Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh: Mỗi xã, phường một sản phẩm

Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh: Mỗi xã, phường một sản phẩm
Sản phẩm này khai thác tiềm năng, thế mạnh, nét độc đáo từng vùng miền, do chính người dân tổ chức sản xuất, tiêu thụ và hưởng lợi.

Nhiều người đến Quảng Ninh công tác hay du lịch đều mách nhau mua các sản vật của vùng đất này như chả mực Hạ Long, Ba Kích tím và nhiều loại thủy, hải sản khác… Và nhiều du khách tìm dịp trở lại Quảng Ninh vì vùng đất này có nhiều đặc sản nổi tiếng.

Sản phẩm gắn liền thương hiệu

Chả mực Hạ Long là sản phẩm nổi tiếng của Quảng Ninh, hiện tại có hơn chục gia đình tham gia sản xuất mặt hàng này. Tại cơ sở sản xuất và bán hàng chả mực Kim Thoa của gia đình chị Kim Thoa ở chợ Hạ Long, chị Thanh Hiên (nhân viên Công ty May 10), cùng gia đình một số bạn bè đang mua chả mực. Chị Thanh Hiên cho biết, chị đã nhiều lần trở lại đây để mua chả mực về ăn và làm quà biếu cho bạn bè, người thân.

 

Chị Thanh Hiên (nhân viên Công ty May 10) đang mua quà cho gia đình
Còn chị Kim Thoa – chủ cơ sở sản xuất chả mực vui vẻ cho biết: “Sản phẩm chả mực của gia đình tôi đã được đăng ký bảo hộ thương hiệu, được nhiều người biết đến. Mỗi ngày, cơ sở sản xuất và bán ra khoảng 350 kg chả mực, vào ngày lễ tết con số này thường từ 400 kg trở lên”.

Hiện tại, Quảng Ninh đã xây dựng được thương hiệu cho hàng chục sản phẩm nông sản của địa phương. Anh Vũ Minh Hà – quản lý trang trại gà Tân An (khu Đồng Mát, phường Tân An, thị xã Quảng Yên) – cho biết, mỗi ngày trang trại của anh sản xuất khoảng 40.000-50.000 quả trứng gà. Sản phẩm trứng gà Tân An cũng đã đăng ký bảo hộ thương hiệu nên rất có uy tín trên thị trường. Trứng gà của trang trại được người tiêu dùng ưa chuộng.

Về chương trình xây dựng nông thôn mới, gắn xây dựng sản phẩm với thương hiệu, ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, năm nay tỉnh triển khai mô hình mới, ngoài xây dựng thương hiệu còn xây dựng mỗi xã phường một sản phẩm. Sản phẩm này khai thác tiềm năng, thế mạnh, nét độc đáo từng vùng miền, do chính người dân tổ chức sản xuất, tiêu thụ và hưởng lợi.

 

Tại cơ sở sản xuất chả mực Kim Thoa, Quảng Ninh
Cũng theo ông Đặng Huy Hậu, Quảng Ninh có thuận lợi là có rất nhiều sản phẩm có tính vùng miền, được xã hội chấp nhận nhưng vẫn ở dạng tự cung, tự cấp. Ví dụ, muốn mua kẹo lạc hồng, khâu nhục, bánh gù… thì phải ra Tiên Yên hay mua mắm cáy phải về Đông Triều. Hương vị của các sản phẩm này rất ngon nhưng bao bì đơn giản.

Và mô hình được Quảng Ninh áp dụng là huy động nhiều hộ dân trong một vùng cùng tham gia sản xuất một loại sản phẩm. Ví dụ, địa phương sẽ tập hợp khoảng 30 gia đình sản xuất kẹo hàng hóa theo một qui trình do các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, mẫu mã, bao bì cũng khác đi, đẹp hơn. Sản phẩm sau đó được đưa vào các gian hàng giới thiệu các sản phẩm của tỉnh (khoảng vài chục gian hàng) để phục vụ khách du lịch, người bản địa.

“Như vậy, sẽ có vài chục gia đình sản xuất cùng một sản phẩm và cung ứng cho bộ phận làm dịch vụ. Nếu trên địa bàn có một điểm dừng chân thì có thể tự giới thiệu, bán sản phẩm. Người dân làm, tự quản lý chất lượng, hạch toán có lãi và người ta bảo vệ mặt hàng của mình. Trên toàn tỉnh có khoảng trên 40 sản phẩm đăng ký làm theo cách này, sẽ khai thác được thế mạnh địa phương và chính người dân phải “lăn” vào làm” – ông Hậu nói.

Còn nhiều trăn trở

Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các địa phương triển khai Đề án “Tỉnh Quảng Ninh mỗi xã phường một sản phẩm”. Cùng với đó, tỉnh đã hoàn thiện phương án quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung đến năm 2020, trong đó đã xác định được 17 vùng; xây dựng chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung. Đến nay, theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, chính sách đã cơ bản hoàn thành, đang hoàn thiện thủ tục trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Để tháo gỡ khó khăn đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, về vay vốn ngân hàng, các sở, ngành của tỉnh cũng đã tổ chức các cuộc họp với các DN.

Tuy nhiên, trăn trở của những người nuôi trồng thủy sản, làm chả mực hay sản xuất trứng gà… là hầu hết sản phẩm của họ chưa có đầu ra ổn định, vẫn lệ thuộc nhiều vào thương lái. Hay sản phẩm đó có bị làm nhái, làm giả hay không cũng chưa thể biết được… Ông Đặng Huy Hậu cho biết, việc tìm đầu ra cho nông sản, tỉnh Quảng Ninh làm đã mất rất nhiều công sức. Cụ thể, phối hợp với các đơn vị như ngành than, du lịch cùng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và tổ chức cho các doanh nghiệp, bên mua, bán gặp nhau.

 Ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
“Đã có một số đơn vị ngành than, du lịch đã chủ động gặp đối tác để tiêu thụ nông sản. Nếu DN cứ ngồi chờ thì rất khó khăn vì cơ chế thị trường thì Nhà nước không thể ép người khác mua sản phẩm của nông dân. Về cơ bản hiện nay các mặt hàng đều được thị trường và nhiều siêu thị chấp nhận, thậm chí có những mặt hàng số lượng còn rất ít không đủ đáp ứng cho siêu thị” – ông Đặng Huy Hậu nói.

Cũng theo ông Hậu, để tiến tới sản xuất hàng hóa, người nông dân phải dần dần chấp nhận luật chơi, phải sản xuất theo đúng qui trình, qui chuẩn.

Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh tiếp tục triển khai thực hiện 12 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi năm 2012; phối hợp tổ chức mở rộng kênh hàng tiêu thụ giới thiệu sản phẩm rau an toàn Quảng Yên trên hệ thống của hàng Green Food tại thị trường Cẩm Phả; hỗ trợ vốn theo kênh Quỹ Phát triển Khoa học Công nghệ cho một số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp như sản xuất gỗ của Công ty chế biến gỗ ở Đầm Hà, phát triển ba kích ở Ba Chẽ, sản phẩm gốm ở Đông Triều…/.

Vũ Hạnh-Khương Thủy
Nguồn vov.vn