Xóa nghèo từ măng Điền trúc

Xóa nghèo từ măng Điền trúc
Gio Hoà là một trong những xã vùng kinh tế mới thuộc miền Tây huyện Gio Linh (Quảng Trị). Do không có đất ruộng nên người dân chủ yếu sống dựa vào việc trồng các loại cây công nghiệp. Từ năm 2004, với chủ trương phát triển kinh tế theo hướng đa cây, đa con, Gio Hoà đã có bước tiến đáng kể, trong đó tre Điền trúc đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Lãnh đạo xã Gio Hòa thăm mô hình trồng tre điền trúc.

Gia đình ông Ngô Văn Thành ở thôn Nhật Hoà là một trong những hộ đầu tiên trồng tre Điền trúc ở Gio Hoà. Ông Thành đã trở thành gương sản xuất kinh doanh giỏi. Ngoài các loại cây trồng truyền thống như sắn, khoai, lạc, ông tận dụng diện tích đất gò đồi trồng tre Điền trúc lấy măng. Với 1ha tre Điền trúc, vào thời điểm thu hoạch rộ, gia đình ông thu nhập 300.000 – 500.000 đồng/ngày. Nhờ vậy, những năm trở lại đây, cuộc sống của gia đình được cải thiện đáng kể. “Tre Điền trúc dễ trồng, chỉ sau hai năm là cho thu hoạch. Loại cây này chống sâu bệnh tốt, lại thích hợp với chất đất ở đây nên cho khá nhiều măng. Tui trồng gần 100 bụi tre Điền trúc nhưng không tốn nhiều công chăm sóc. Mỗi năm gia đình thu hoạch trong vòng 10 tháng, còn hai tháng mùa lạnh măng ít ra”, ông Thành nói.

Theo tính toán của ông Thành, mỗi bụi khi ra măng có đến 50 búp, cứ hai ngày thu hái một lần.

Hiện, trên địa bàn xã Gio Hòa có trên 30 hộ trồng tre Điền trúc với tổng diện tích 11ha. Những năm trở lại đây, tre Điền trúc đã góp phần thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây. Không chỉ lấy măng, các hộ còn ghép cây giống để mở rộng diện tích và bán cho những gia đình trong và ngoài xã. Mỗi cây giống có giá 12.000 đồng, thu nhập bình quân mỗi đợt là 8 – 12 triệu đồng. Ngoài ra, bà con còn tận dụng thân cây tre Điền trúc già để làm nhà, chuồng trại chăn nuôi.

Ông Phạm Văn Thành, Phó chủ tịch UBND xã Gio Hoà cho biết: “Đây là vùng kinh tế mới nên cuộc sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Để phát triển kinh tế, giúp dân xóa đói giảm nghèo, Đảng ủy, UBND xã đã đề ra nhiều hướng. Ngoài việc khai thác thế mạnh cây cao su thì việc phát triển rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày cũng được xã chú trọng. Khoảng 7 năm trở lại đây, được sự giúp đỡ của Trạm Khuyến nông và Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, xã đã đưa tre Điền trúc vào trồng, bước đầu loại cây trồng này khẳng định được hiệu quả kinh tế. Trước hiệu quả đó, chúng tôi dự định quy hoạch vùng trồng tre Điền trúc trên cơ sở tận dụng các vùng đất không thích hợp với cây cao su hoặc vùng đất màu kém hiệu quả, đồng thời có chính sách hỗ trợ nhân dân mở rộng diện tích loại cây trồng này…”.

Gia Thi

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn