Tỷ phú mom sông
- Thứ năm - 03/07/2014 04:54
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cùng là “quanh năm buôn bán ở mom sông...”, nhưng ở thời Tú Xương, xã hội quá khắc nghiệt khiến người ta quanh năm chăm chỉ làm lụng mà vẫn túng bấn.. Còn bây giờ, bằng đôi tay cần mẫn và nghị lực của mình, ông Hai Ánh đã biến vùng đất hoang, nhiễm phèn mặn ở ngã ba sông Hố Gùi (cách cửa biển Hố Gùi khoảng 2km) thành những vườn rau tươi tốt, những ao cá, vuông tôm trị giá bạc tỷ.
Bỏ phố về rừng
Kể lại quyết định táo bạo của mình cách đây hơn 20 năm, ông Hai Ánh vẫn tự hào rằng mình đã quyết định đúng. “Đất đai không nơi nào phụ lòng người, miễn sao mình có quyết tâm khai phá nó, kiên trì bắt nó phải “nhả vàng” – Hai Ánh khẳng định. Tiếp câu chuyện, bà Mai Kim Bạc (vợ Hai Ánh) nói vui: “Bây giờ nhìn vào những thành quả mà ổng có được, tôi mới thở phào. Nhà cửa, bà con họ hàng đều ở phố, tự nhiên mình bỏ vô rừng sống, nếu làm ăn thất bại thì mắc cỡ dữ lắm”.
Hơn 20 năm trước, ông Hai Ánh đã có một quyết định táo bạo, ấy là từ bỏ chốn thị thành đưa vợ con về Hố Gùi sang lại 14ha đất rừng của nông trường 2 để lập nghiệp. Hồi ấy dân làng biển này cứ cười ra nói vào, họ cho rằng Hai Ánh chắc bị “dở hơi” nên mới đâm đầu về nuôi cá, trồng rau ở ngã ba mom sông… Ấy vậy mà bây giờ khi kể về sự quyết tâm của Hai Ánh, ông Phạm Hoàng Sang – một người bạn già của Hai Ánh phải thán phục: “Miếng đất ông Hai chọn mua hồi ấy dân ở đây chê lắm, giá rẻ bèo mà không ai thèm mua, do vị trí của nó nằm sát cửa biển Hố Gùi, hàng năm nước biển dâng cao từ ngoài vào không chỉ cuốn trôi hết cây cối bên trong mà còn khiến đất bị nhiễm mặn. Không ai nghĩ ông Hai có thể sản xuất được ở đó, nói gì đến chuyện làm giàu. Vậy mà ông ấy đã làm được, bây giờ tui phục ổng sát đất”.
Hồi ấy, để chứng minh cho mọi người thấy đất rừng cửa biển Hố Gùi là nơi “rừng vàng biển bạc”, Hai Ánh bắt tay ngay vào công việc cải tạo đất bị nhiễm phèn mặn ngay trên 14ha mình vừa sang lại. Hàng ngày, Hai Ánh và gia đình cần mẫn đào mương, lên liếp, khai thông dòng chảy để nuôi tôm, nuôi cua… Chỉ một thời gian sau, vuông tôm của Hai Ánh đã cho thu hoạch với doanh thu hàng chục triệu đồng/tháng.
Kể về thành công ban đầu đó, ông Hai Ánh bảo: “Mình vốn là con nhà nông, dù đã thu được lãi từ nuôi tôm cua, nhưng mình không thể ăn xài phung phí. Ngoài việc tiếp tục phát triển nuôi tôm, mình nghĩ ngay tới việc phải trồng rau, nuôi cá, nuôi heo, rồi gà vịt, trước mắt là để phục vụ cho bữa ăn gia đình, nếu có nhiều thì sẽ đưa ra chợ bán”.
