Vụ đông ở Thanh Hóa

Vụ đông ở Thanh Hóa
Gần 1 tháng sau khi bão số 8 (Sơn Tinh) gây ảnh hưởng đến các huyện ven biển, chúng tôi về huyện Nga Sơn. Không còn dấu vết đổ ngã của ngô và những luống rau màu dập nát, màu xanh của cây vụ đông đã trở lại, trải dài trên khắp cánh đồng...

Bác Nguyễn Xuân Triệu, xã Nga Lĩnh vừa nhanh tay nhổ những bụi lạc của diện tích lạc chín sớm, vừa hồ hởi trò chuyện: “Vụ đông gia đình trồng 3 sào lạc. Do áp dụng đúng kỹ thuật trong làm đất, trồng và chăm sóc, lạc cho nhiều củ, to và đều. Năng suất ước đạt 1,7 - 1,8 tạ/sào, tăng 0,6 tạ/sào so với vụ trước”.

Ông Hoàng Ngọc Khanh, Chủ nhiệm HTXNN Nga Lĩnh cho hay, vụ đông năm nay toàn xã SX 78 ha cây màu, trong đó gần 30 ha lạc. Đây là cây trồng truyền thống, bởi bà con đã quen thâm canh loại cây này, giá trị kinh tế hơn các loại cây trồng khác".


Ông Mai Sỹ Diến (bên trái), Bí thư Huyện ủy Nga Sơn kiểm tra SX vụ đông 2012

Nga Yên là xã giáp ranh thị trấn Nga Sơn đã quy hoạch 80 ha rau an toàn. Vụ đông 2012, xã chủ trương đưa các loại cây trồng giá trị kinh tế cao vào SX như lạc, ớt, bí xanh, khoai tây, dưa hấu, dưa leo, măng tây xanh… “Tính sơ sơ, năm 2011 mỗi ha đồng màu của xã đạt giá trị 93 triệu đồng. Năm nay chúng tôi đang phấn đấu đạt 110 triệu”, ông Phạm Trí Bút, Chủ tịch UBND xã tin tưởng khẳng định.

Ông Bút cho biết thêm: Ngay từ đầu năm xã đã có kế hoạch SX vụ đông, giao chỉ tiêu SX phù hợp với điều kiện thực tế ở từng thôn, xóm; cơ cấu lúa mùa sớm và cực sớm để giải phóng quỹ đất làm vụ đông trong khung thời vụ tốt nhất; các ban ngành, đoàn thể vào cuộc vận động đoàn viên, hội viên thi đua SX...

Không riêng gì huyện Nga Sơn, tại các huyện Hoằng Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc… vụ đông từ lâu đã trở thành vụ SX chính. Có mặt tại xã SX rau hàng hóa Vĩnh Thịnh (Vĩnh Lộc), cánh đồng hàng chục ha với đủ loại rau màu như tấm thảm xanh khổng lồ trải ra trước mắt chúng tôi.

Do bị ảnh hưởng đợt mưa lớn đầu mùa và cơn bão số 8, diện tích cây vụ đông của Nga Sơn có giảm, đạt 1.700/2.000 ha. Tuy nhiên, đây vẫn là vụ SX chính trong năm, huyện vẫn đang tiếp tục chỉ đạo đồng bộ để giành thắng lợi.

Tay thoăn thoắt hái quả cà chua căng mọng, chị Lê Thị Hoa chia sẻ: “Gia đình tôi có hai cháu nhỏ đang tuổi ăn học. Việc học của các cháu trông cả vào hơn 2 sào trồng rau màu và 1 sào tôi mượn của người em gái. Đây là cà chín bói nên tôi hái đưa đi chợ bán. Chứ vào ngày chín rộ, lái buôn họ vào chở đi hết, tôi không phải bán lẻ, khỏe cả người. Mỗi sào cũng thu được hơn 3 triệu, ba tháng vụ đông thu được 10 triệu đấy”.

Ông Lê Văn Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc cho biết: “SX vụ đông chiếm 15% tổng sản lượng lương thực cả năm của huyện. Vụ đông 2012, toàn huyện đã gieo trồng được 3.200/3.500 ha kế hoạch tỉnh giao.

Để tạo chuyển biến trong SX, Vĩnh Lộc đã tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm góp phần ổn định sản lượng lương thực và tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, đồng thời tạo sự thay đổi về tập quán canh tác của người dân, hướng tới SX hàng hóa.

Đối với SX vụ đông, từ tỉnh đến huyện đều có chính sách kích cầu, cụ thể tỉnh hỗ trợ 1 triệu đ/ha, huyện 25.000 đ/sào ngô. Ngoài ra, các xã căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương mà có những cơ chế riêng để hỗ trợ.

Ngoài ra huyện có chính sách khen thưởng các xã gieo trồng vượt kế hoạch diện tích ngô đông, cụ thể mức 15 triệu đ/xã vượt diện tích nhiều nhất, 10 triệu đ/xã đứng thứ nhì, 5 triệu đ/xã đứng thứ ba”.

Theo nongnghiep.vn