Xử lý CTR nông thôn: Mỗi địa phương một… phách

(Xây dựng) - Rác thải đã trở thành hình ảnh quen thuộc tại nhiều làng quê trong vài năm trở lại đây. Bởi lẽ, rác thải từ các hộ gia đình không tự tiêu tự hủy như trước mà được đổ ra đường, ra hồ, ra ruộng đồng… khiến tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn trở thành vấn nạn.
Đốt rác thải ngay sát lề đường tại huyện Yên Phong - Bắc Ninh

Khói, bụi, nước rác - đặc sản mới ở nông thôn

Xử lý chất thải rắn (CTR) luôn làm đau đầu các nhà khoa học cũng như chính quyền các địa phương, bởi xử lý rác thải sao cho vừa hạn chế ô nhiễm môi trường lại vừa phát triển được kinh tế.

Trong quan niệm của đại đa số cư dân nông thôn nước ta, rác thải nhiều năm về trước, sau khi bị đào thải ra môi trường, người dân sẽ tự hủy hoặc chôn lấp trong vườn nhà. Nhưng giờ đây, cuộc sống càng thay đổi, nhu cầu tăng lên cũng như sự tiện lợi của túi ni lông, thói quen sống đã đẩy rác thải từ vườn nhà ra ngoài đường một cách nhanh chóng.

Theo quan sát của PV chiều 29/12/2014, tại đường dẫn lên cầu Mai Đình, khu vực huyện Yên Phong (Bắc Ninh) có một khu tập kết rác khá lớn, diện tích khoảng 30-35m 2 .

Rác thải tràn ra khu vực lòng đường, mùi khét lẹt của túi ni lông bị đốt, tiếng nổ lốp bốp của lọ thủy tinh xen lẫn với mùi nước rác tích tụ chảy ra đường khiến ai ai đi qua cũng phải “nín thở” vài giây.

Cách đó hơn chục km, hướng về thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh), tại khu vực Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 9902 S Bắc Ninh, rác đúng nghĩa là tràn ra đường, rác bám chặt, quấn thành từng mảng tại các gốc cây ven đường, khói đốt rác nghi ngút trắng xóa một khu vực.

Chính quyền và nhân dân cùng chung sức xử lý rác

Không bị động như ở Bắc Ninh, người dân xã Thượng Kiệm (Kim Sơn, Ninh Bình) đã tự xây dựng hố rác hai ngăn để xử lý rác thải. Đây là hố rác dùng cho hộ gia đình với kích thước dài 1,8m, rộng 1m, cao 1m và được chia làm 2 ngăn, mái lợp phi brô-xi măng. Trong đó, 1 ngăn chứa rác có thể phân hủy được, gồm các loại rau, củ, quả hỏng, vỏ trái cây, bã chè, lá bánh… Ngăn còn lại dùng để đựng túi nilon, chai lọ, giấy báo cùng nhiều loại rác khó phân hủy khác. Hố rác được xây dựng khá đơn giản, bằng vật liệu sẵn có tại địa phương, với chi phí khoảng 500.000 đồng, trong đó Hội Phụ nữ các cấp hỗ trợ 50%.


Hố chứa rác hai ngăn tại xã Thượng Kiệm, Kim Sơn, Ninh Bình

Bà Mai Thị Thắm - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thượng Kiệm cho hay: Đối với các loại rác tự phân hủy được, chúng tôi hướng dẫn bà con rắc vôi bột vào ngăn rác. Một thời gian sau loại rác này tự phân hủy, sau đó đem ra đồng bón ruộng. Các loại rác khó phân hủy như túi ni lông, chai lọ… thì người dân gom lại, sau đó bán lại cho người thu gom đồng nát. Mô hình này rất hiệu quả, vừa giải quyết triệt để vấn đề rác thải nông thôn, vừa không gây ô nhiễm môi trường.

Ông Chu Thanh Hà, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình cho rằng: Mô hình hố rác hai ngăn ở xã Thượng Kiệm cần được nhân rộng bởi tính hiệu quả trong xử lý rác nông thôn cũng như kinh tế, lại giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tương tự, nhận thức rõ được tầm quan trọng của xử lý CTR tại nông thôn, huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) đã kết hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Bắc Giang cho ra đời lò đốt rác thải sinh hoạt, công suất từ 3-5 tạ rác/giờ.

Lò đốt rác thải sinh hoạt tại thôn Tân Sơn, xã Hùng Sơn (Hiệp Hòa, Bắc Giang) với giá thành từ 180 triệu đến 220 triệu đồng/lò.


Lò đốt rác loại này đã được vận hành tại thôn Tân Sơn, xã Hùng Sơn (huyện Hiệp Hòa).

Lò cao 5m xây theo hình tháp, rộng gần 3m, gồm 2 cửa đáy, 1 cửa nhận rác. Kinh phí đầu tư lò từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới do huyện hỗ trợ, đất xây dựng đặt lò đốt rác do xã và thôn vận động. Trung bình khoảng 5-6 ngày thì lò đốt rác một lần.

Sau khi thấy mô hình của xã Hùng Sơn đạt hiệu quả đáng mừng, nhiều xã như Thái Sơn, Đại Thành của huyện Hiệp Hòa cũng bắt đầu triển khai.

Ông Trần Văn Đông - Chủ tịch UBND xã Đại Thành khẳng định: Lò đốt rác thải sinh hoạt rất hiệu quả, người dân trong xã rất phấn khởi. Tình trạng rác thải nằm rải rác khắp đường thôn, ngõ xóm, bờ ruộng, bờ ao không còn. Người dân rất ý thức trong việc phân loại rác trước khi đưa ra điểm tập kết rồi mang tới lò đốt rác.

Giữa tháng 12/2014 vừa qua, huyện Thanh Oai (Hà Nội) đã khánh thành xây dựng trạm trung chuyển xử lý rác thải đầu tiên ở Hà Nội.

Trạm trung chuyển xử lý rác thải được xây dựng với mục tiêu xử lý hơn 100 tấn rác thải/ngày đêm (giai đoạn 1). Xử lý rác thải, chất thải rắn tại huyện Thanh Oai, giảm thiểu nước rác tránh gây ô nhiệm môi trường, đồng thời ngăn chặn tối đa nước rỉ rác trên đường vận chuyển tới khu xử lý tập trung. Nâng cao năng suất lao động các khâu thu gom, vận chuyển rác, tiết kiệm kinh phí để đầu tư cho công tác xử lý rác góp phần ổn định ngân sách địa phường đồng thời nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho rằng: Công việc chôn lấp và xử lý nước rỉ rác là rất lớn, nếu không giải quyết triệt để ảnh hưởng rất lớn đến môi trường nước của người dân địa phương.

Mô hình trạm trung chuyển xử lý rác thải ở huyện Thanh Oai, Hà Nội nếu hoạt động tốt thì cần phải nhân rộng ra nhiều địa phương khác. Việc áp dụng khoa học công nghệ vào xử lý rác thải nhằm giảm CTR, giảm tỷ lệ chôn lấp, giảm ngân sách địa phương là điều rất tốt.

Theo: baomoi.com