hái Nguyên: Đôi vợ chồng trẻ với mô hình chăn nuôi tổng hợp

Gia đình anh chị Phùng Thị Nga, Ma Văn Du là một hộ nông dân tiêu biểu của xóm Đồng Quốc, xã Yên Trạch, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên với mô hình chăn nuôi tổng hợp thành công.
 

Thực sự, ở vùng quê đất khó, khô cằn này, không phải nông dân nào cũng biết tận dụng ưu thế để phát triển sản xuất. Thế nhưng, đôi vợ chồng trẻ Nga – Du không cam chịu cái nghèo bởi theo anh chị, đất là điều kiện để bám trụ làm ăn.

 

Trước đây, gia đình anh chị chỉ trồng lúa 2 vụ, trồng rau màu và chăn nuôi nhỏ phục vụ nhu cầu của gia đình. Năm 2009, anh chị quyết định chuyển đổi từ sản xuất đơn thuần sang đầu tư nuôi gà lai chọi, nuôi vịt đẻ, vịt thịt và chăn nuôi lợn. Ngoài ra, anh chị còn dành diện tích mặt ao để thả cá.

 

Để sản xuất đạt hiệu quả, anh chị tự tìm hiểu, học hỏi kiến thức qua sách báo, phương tiện thông tin đại chúng và kinh nghiệm sản xuất từ các mô hình của bà con nông dân trong xã, trong huyện.

 

Lúc đầu, do vốn ít, anh chị chỉ nuôi thử nghiệm gà, vịt với số lượng nhỏ và thả cá. Xác định lấy ngắn nuôi dài, ngoài 4 sào ruộng lúa cho 2 vụ thu hoạch, gia đình còn trồng cây màu, đặc biệt gia đình đầu tư trồng 1 sào bí xanh của chương trình dự án do Trạm khuyến nông huyện triển khai. Chị Nga vui vẻ chia sẻ, 1 sào bí mang lại cho gia đình chị 20 triệu đồng/vụ, cho thu nhập cao hơn 4 sào lúa.

 

Hiện nay, gia đình anh chị nuôi 200 vịt con, 80 vịt đẻ trứng và trên 100 gà lai chọi, 6 con lợn trong 2 ô chuồng. Gia đình anh chị tận dụng các tầng nước và thức ăn để thả nuôi các loài cá truyền thống như trôi, mè, chép, trắm... Đây là những giống cá tương đối dễ nuôi, phù hợp với khí hậu miền núi phía Bắc, ít dịch bệnh, không kén thức ăn, mà thị trường tiêu thụ rộng.

 

Không dừng lại, tháng 10/2011, anh chị đầu tư nuôi giun quế để làm thức ăn bổ dưỡng cho đàn gà, vịt. Chị Nga cho biết, ban đầu gia đình mới nuôi 2m2 giun quế, sau đó thấy nuôi dễ, đầu tư thấp, lại không tốn nhiều công sức nên gia đình đã nhân rộng ra 10m2. Thức ăn nuôi con giun quế là phân mục, phân trâu, mỗi tuần chỉ phải cho giun ăn một lần.

 

Chị Nga đang kiểm tra con giun quế

 

Trong quá trình chăn nuôi gà, vịt, lợn gia đình luôn tuân thủ đúng qui trình kỹ thuật từ khâu chọn con giống tốt, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh, hàng ngày vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Chất thải chăn nuôi được xử lý trước khi tận dụng làm thức ăn nuôi cá và bón cho cây xanh. Sau khi xuất bán, thay đàn, anh chị dùng vôi bột rắc chuồng nuôi hoặc dùng chế phẩm sinh học để xử lý chuồng trại sạch sẽ, sau thời gian từ 10 - 15 ngày mới bắt đầu lứa nuôi tiếp theo để hạn chế dịch bệnh. Chính vì vậy, đàn gà, vịt và lợn của gia đình anh chị ít dịch bệnh, đẻ nhiều, cho thu nhập cao, trung bình 1 năm cũng cho thu nhập trên dưới 100 triệu đồng.

 

Mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh chị thu hút nhiều hộ chăn nuôi trong và ngoài xã tìm đến học hỏi, nhất là nuôi giun quế. Hai vợ chồng trẻ cũng không hề dấu nghề, mà luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn kỹ thuật về chăm sóc, phòng trị bệnh, sử dụng thuốc thú y cho bà con.

 

Đây là mô hình cho hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện sản xuất ở vùng nông thôn miền núi, vừa tận dụng được diện tích sẵn có của địa phương, nguồn thức ăn dư thừa, không gây ô nhiễm môi trường, mang lại nguồn thu không nhỏ cho người nông dân.

 

Vân Khánh
Nguồn:
http://khuyennongvn.gov.vn