Nắm được đặc thù của vùng đất Hố Gùi là vào tháng 10 âm lịch, nước biển sẽ dâng cao nên khi đào ao nuôi cá, Hai Ánh lên liếp cao hơn vài mét so với mực nước dâng. Ban đầu Hai Ánh đào một ao rộng hơn 500m2 để nuôi thử, sau ông mở rộng ra thành 5 ao, với diện tích hàng ngàn m2. Để có nước ngọt nuôi cá, trong quá trình đào ao, Hai Ánh đặt ống dẫn nước ngọt từ giếng khoan ra mỗi ao, đồng thời làm hệ thống thoát nước mặn ở tầng đáy để phòng ngừa nước mặn ngấm vào ao khi mùa nước dâng. Thiết kế ao cẩn thận, kỹ càng như vậy nên Hai Ánh có thể thả nuôi các loại cá nước ngọt như cá tra, tai tượng, cá bổi, điêu hồng…
Khi cá nhỏ, Hai Ánh đến U Minh tìm bèo về thả xuống ao làm thức ăn cho cá. Còn khi cá lớn hơn, ông phải ra cửa biển mua cá tạp về làm thức ăn. Về sau, ông quyết tâm tìm cách để không phải bỏ tiền túi mua cá tạp bằng việc trồng bông súng Đà Lạt ở cả 5 ao cá. Với giá bán bông súng 10.000 đồng/kg, mỗi ngày ông thu hoạch khoảng 20kg, vậy là thoải mái đầu tư mua cá tạp (cá tạp giá chưa tới 3.000 đồng/kg). Nhờ tiết kiệm chi phí đầu tư nên mỗi năm, ông Hai Ánh thu lãi hàng trăm triệu đồng từ nuôi cá.
Đến nay ông Hai Ánh đã có trong tay hàng chục ha đất (18ha đất rừng đước đang vào độ thu hoạch, 12ha nuôi tôm), tổng nguồn thu gần 1 tỷ đồng/năm.
Nghĩ cách làm lợi cho nông dân
Không chỉ làm giàu cho bản thân mình, ông Hai Ánh còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cho nhiều người khác, vì vậy bà con trong vùng rất quý trọng Hai Ánh. “Với tôi, làm giàu cho bản thân là chưa đủ, nghĩ thế nên tôi luôn tìm tòi những mô hình, cách làm ăn có hiệu quả để giúp bà con trong vùng cùng làm giàu” - Hai Ánh chia sẻ.
Đặc biệt là trước khi chia sẻ kinh nghiệm cho bà con, ông Hai Ánh đều cẩn thận thử nghiệm trong ao nuôi nhà mình trước, nếu thấy hay mới quyết định phổ biến để mô hình được nhân rộng. Mới đây, ông còn thử nuôi hàu gạch, ba ba và trồng thanh long… bước đầu đều đem lại hiệu quả, nếu thuận lợi, thời gian tới, ông sẽ tiếp tục chuyển giao cho bà con.
Ông Phạm Ngọc Ánh là nông dân duy nhất đại diện cho Hội ND tỉnh Cà Mau tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 8 diễn ra tại Hà Nội năm 2010. Ngoài ra, ông còn được trao nhiều bằng khen “Nông dân sản xuất giỏi”, “Nông dân tiên tiến” cấp huyện, tỉnh và trung ương. |
Cụ thể, để cống có tuổi thọ cao, bà con nên dùng tre mạnh tông hay tre gai già, sau đó chẻ tre ra thành miếng có kích thước bằng sắt phi 10, phơi khô. Khi tiến hành làm khung cống, nên để khoảng cách từ 1 - 1,1 tấc, dùng dây kẽm cột khung, sau đó đổ hồ như khi dùng bê tông cốt thép. Với cách này, cống sẽ có tuổi thọ lên đến 30 năm.
Nhận xét về người nông dân tài ba này, ông Huỳnh Thúc Bình – Trưởng phòng NNPTNT huyện Năm Căn khẳng định: “Hai Ánh là niềm tự hào và là tấm gương tiêu biểu đáng để nhiều người học hỏi. Các mô hình làm ăn của Hai Ánh đều mang lại hiệu quả và có thể nhân rộng”.