nguyễn Thị Nhâm, ở thôn 2, xã Vân Sơn, cho biết: Những năm trước đây, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, ngoài canh tác 5 sào ruộng khoán, lúc nông nhàn  vợ chồng chị xin vào làm công nhân khai thác quặng cho các doanh nghiệp tại xã, nhưng chỉ đủ trang trải một phần cuộc sống và cho con cái ăn học. Cuối năm 2012, chị cùng 50 hội viên phụ nữ nghèo trong xã tham gia lớp tập huấn trồng nấm, mộc nhĩ. Thông qua Đề tài “Nghiên cứu giải pháp, phát huy vai trò của hội phụ nữ trong ứng dụng khoa học, công nghệ và phát triển ngành nghề ở nông thôn của huyện Triệu Sơn”. Trong thời gian 2 tháng, ngoài được tập huấn kỹ thuật trồng nấm, đi tham quan, học tập kinh nghiệm, chị Nhâm còn được hỗ trợ giống, nên chị đã đầu tư mua nguyên liệu và tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp sẵn có để trồng 500 bịch nấm sò. Lứa đầu tiên, trừ chi phí, gia đình chị có lãi gần 7 triệu đồng. Đến nay, chị Nhâm đã xuất bán được 3 lứa nấm, thu lãi gần 20 triệu đồng. Sản phẩm ngoài bán ra thị trường còn được Trung tâm Nuôi cấy mô thực vật Thanh Hóa bao tiêu. Chị Nhâm cho biết thêm: Kỹ thuật trồng nấm rất đơn giản, chỉ cần ủ rơm, mùn đủ độ ẩm, tưới nước, khử trùng bịch trồng nấm đúng kỹ thuật... sau thời gian 30 ngày, nấm bắt đầu cho thu hoạch.

Hiện nay, ở xã Vân Sơn có 20 gia đình hội viên phụ nữ đầu tư xây dựng nhà trồng nấm sò và mộc nhĩ, như gia đình chị Đỗ Thị Oanh, có 4.000 bịch nấm đang cho thu hoạch; gia đình chị Cao Thị Hương, từ đầu năm đến nay thu hoạch được 3 lứa nấm, thu lãi 35 triệu đồng, tạo việc làm cho 6 lao động.

Ngoài tập huấn nâng cao kiến thức trong trồng nấm, mộc nhĩ, Hội LHPN huyện Triệu Sơn còn nâng cao kiến thức cho hội viên trong việc phát triển nghề. Chị Lê Thị Thanh, thôn 12, xã Thọ Sơn, cho biết: Nghề làm chổi đót được bố mẹ chị mang từ xã Thái Hòa (Triệu Sơn) khi lên đây định cư. Trước đây, do chưa có kinh nghiệm cũng như đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định, nên gia đình chỉ xem là nghề phụ. Cuối năm 2012, chị cùng các chị em trong xã được tham gia lớp tập huấn làm chổi đót và được đi tham quan các cơ sở, doanh nghiệp làm chổi đót ở Hà Nội và Bắc Ninh do Hội LHPN huyện tổ chức. Có kiến thức, kinh nghiệm, vốn,  tìm được đầu ra cho sản phẩm ổn định nên đến nay gia đình đã mở rộng xưởng sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho gần 30 lao động địa phương; mỗi năm thu lãi gần 200 triệu đồng.

Chị Lê Thị Mai, Chủ tịch Hội LHPN Triệu Sơn, cho biết: Thực hiện Đề tài “Nghiên cứu giải pháp, phát huy vai trò của hội phụ nữ trong ứng dụng khoa học, công nghệ và phát triển ngành nghề ở nông thôn của huyện Triệu Sơn”, hội đã khảo sát, áp dụng dạy nghề trồng nấm ở xã Vân Sơn; nghề làm chổi đót ở xã Thọ Sơn  mang lại hiệu quả bước đầu, giải quyết được nhu cầu việc làm cho phụ nữ nghèo khu vực nông thôn. Hiện nay, 2 nghề trên đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Có được những kết quả trên là do các cấp hội đã làm tốt công tác tuyên truyền, khảo sát nhu cầu đào tạo đến lựa chọn đối tượng học nghề phù hợp; phối hợp tổ chức dạy nghề cũng như quản lý tốt việc học nghề, vận động người học ứng dụng nghề vào lao động sản xuất, kinh doanh.

Trong thời gian tới, Hội LHPN Triệu Sơn tiếp tục tranh thủ các nguồn lực để hỗ trợ đào tạo nghề, chỉ đạo xây dựng các mô hình tạo việc làm, tổ hợp tác... giúp chị em nâng cao tay nghề, tạo việc làm ổn định, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho hội viên phụ nữ nghèo  khu vực nông thôn.