Vươn lên thoát nghèo nhờ sản xuất rau màu chất lượng cao
- Thứ ba - 26/03/2013 22:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Qua 05 năm thực hiện Đề án của Tỉnh, Huyện về vùng chuyên canh màu tại 3 xã Hội An Đông, Mỹ An Hưng A và Mỹ An Hưng B đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, góp phần xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của nhân dân trong vùng. Đặc biệt, mô hình “Xây dựng vùng màu chất lượng cao và vận động hình thành Tổ chức kinh tế tập thể trong vùng màu” của Đảng uỷ xã Hội An Đông đã vận động được bà con nông dân tham gia mô hình, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất rau màu, từng bước nâng cao chất lượng hàng hoá, tiến tới xây dựng vùng sản xuất rau màu chất lượng cao. Xã Hội An Đông có trên 80% dân sống bằng nghề nông, hiện nay, diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 786 ha, trong đó diện tích rau màu là 398,5 ha. Xã cũng đã thành lập 02 Tổ hợp tác sản xuất rau màu, 01 Tổ thu mua hàng nông sản, 02 Câu lạc bộ sản xuất rau màu, 03 Tổ dịch vụ tưới tiêu, 01 Câu lạc bộ Khuyến nông và 01 Câu lạc bộ chăn nuôi bò.
Lợi nhuận từ trồng rau màu cao hơn trồng lúa 3-5 lần, có thể đạt 100 triệu/ha/vụ. Tuy nhiên, mô hình vẫn gặp nhiều khó khăn do vị trí địa lý và điều kiện thổ nhưỡng không thuận lợi, đất trong xã Hội An Đông nơi cao thấp khác nhau nên việc điều tiết nước trong vùng cũng gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, trong thời gian đầu khi vận động bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang rau màu, bà con cũng còn e ngại về hiệu quả kinh tế. Nông dân sản xuất mang tính tự phát không theo nhu cầu thị trường, không liên kết trong sản xuất. Bên cạnh đó, xã vẫn còn thiếu nhà sơ chế hay điểm tập kết nông sản, chủ yếu nông dân bán trực tiếp nên bị thương lái ép giá.
Ông Lê Vĩnh Tân, Bí thư Tỉnh uỷ rất vui mừng trước sự thành công của lãnh chỉ đạo các cấp trong thực hiện tái cấu trúc ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp phát triển kinh tế địa phương, giải quyết việc làm và giảm nghèo cho người dân. Công tác tuyên truyền vận động nhân dân, cần giúp dân thấy rõ lợi ích và hiệu quả kinh tế để dân tự nguyện tham gia. Bên cạnh đó, phải lựa chọn mô hình sản xuất sao cho “cung vừa đủ cầu” tránh cho người dân “trúng mùa mất giá” và tổ chức sản xuất liên kết với tiêu thụ sản phẩm. Tiến tới qui hoạch vùng và lựa chọn mô hình cây trồng phù hợp cho mùa nước nổi.
Nhân chuyến tham quan, cán bộ và nông dân xã Hoà An, thành phố Cao Lãnh cũng đã đến gặp gỡ, học tập và trao đổi với xã Hội An Đông về mô hình rau màu và chăn nuôi bò.
V.A
Sở NN&PTNT
Nguồn:bannhanong.vn