Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần
- Thứ hai - 20/05/2013 03:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ảnh minh họa |
Tại Nghị định quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu (công ty) vừa được Chính phủ ban hành nêu rõ, quỹ tiền lương thực hiện của người lao động được xác định trên cơ sở số lao động thực tế sử dụng bình quân và mức tiền lương bình quân thực hiện.
Mức tiền lương bình quân thực hiện để tính quỹ tiền lương được xác định trên cơ sở mức tiền lương bình quân thực hiện của năm trước liền kề, năng suất lao động và lợi nhuận thực hiện trong năm so với năng suất lao động và lợi nhuận thực hiện của năm trước liền kề theo nguyên tắc: Năng suất lao động và lợi nhuận thực hiện trong năm tăng thì mức tiền lương thực hiện tăng so với thực hiện của năm trước liền kề, trong đó năng suất lao động tăng 1% thì tiền lương được tăng thêm không quá 0,8% và bảo đảm mức tăng tiền lương bình quân (theo năng suất lao động và theo lợi nhuận) phải thấp hơn mức tăng năng suất lao động.
Trường hợp năng suất lao động và lợi nhuận thực hiện trong năm giảm thì mức tiền lương thực hiện giảm so với thực hiện của năm trước liền kề.
Trường hợp không có lợi nhuận hoặc lỗ thì mức tiền lương thực hiện được tính bằng mức tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động (mức lương chế độ).
Khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương ít nhất 5%
Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương, trong đó quy định cụ thể nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động.
Nghị định nêu rõ, căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, doanh nghiệp xây dựng và quyết định thang lương, bảng lương đối với lao động quản lý, lao động chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và công nhân trực tiếp sản xuất, kinh doanh, phục vụ.
Về nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương, khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề phải bảo đảm khuyến khích người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm, phát triển tài năng nhưng ít nhất bằng 5%.
Quy định làm thêm giờ đối với người lao động
Theo Nghị định số 45/2013/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó quy định cụ thể về làm thêm giờ đối với người lao động, thì số giờ làm thêm trong ngày không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày; khi áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày.
Khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần thì số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày.
Nghị định cũng quy định 3 trường hợp được tổ chức làm thêm từ 200-300 giờ trong một năm gồm: 1- Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thủy sản; 2- Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước; 3- Các trường hợp khác phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn.
Sau mỗi đợt làm thêm tối đa 7 ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động nghỉ bù số thời gian đã không được nghỉ. Trường hợp không bố trí nghỉ bù đủ số thời gian thì phải trả lương làm thêm giờ theo quy định tại Điều 97 của Bộ Luật lao động.
Trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về hợp đồng lao động, trong đó quy định rõ trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động và người lao động.
Cụ thể, người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
Người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động còn lại có trách nhiệm chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.
Hỗ trợ Đoàn Thanh niên thực hiện Chiến dịch tình nguyện hè 2013
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp, tạo điều kiện để Đoàn Thanh niên triển khai thực hiện hiệu quả Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè năm 2013 với chủ đề "Tuổi trẻ tham gia xây dựng văn minh đô thị, văn hóa nông thôn".
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tích cực hỗ trợ Đoàn Thanh niên các cấp tổ chức và nhân rộng các mô hình hoạt động tình nguyện theo chương trình, kế hoạch đề ra, bảo đảm hiệu quả thiết thực.
Đồng thời tăng cường sự quan tâm của toàn xã hội đến công tác chăm lo, bồi dưỡng và phát huy nguồn nhân lực trẻ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Kế hoạch khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn đến 2015.
Theo đó, sẽ xây dựng, trình duyệt và triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ nạn nhân bom mìn tái hoà nhập cộng đồng, trước hết triển khai thực hiện tại các khu vực bị ô nhiễm nặng và xảy ra nhiều tai nạn bom mìn.
Bên cạnh đó, xây dựng, trình duyệt và triển khai thực hiện các dự án tuyên truyền về thực trạng và hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức trong việc tập trung huy động nguồn lực trong nước, vận động các nước, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các cá nhân nước ngoài và các tổ chức, cá nhân trong nước hỗ trợ thực hiện Chương trình.
Đồng thời, thực hiện các kế hoạch rà phá bom mìn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đạt khối lượng diện tích khoảng 500.000 ha, ưu tiên tại các địa phương bị ô nhiễm nặng và hay xảy ra tai nạn bom mìn.
Vụ xô xát tại Tiên Lãng, Hải Phòng: Tiếp tục làm rõ vi phạm
Trên cơ sở báo cáo của UBND thành phố Hải Phòng về vụ xô xát tại thôn Trâm Khê, xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng tiếp tục chỉ đạo cơ quan công an điều tra, làm rõ những người có hành vi vi phạm pháp luật để có biện pháp xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Đồng thời cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, khách quan về vụ việc để dư luận và nhân dân hiểu đúng bản chất vụ việc; giải quyết kịp thời những tồn tại, vướng mắc khi thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra tình hình phức tạp.
Giảm chính sách "cho không", tăng hỗ trợ sản xuất
Tại Thông báo 195/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững yêu cầu các địa phương cụ thể hóa mục tiêu chương trình giảm nghèo vào các chỉ tiêu và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm ở địa phương và có kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, định hướng giảm nghèo trong thời gian tới cần phân loại nhóm đối tượng để có các chính sách cụ thể theo hướng có lộ trình, phân loại đối tượng và chính sách để giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp “cho không” đối với một số nhóm cụ thể, đồng thời tăng dần các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm, khuyến khích người nghèo tự chủ vươn lên thoát nghèo.
Thanh Thanh
Theo chinhphu.vn