“Vua mì” xuất phế phẩm lấy đô la
- Chủ nhật - 14/12/2014 03:38
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sau thời gian xuất khẩu thức ăn gia súc bằng phế phẩm nông nghiệp sang Hàn Quốc, Nhật Bản, “Vua mì” Hồ Sáu (xã Tây Hòa, Đồng Nai) đang lên kế hoạch mở rộng thị trường trong - ngoài nước.
“Thời gian qua, tôi đã đi chơi vài nước để dòm ngó thị trường xuất khẩu. Tôi cũng đang muốn xây thêm vài nhà máy ở các tỉnh có vùng nguyên liệu phế phẩm nông nghiệp trong nước để mở rộng sản xuất” - “Vua mì” Hồ Sáu hồ hởi nói với tôi trong ngôi biệt thự to đùng “từ mì mà ra”.
Thật khó tin, chỉ cần một sản phẩm thức ăn gia súc từ phế phẩm nông nghiệp mà gần chục năm nay “Vua mì” Hồ Sáu xuất đi Hàn Quốc, Nhật bản đều đều 4.000 - 5.000 tấn/tháng. Hỏi sao ông luôn giữ vững được “phong độ” này? “Vua mì” cười hề hề: “Tôi làm ăn với đối tác nước ngoài với phương châm ngon, bổ, rẻ và trên hết là uy tín”.
Cái cách ông đem phế phẩm nông nghiệp đổi đô la dễ dàng càng khó tin. Hôm đến chơi, ông dắt tôi đến nhà máy do ông làm Chủ tịch HĐQT để xem công nhân sản xuất. Trên đường đi, tôi tưởng công ty chắc hoành tráng lắm, công nghệ quy mô lắm mới dám làm ăn với nước ngoài, nào ngờ khi đến chỉ thấy hai cái máy xay (mỗi cái công suất 100 tấn/ngày) và đống bao loại 600kg. Chỉ hàng chục bao thức ăn gia súc bự chảng để trong nhà kho, ông cho biết đang chuẩn bị xuất đi Hàn Quốc. Theo “Vua mì” Hồ Sáu, quy trình làm thức ăn gia súc xuất khẩu tại công ty như sau: Bắp trồng khoảng 8 tháng là thu hoạch cả nguyên cây. Sau đó, công nhân đưa bắp về nhà máy dùng máy nghiền nát, rồi cho vào bao (loại 600kg) thêm men để ủ chua và chờ… xuất khẩu cho dê, bò… ăn.
“Vua mì” rất hãnh diện về cách làm này, không chỉ nó mang về đô la, mà nhất là sản phẩm được Bộ TN-MT công nhận là “sản phẩm xanh bền vững”. Ông cho biết sản phẩm ra đời đã đem lại khá nhiều lợi ích. Đối với nông dân, nếu như trước đây phải trồng bắp trên 100 ngày mới thu hoạch trái thì giờ chỉ cần 80 ngày là thu hoạch cả cây bán cho công ty. Điều này kéo theo nếu như trước nông dân chỉ trồng 3 vụ bắp/năm thì nay là 4 vụ. Cũng theo đó, trước đây nông dân chỉ thu hoạch bắp trái còn cây thì đốt nên gây ô nhiễm môi trường thì giờ không còn cảnh đốt đồng nữa. Sau khi thu hoạch bắp, ông cho công nhân nghiền gấp rồi đưa vào ủ men để cho chất lượng tươi nguyên. Không chỉ tận thu phế phẩm bắp, để làm sản phẩm này, “Vua mì” còn tận dụng phế phẩm của mì, đậu…
Câu chuyện “Vua mì” nghĩ ra chuyện xuất khẩu phế phẩm nông nghiệp hết sức ngẫu nhiên. Tôi thấy cứ 6 tháng mưa dê, bò… thừa mứa thức ăn, nhưng cứ đến 6 tháng nắng gia súc lại gầy trơ xương vì thiếu thức ăn, nên nghĩ ra cách dự trữ thức ăn. Lúc đầu không có men để ủ phế phẩm làm thức ăn cho gia súc nuôi tôi đi xin vỏ dứa (khóm) làm tác nhân lên men, sau này có men mới thay dứa” - ông kể. Nói về việc trở thành đối tác làm ăn với các chủ trang trại bò ở Hàn Quốc, “Vua mì” cho biết: “Tôi có đi chào hàng ai đâu. Họ biết tôi đang làm sản phẩm này, thấy cần nên tìm đến đặt hàng”. Lúc đầu ông xuất đi 1, 2 Container, sau này mới hàng ngàn tấn mỗi tháng. Có điều lâu nay ông chỉ xuất hàng ra thị trường nước ngoài mà bỏ trống thị trường chăn nuôi nội địa. 20 trước, từ hai bàn tay trắng, làm thuê cuốc mướn, nhờ lai tạo thành công giống cây mì Thái Lan năng suất cao, nhờ tính cần cù, chịu khó… ông được người dân miền Đông Nam Bộ tôn là “Vua mì”. Và sau đó, do những thành tích đóng góp cho nền nông nghiệp Việt Nam, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (2012). Giờ là lúc ông phải chinh phục tầm cao mới. “Vua mì” cho biết đang tính toán việc mở rộng sản xuất bằng cách xây dựng các nhà máy ở các tỉnh đầu tiên là ở Tây Nguyên - ông cho biết.
Riêng về thị trường trong – ngoài nước, “Vua mì” đánh giá nhu cầu còn rất lớn. Theo ông, thị trường thức ăn nông nghiệp nội địa tập trung nhiều vào các loại như: tôm, cá, heo… Riêng bò, dê thị trường còn bỏ trống. “Tôi đã đi thăm một số trang trại nuôi bò sữa ở TP.HCM, người ta khá chuộng sản phẩm ủ chua của tôi. Có điều, theo các chủ trang trại này, việc tôi chỉ đóng hàng trong những bao loại 600 kg nên rất bất tiện cho họ trong việc vận chuyển. Họ yêu cầu tôi nên đóng bao loại nhỏ hơn” - ông cho biết. Nói đến thị trường nước ngoài, “Vua mì” cho rằng Hàn Quốc vẫn là thị trường chính. Nhật Bản đang cho thấy một thị trường tiềm năng. “Vừa rồi tôi có đi Myanmar, cũng có khảo sát thị trường thức ăn chăn nuôi ở đây. Mở rộng thị trường là một vấn đề cần phải bàn tính thật kỹ ” - ông nói.
Hiện Công ty cổ phần Việt Nông Lâm của “Vua mì” Hồ Sáu đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 200 lao động tại địa phương theo hình thức khoán sản phẩm. Mỗi lao động có thu nhập 300 - 400 ngàn đồng/ngày. Ngoài ra, công ty còn giải quyết việc làm ổn định, có thu nhập khá cho hàng trăm lao động, trong đó hầu hết là nông dân nghèo, người dân tộc Chơro, thu mua nông sản cho bà con nông dân… |