Ý chí của một CLB phụ nữ

Do hoàn cảnh cuộc sống khó khăn, chồng con đi làm ăn xa, nhiều chị em phụ nữ lại trở thành trụ cột trong mỗi gia đình với vô vàn nỗi khó nhọc. Nhưng với bản tính cần cù, với ý chí vượt lên số phận, nhiều chị em phụ nữ xã Minh Dân, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đã liên hiệp lại, thành lập các mô hình câu lạc bộ (CLB) tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.
Mô hình kinh tế tại gia đình của chị Nhữ Thị Hương
Vốn là xã thuần nông nghèo, thâm canh chủ yếu từ cây lúa, các ngành nghề khác hầu như không phát triển, cái khó, cái nghèo vẫn luôn "đeo đẳng”.  Với ý chí không chịu khuất phục trước hoàn cảnh, phần nhiều những người đàn ông- trụ cột trong mỗi gia đình, cũng như tầng lớp thanh niên trong các làng, xã  đã hạ quyết tâm, rời mảnh đất quê hương lên đường đi làm ăn xa. Tình trạng "ly hương” đã trở nên phổ biến, trở thành con đường lựa chọn hàng đầu của nhiều người dân lúc bấy giờ. Chính điều đó đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống, đến hạnh phúc của nhiều hộ gia đình. Một khi nền tảng hạnh phúc gia đình bị ảnh hưởng... tất yếu sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các chủ trương chính sách khác của cấp ủy, chính quyền…Đó là những rào cản bức thiết đối với chính quyền các cấp xã Minh Dân.
 
Bà Nguyễn Thị Trúc - Chủ tịch Hội phụ nữ xã cho biết, trước thực trạng trên, Hội liên hiệp phụ nữ xã xác định rõ vai trò cốt cán của tầng lớp mình trong nhiệm vụ gìn giữ hạnh phúc gia đình nói riêng và phát triển nói chung. Lấy mục tiêu phát triển kinh tế làm trọng tâm, dưới sự quan tâm định hướng sâu sắc của các cấp, các ngành; của Hội phụ nữ cấp trên… Hội đã vận động chị em phụ nữ trong xã tham gia hội viên, thành lập các mô hình CLB như: CLB phụ nữ phát triển kinh tế, CLB phụ nữ giảm nghèo, CLB phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc…cùng tương trợ giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế.
 
Theo đó, hai mô hình CLB đầu tiên được hình thành là mô hình CLB phụ nữ phát triển kinh tế, CLB phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc đã hoạt động tích cực, hăng hái với các tổ, nhóm tiết kiệm- tín dụng; giúp chị em phụ nữ tín chấp để vay vốn ngân hàng chính sách xã hội đầu tư làm kinh tế; vận động hàn gắn tình cảm cho các cặp vợ chồng có mâu thuẫn, giữ gìn mái ấm cho các chị…
 
Ban đầu, do nhận thức của chị em hội viên có hạn, nhiều chính sách, đường lối tiếp thu triển khai còn chậm, dẫn đến hiệu quả mô hình chưa cao. Trước những hạn chế trên, Hội phụ nữ xã đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế dưới sự dõi theo, giúp đỡ của các hội viên bằng những mô hình thiết thực đã đạt được thắng lợi. Mưa dầm thấm lâu, với những kết quả đạt được, đã tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, tư tưởng của các hội viên.
 
Đến nay, toàn xã đã hình thành 13 mô hình CLB khác nhau, hoạt động linh hoạt. Trong năm 2012, hội phụ nữ đã cho vay bằng tín chấp Ngân hàng chính sách xã hội cho 120 hộ nghèo với số tiền 900 triệu đồng; Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho vay 2,1 tỷ đồng, nhân rộng các mô hình trang trại, gia trại với CLB phụ nữ phát triển trang trại chăn nuôi gồm 17 thành viên cho thu nhập 80 triệu đồng/ năm trở lên.
 
Trên những tuyến đường khang trang, chúng tôi tìm đến hộ gia đình hội viên Nhữ Thị Hương (42 tuổi), xóm 6, xã Minh Dân- hội viên được đánh giá là một trong những hội viên hoạt động năng nổ, tích cực nhất của xã, trong khi chị đang vận hành máy xay xát gạo cho bà con. Chị Hương cho biết, cuộc sống gia đình chị trước đây gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế chính của gia đình lúc bấy giờ chỉ là một mảnh vườn bỏ không và mấy sào ruộng cho thu nhập thấp, vốn liếng chẳng có để làm ăn. Kể từ khi gia nhập hội viên hội phụ nữ của xã, tham gia mô hình CLB giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, nhận được sự hỗ trợ trong việc tín chấp vay vốn ngân hàng, chúng tôi đã mạnh dạn vay số tiền 10 triệu đồng, tận dụng đất đai rộng để đầu tư vào phát triển chăn nuôi lợn, kết hợp mua máy xay xát và buôn bán lúa gạo,…Đến nay, kết hợp tất cả các loại hình kinh doanh, mỗi năm gia đình chị thu nhập từ 200 đến 250 triệu đồng.
 
Bà Nguyễn Thị Trúc cho biết thêm, hội cũng đấu mối du nhập nhiều các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp vào xã như: Móc sợi, đan lát, trồng nấm rơm…góp phần chuyển biến một cách sâu sắc đời sống kinh tế của xã, nâng cao thu nhập cho người nông dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo... "Đặc biệt sự thay đổi đó đã góp phần to lớn trong việc lôi kéo nguồn lao động "ly hương” đi làm ăn xa trở về. Minh Dân đã có thêm động lực để hoàn thành thắng lợi 19 tiêu chí xây dựng NTM vào cuối năm 2012 vừa qua”, bà Trúc khẳng định.
Đình Giang
http://daidoanket.vn